.

Về nhà và câu chuyện lãng mạn của bóng đá Việt Nam

.

“Chắc tôi phải về nhà để buôn bán thôi” là lời tâm sự não nề của một cầu thủ Đồng Tháp trước câu hỏi mình làm gì sau khi đội bóng giải thể. Cầu thủ này vốn là một trụ cột từng góp mặt cho màu áo TĐCS Đồng Tháp nhiều năm qua ở V-League và Giải hạng Nhất quốc gia.

Đội bóng đá TĐCS Đồng Tháp trong ngày đăng quang hạng Nhất 2014. Ảnh: baomoi.com
Đội bóng đá TĐCS Đồng Tháp trong ngày đăng quang hạng Nhất 2014. Ảnh: baomoi.com

Nhiều tháng qua, trước tin câu lạc bộ đứng trước nguy cơ giải tán và rút khỏi giải vô địch quốc gia, anh và vài đồng đội khác đã tính toán “mở đường máu” cho riêng mình bằng nhiều cách. Người này đôn đáo tự giới thiệu, tự “tiến cử” mình với các đội bóng khác với ước mong tiếp tục gắn bó với sân cỏ, người khác cảm thấy chán nản với sự bạc bẽo của phận cầu thủ đã tuyên bố treo giày về vườn để sinh nhai bằng nghề khác. Mà chuyển nghề gì bây giờ khi từ tấm bé cho đến thời thanh niên, họ không có nghề nào khác trong tay ngoài năng khiếu đá bóng? Thôi thì đành lao động chân tay hoặc, may mắn hơn thì hùn nhau chút tiền còm còn dành dụm để mở quán nhậu…

Không cần trí tưởng tượng phong phú cũng có thể hình dung được cảnh tiêu điều nháo nhác đang diễn ra trong làng bóng tỉnh Đồng Tháp những ngày này. Bóng đá Đồng Tháp có truyền thống lâu đời, từng là quán quân làng bóng quốc gia với nhiều cầu thủ có tiếng cùng lối chơi tạo được bản sắc khá ấn tượng, thu hút người xem. Nhưng kinh phí ngày càng cao để nuôi dưỡng đội bóng trở thành gánh nặng và là bài toán khó đối với ngân sách một tỉnh nghèo.

Khi nhà tài trợ là Tập đoàn Cao su tuyên bố không thể  tiếp tục hợp tác, nhà chức trách mới ngã ngửa nhìn lại bầu sữa của địa phương để hoảng hốt than rằng mình không đủ sức duy trì đội bóng. Dù còn nặng tình với truyền thống của một vùng đất bóng đá tiếng tăm, dù ý thức rất rõ vai trò của môn thể thao vua trong phát triển thể thao nói chung nhưng cơ quan chức năng và những người tâm huyết cũng đành bó tay nhìn đội bóng giải thể.

Đàn anh tan đàn xẻ nghé vì rút khỏi V-League thì đàn em là lứa tuyển thủ trẻ cũng ngơ ngác, lạc loài. Họ được đào tạo, bồi dưỡng với niềm mong đợi sẽ trở thành nguồn lực mới chuyển đổi làng bóng tỉnh nhà. Giờ thì chính lứa cầu thủ trẻ cũng phải dẹp sang một bên giấc mơ góp sức cho màu cờ sắc áo quê nhà để tìm bến mới…

Chuyện mới của làng bóng Đồng Tháp, buồn thay, lại là chuyện cũ mang tính lưu cữu của làng bóng quốc gia. Không cần phân tích sâu xa, ai cũng thấy rằng đây là hậu quả tất yếu của một nền bóng đá thiếu nền tảng vững chắc, mỏng manh về nội lực, trông đợi và dựa dẫm quá lâu vào sự hào phóng của ngoại lực là các tập đoàn, cơ sở kinh tế. Kinh doanh gặp khó khăn, trở ngại, các tập đoàn, cơ sở kinh tế phải tính toán lại hiệu quả hợp tác với bóng đá. Không thể trách họ “thiếu chung thủy” vì hiệu quả kinh doanh và số phận của bản thân các đơn vị này vẫn là điều ưu tiên số một.

Cái đáng trách là bản thân làng bóng này đã không tin vào sức mình để có thể bước bằng đôi chân của chính mình. Chọn lối đi chông chênh dựa vào bầu sữa ngoại, đứa trẻ bóng đá phải khóc thét vào ngày đột nhiên bầu sữa ấy rời khỏi miệng. Con gà công nghiệp bóng đá làm sao một sớm một chiều tự bươn chải kiếm sống sau khi rời chiếc lồng son do các ông bầu tự tay chăm chút vào lúc hứng chí!

Bóng đá sống bằng chính bóng đá là câu chuyện sinh động có thể cô đúc từ thực tế rất nhiều làng bóng tiên tiến trên thế giới. Nhưng nếu chỉ được phác họa trên môi các nhà quản lý hay chỉ được khoa trương trong các diễn đàn, hội thảo thì đó lại là câu chuyện lãng mạn không đầu không đuôi!

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.