.

Đà Nẵng, nơi cập bến những con tàu

.

Ngư dân gắn bó với tàu thuyền cũng giống nông dân gắn bó với con trâu, thậm chí mật thiết hơn thế, bởi không người nông dân nào suốt ngày cứ đi sau con trâu mà tắc/hò/rì trên đồng ruộng, trong khi nhiều người làm nghề chài lưới có thể ngày đêm chèo thuyền, sống cùng con thuyền của mình trên sông biển.

Vùng kín gió - vịnh Đà Nẵng, nơi neo đậu tàu thuyền.(Ảnh tư liệu)
Vùng kín gió - vịnh Đà Nẵng, nơi neo đậu tàu thuyền.(Ảnh tư liệu)

Và giống nông dân từ chỗ đi sau con trâu đến chỗ cưỡi lên máy cày - tức “con trâu sắt”, ngư dân cũng từ chỗ chèo thuyền thúng tròng trành, thuyền nan mỏng mảnh đến chỗ lái tàu gỗ, tàu sắt hàng chục thậm chí hàng trăm mã lực lướt sóng vượt trùng khơi.

Và giống con người tiếp tục đi bộ trên đôi chân của chính mình khi đã sáng chế ra xe đạp, xe máy, xe hơi, ngư dân vẫn có thể vừa hành nghề bằng thuyền thúng, thuyền nan, vừa mưu sinh trên tàu gỗ, tàu sắt có thiết bị định vị hiện đại, hoặc có khi “hai trong một” như mô hình câu mực đại dương của ngư dân Đà Nẵng: một tàu gỗ ra khơi mang theo nhiều thuyền thúng - và giữa mênh mông biển rộng, ngư dân ngồi trên các thuyền-thúng-vệ-tinh ấy để buông câu cho đến khi mực đầy thuyền thì quay về tàu-gỗ-trung-tâm, và cứ thế cứ thế suốt mấy chục đêm ngày tàu mới trở lại đất liền…

Trên hành trình Quảng Nam mở cõi, phần đông người Đà Nẵng xưa  dẫu gốc gác nông dân hay ngư dân cũng đều rời quê cũ Thanh-Nghệ bằng thuyền - theo đường biển cận duyên - để đến với vùng đất mới ven sông Hàn hay sông Yên, dọc sông Cổ Cò hoặc sông Trường Định, và nhiều người trong số họ vẫn tiếp tục làm ngư nghiệp, tiếp tục gắn bó với thuyền bè trên một ngư trường mới mẻ chứ không hề xa lạ.

Trong quá trình cộng cư cùng ngư dân bản địa, ngư dân Đà Nẵng còn làm quen với ghe bầu/ghe bàu - loại ghe đương thời từng được ví như “thuyền bay trên biển” bởi sự kết hợp tài tình giữa kỹ thuật đóng ghe cổ truyền Đại Việt và công nghệ đóng thuyền chuyên nghiệp Champa. Tuy nhiên ghe bầu chỉ thích hợp hoặc thích hợp hơn với việc buôn bán bằng đường biển - vốn không phải thế mạnh của người Đà Nẵng, cho nên dẫu có ưu thế về bến cảng để mở rộng giao thương nhưng Đà Nẵng xưa nay đã không trở thành trung tâm của nghề đóng ghe bầu và nghề đi buôn bằng ghe bầu như một số địa phương khác trên đất Quảng. Và cũng không chỉ làm quen với ghe bầu, ngư dân Đà Nẵng còn làm quen với đủ loại tàu buôn, thậm chí với đủ loại tàu chiến luôn tấp nập vào ra Vịnh Đà Nẵng.

Như vậy tư duy thuyền bè của ngư dân Đà Nẵng xưa nay từng in đậm hình ảnh nhiều tàu buôn nước ngoài mà trước tiên phải kể tới các Lộ Hạt thuyền trong thơ Lê Thánh Tông: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt - Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạt thuyền”. Chắc rằng ngư dân Đà Nẵng xưa cũng đã tham gia cung ứng các dịch vụ hàng hải, chẳng hạn như cung ứng nước ngọt… góp phần vào hoạt động ngoại thương và cảng vụ sầm uất ở Vịnh Đà Nẵng đầu thập niên 70 thế kỷ XV. Ở các thế kỷ sau, Đà Nẵng trở thành tiền cảng của Hội An rồi dần dần thay thế vai trò của Hội An trong giao thương quốc tế.

Chỉ thống kê riêng trong năm 1887, đã có 623 tàu buôn với tổng trọng tải 65.840 tấn hàng ghé cảng Đà Nẵng, trong đó có 54 tàu mang quốc tịch Pháp, 2 tàu mang quốc tịch Anh, 65 tàu mang quốc tịch Đức, 8 tàu mang quốc tịch Đan Mạch…; và có 719 tàu buôn với tổng trọng tải 75.676 tấn hàng rời cảng Đà Nẵng. Năm 1901, người Pháp bắt đầu xây dựng cảng Đà Nẵng thành cảng biển lớn và trải qua lịch sử hơn một trăm năm hoạt động, cảng Đà Nẵng ngày càng có nhiều tàu buôn nước ngoài cập bến - kể cả những du thuyền chở hàng ngàn khách du lịch đường biển…

