Muồng truổng ký sinh thang là bài thuốc được chúng tôi đúc kết sau thời gian ứng dụng thuốc Nam chữa bệnh tại các Tuệ Tĩnh Đường ở Hòa Vang.
Thân Muồng truổng có gai có thể dát mỏng làm thuốc. Ảnh: P.C.T |
Thành phần chính bài thuốc gồm 3 vị: Muồng truổng 30g, Tang ký sinh (chùm gởi dâu) 20g, Cam thảo đất 12g.
Chúng tôi cố ý đặt tên “nhái” theo cổ phương Độc hoạt ký sinh thang, để dễ nhớ đến công dụng khu phong trừ thấp, bổ can thận, chữa đau nhức, tê bại trong các chứng viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, thần kinh tọa, đau vai gáy.
Tùy triệu chứng, bộ vị bệnh, chọn gia thêm vài ba vị thuốc nữa, như:
- Đau chi trên gia Tang chi 20g, Quế chi 10g.
- Đau chi dưới gia Cỏ xước 16g, Mắc cỡ 16g.
- Đau thắt lưng, thần kinh tọa, gia Kê huyết đằng 16g, Cẩu tích 30g.
- Thấp trệ sưng khớp gia Ké hoa đào 20g, Lá lốt 12g.
Chúng tôi đã điều trị hơn 100 bệnh nhân, mỗi đợt là 15 thang (phụ trị châm cứu 5 lần), kết quả khỏi và đỡ khoảng 75%. Xin lưu ý, theo kinh nghiệm dân gian, chúng tôi dùng toàn thân cây Muồng truổng (cả vỏ thân và lõi gỗ dát mỏng), chứ không chỉ dùng vỏ thân, vỏ rễ như các sách thuốc trước đây đã viết.
Sau đây xin giới thiệu một số đơn thuốc khác:
1- Viêm gan mạn tính (viêm gan vàng da):
- Rễ Muồng truổng (khô) 30-60g sắc uống.
- Rễ Muồng truổng, Cỏ ban, Nhân trần cao, Bòi ngòi bò, mỗi vị 15g, sắc nước uống.
- Rễ Muồng truỗng 50g, Cây chó đẻ 30g, Cây ráy gai 30g, Cỏ nhọ nồi 20g, Rau má 20g, Nhân trần 20g. Sắc uống.
2- Chữa phong thấp, nhức xương, đòn ngã sưng ứ máu:
- Rễ Muồng truổng 30-60g, sắc uống.
- Vỏ thân Muồng truổng (cạo bỏ lớp bẩn bên ngoài, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô) 20g, Hy thiêm 20g, Phấn phòng kỷ 20g, Mộc thông 20g, Thổ phục linh 20g. Sắc chia 2 lần uống trong ngày.
3- Chữa đau nhức răng: Rễ Muồng truổng, tách lấy vỏ rễ, rửa sạch, nhai, ngậm vào chỗ răng đau. Nếu có nước bọt ra nhiều nhổ đi. Cuối cùng, nhổ cả nước lẫn bã, không nuốt. Có thể lấy vỏ rễ băm nhỏ rồi ngâm với rượu từ 3 ngày trở lên, khi đau răng ngậm rượu, rồi nhổ đi.
4- Chữa mẩn ngứa, ghẻ lở, lở sơn, dị ứng: lá Muồng truổng tươi rửa sạch 20g, Lá khế tươi 20g, giã nát, gói vào vải sạch, đắp. Có thể kết hợp uống nước sắc vỏ cây Núc nác 16g. Cũng có thể dùng riêng lá hoặc vỏ thân Muồng truổng nấu nước tắm rửa.
5- Chữa viêm thận phù thũng:
- Rễ Muồng truổng (khô) 30-60g, sắc uống.
- Rễ Muồng truỗng 50g, Cam thảo đất 50g, Phục linh 20g, Ý dĩ 20g, Trạch tả 20g. Sắc uống.
6- Trị chấn thương té ngã, đau lưng do lao tổn, đau khớp do phong thấp, sưng khớp: Rễ Muồng truổng, Rễ Tường vi quả nhỏ (tiểu quả Tường vi - Rosa cymosa Tratt), mỗi thứ 50g, Rễ Sơn hoa tiêu (Zanthoxylum schinifolium) 25g. Ngâm 1 lít rượu ngon khoảng nửa tháng. Lần đầu uống liền 100ml, sau đó mỗi lần uống 50ml, mỗi ngày uống 2 lần, đồng thời dùng rượu đó xoa bóp ở ngoài.
7- Rượu thuốc trị phong thấp: Thân và rễ Muồng truỗng 200g, Bạch chỉ 50g, Thiên niên kiện 50g, Dây đau xương 30g, Nhục quế 15g. Ngâm với 1 lít rượu, mỗi lần uống 30ml, ngày 2 lần.
PHAN CÔNG TUẤN