.
Phương hay Thuốc quý

Ba ba làm thuốc

.

Hiện nay có nhiều nhà hàng hay chế biến các món ăn từ ba ba và được quảng cáo có nhiều tác dụng... “một tấc lên trời”. Có một số bạn đọc nhờ chúng tôi tư vấn thực hư các tác dụng của ba ba như thế nào. Xin được cung cấp một số tư liệu viết về ba ba và các bộ phận làm thuốc theo Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam (Võ Văn Chi, NXB Y học, 1998) như sau:

Ba ba - Trionyx sinensis. (Ảnh: Internet)
Ba ba - Trionyx sinensis. (Ảnh: Internet)

Ba ba, còn gọi Ba ba trơn, tên khoa học Trionyx sinensis Wiegmann, thuộc họ Ba ba - Trionychidae. Theo Đông y, mai ba ba có vị mặn, tính bình; có tác dụng tư âm tiềm dương, trấn tĩnh, nhuyễn kiên tán kết (làm mềm các khối u rắn). Đầu ba ba: bổ khí trợ dương. Thịt ba ba: tư bổ cường tráng. Cao mai ba ba: tư âm thoái nhiệt, bổ huyết, tiêu ứ. Mật ba ba: có vị đắng, tính bình.

1- Mai ba ba dùng cho người lao gầy, lao lực quá độ, nhức xương, tiểu tiện ra sỏi, tích huyết sinh hòn cục, sốt rét sinh báng to (tẩm giấm nướng, tán thành vị bột uống với rượu); sốt rét lâu ngày (nướng vàng tán nhỏ uống mỗi lần 4g với nước gừng). Còn dùng trị trẻ con kinh giản (nướng nghiền nhỏ, hòa với sữa uống). Ngày dùng 12-20g. Những người âm hư mà không nhiệt và tỳ vị yếu hay ỉa chảy không dùng.

Tuệ Tĩnh đã viết trong Nam dược thần hiệu: Miết giáp - mai ba ba; vị mặn, tính bình, không độc, bổ âm ích khí, trừ nóng âm ỷ, ho lao, điều kinh, phá phối cục.

Hải Thượng Lãn Ông cũng ghi nhận trong Lĩnh nam bản thảo:

Miết giáp là mai của ba ba
Mặn bình, không độc, tính thông hòa,
Bổ dương, ích khí, trừ âm nhiệt.
Lao khái, điều kinh, phá huyết hà.

Trong cuốn Dược phẩm vậng yếu, cụ viết là Miết giáp:

Chủ trị: Lao gầy nóng trong xương, ôn ngược sốt cơn, sốt rét trở đi trở lại thành báng, trưng hà, mọc thịt thừa, âm khí sinh sâu, chứng trĩ, lui nhiệt ẩn nấp trong xương, lớn mạnh âm khí của can và thận, trẻ em dưới sườn cứng rắn, đàn bà sau khi sinh bị lao, trữ bĩ đầy, hóa huyết tích thành trưng hà, đau lưng, chữa mụt mọc trong ruột, tiêu sưng hạ huyết ứ, trụy thai. Lại nói: chữa đàn bà bế kinh, cùng rong huyết xuống 5 sắc, chữa cả chứng thạch lâm.

2- Đầu ba ba: Dùng rượu tẩm kỹ phơi trong bóng mát cho khô, rồi đốt cháy tồn tính. Có thể chữa được cam sài lở ngứa của trẻ em, phụ nữ sau khi sinh bị chứng âm thoát, sa bộ phận sinh dục, đàn ông thoát giang (đầu ba ba khô tán thành bột, hòa với dầu dừa thoa. Trước đó, nấu nước ngải cứu rửa sạch).

3- Thịt ba ba là loại thực phẩm ngon và bổ. Ai ăn được nhiều có thể chữa được bệnh lao phổi và khỏi được bệnh đi lỵ lâu ngày. Nó chữa được cả chứng khí hư, người bị chứng âm hư gầy còm ốm yếu và có thể bổ được sức khỏe. Tuy nhiên, do tính nó lạnh nên chỉ phù hợp với người tạng nhiệt, còn những người có tạng hàn, người sau sinh đẻ, người đang yếu dở không nên ăn.

4- Máu ba ba dùng trị khớp xương sưng hạch; cũng dùng chữa trẻ em sốt rét, có báng tích, chứng cam sài, lao sài, thoát giang (lưu ý không dùng máu sống hòa rượu uống, có thể lây nhiễm nhiều ký sinh trùng trong máu ba ba).

5- Mật ba ba trị được những chứng bĩ khối, báng tích, trĩ sang, trĩ lậu.

PHAN LANG (st)

;
.
.
.
.
.