Thời gian gần đây có nhiều chiến hạm cập cảng Đà Nẵng nhằm bày tỏ thiện chí hòa bình và thể hiện sự ủng hộ lập trường đúng đắn của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, như đoàn tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên bang Nga vào tháng 11 năm 2005 - gồm các tàu chống tàu ngầm mang tên Đô đốc Tributs, Đô đốc Panteleev và tàu tên lửa Varyag; như tàu huấn luyện RSS Resolution 208 của Hải quân Singapore vào tháng 3 năm 2014; như khu trục hạm USS John S. McCain và tàu cứu hộ đa năng USNS Safeguard thuộc Lực lượng Hậu cần vùng Tây Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ vào tháng 4 năm 2014; như tàu đổ bộ JS Kunissaki - LST 4003 của Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản vào tháng 6 năm 2014, và mới đây nhất - vào sáng ngày 14 tháng 10 năm 2014 - là tàu Samudra Pahererad thuộc Lực lượng Phòng vệ bờ biển Ấn Độ…

Tất nhiên cũng từng có những tàu chiến nước ngoài cập cảng Đà Nẵng nhằm thị uy sức mạnh của nền ngoại giao pháo hạm và thậm chí để tiến hành xâm lược đất nước ta qua cửa ngõ Đà Nẵng…

Trong số những tàu chiến “hiếu chiến” ấy, có thể điểm danh trước hết tàu Constitution (thường gọi là Old Ironsides/Thành sắt cổ) của Mỹ cập cảng Đà Nẵng năm 1845 với mục đích ban đầu là xin được tiếp xúc với triều đình Đại Nam để đặt mối giao hảo giữa hai nước, nhưng sau đó Thuyền trưởng John Percival lại bắt một số quan chức ngoại giao của triều đình đang đàm phán trên tàu làm con tin nhằm yêu sách đòi vua Thiệu Trị phải thả Giám mục Dominique Lefèbvre vừa bị giam ở Huế, và cuối cùng do không khuất phục được nhà vua nên John Percival đành phải thả toàn bộ con tin rồi đưa tàu Constitution rời Đà Nẵng.

Có thể nói chính viên thuyền trưởng người Mỹ này đã châm ngòi cho các cuộc tấn công quân sự vào cửa biển Đà Nẵng của Hải quân Pháp năm 1847 và của Liên quân Pháp-Tây Ban Nha năm 1858. Cũng không thể không điểm danh hai tàu đổ bộ cũng của Mỹ đã đưa hàng ngàn lính viễn chinh Hoa Kỳ vượt qua vịnh Đà Nẵng vào ngày mồng 8 tháng 3 năm 1965 và tập kết tại một địa điểm có mật danh là Red Beach Two ở bãi biển Xuân Thiều, mở đầu quá trình Mỹ can thiệp trực tiếp bằng quân sự trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Tàu chiến Constitution hiện nay là một bảo tàng ngoài trời tại Bến tàu Constitution trong khu vực Công viên Lịch sử Quốc gia Boston/Boston National Historical Park. Có lần đến đây tận mục sở thị con tàu từng hiện diện ở Đà Nẵng với sứ mệnh hòa bình nhưng lại chuyển thành ngòi pháo chiến tranh, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân cho rằng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam không thể không trưng bày hình ảnh tàu chiến này như một cách khẳng định khí phách của người Việt trước sức mạnh quân sự nước ngoài.

Có lẽ Bảo tàng Đà Nẵng cũng nên tiếp thu gợi ý này mà bổ sung một tấm ảnh tàu chiến Constitution vào phòng trưng bày về cuộc chiến đấu dưới chân thành Điện Hải năm 1858. Cũng cần nói thêm rằng lãnh đạo thành phố đã quyết định cho giữ nguyên không sửa chữa chiếc tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng bị tàu quen chứ không phải tàu lạ cố ý đâm chìm trong vùng biển Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua và sẽ đưa chiếc tàu vỏ gỗ đầy thương tích này trưng bày như một bảo tàng ngoài trời tại công viên đối diện với Nhà Trưng bày Hoàng Sa như một bằng chứng lịch sử về mối hiểm nguy luôn rình rập ngư dân Đà Nẵng ngay trên ngư trường truyền thống của mình.

Cũng qua cuộc đối đầu không cân sức trên Biển Đông hồi tháng 5 vừa qua giữa tàu đánh cá vỏ gỗ của ta với tàu “đánh cá” vỏ sắt của Trung Quốc, ngư dân Đà Nẵng càng thấu hiểu rằng trong quá trình vừa lao động để mưu sinh kiếm sống vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, con tàu đánh cá tương lai của họ sẽ phải là một con tàu vỏ sắt vạm vỡ cứng cáp để không dễ bị đâm chìm như trước. Tuy nhiên ngư dân Đà Nẵng cũng ý thức một điều hai năm rõ mười rằng lái tàu vỏ gỗ khác hẳn so với điều khiển tàu vỏ sắt.

Nếu việc đầu tư tài chính để mua/đóng một con tàu vỏ sắt đã khó, đã rất cần đến sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, thì việc tạo nên một nguồn-nhân-lực-thế-hệ-tàu-vỏ-sắt càng khó, càng đòi hỏi chính quyền thành phố phải sớm vào cuộc. Thế hệ nào thì cũng phải có khát vọng vươn ra đại dương ngàn dặm, phải có sức chịu đựng sóng gió, phải có tri thức dân gian về thời tiết và kinh nghiệm hải hành mang tính gia truyền; nhưng thế-hệ-tàu-vỏ-sắt còn phải biết làm chủ khoa học-công nghệ hiện đại, thậm chí còn phải giỏi tiếng Anh, tiếng Trung… để giao tiếp với đồng nghiệp nước ngoài không chỉ trên biển cả..

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.
.