.
Giới thiệu sách

Lang thang xứ người cùng Mai Hữu Phước

.

Nhận lời mời của Trung tâm Y khoa St. Mary, Hobart India (Hoa Kỳ) và là đại biểu Festival Thơ Quốc tế lần thứ III Kolkata (Ấn Độ), bác sĩ-nhà thơ Mai Hữu Phước đã có một chuyến đi dài đầy thú vị. Cuộc viễn du qua nửa vòng trái đất đã giúp anh có cơ hội khám phá và tiếp cận, thu thập thêm kiến thức về chuyên môn ngành Y và sáng tạo nghệ thuật. Tài sản còn lại sau chuyến đi ấy của anh là tập bút ký Lang thang xứ người (*) vừa mới ra mắt bạn đọc.

Mai Hữu Phước vốn được bạn đọc biết đến là một nhà thơ nên tản văn Lang thang xứ người của anh thực sự lôi cuốn bởi một giọng văn vốn đầy chất thơ, nhẹ nhàng, dung dị nhưng hóm hỉnh, thông minh với những phát hiện bộn bề chi tiết, sự việc, cuộc sống bằng một cái nhìn tinh tế, nhân văn suốt cuộc hành trình nhiều ngày từ Ấn Độ, Mỹ.

Cuộc lang thang viễn xứ của Mai Hữu Phước vẫn đem đến cho người đọc những khám phá, cảm nhận riêng. Theo chân anh, người đọc ngẩn ngơ như  mình được đối diện chiêm ngắm những kỳ quan kiến trúc, bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng thiên nhiên, lịch sử của nhiều tiểu bang  ở đất nước cờ hoa. Không chỉ là độ hoành tráng của công trình, của tổ chức khoa học về quản lý, dịch vụ mà sâu xa hơn là điều tác giả muốn nói đến chính là thái độ tôn trọng, sự ứng xử thể hiện một sự ngưỡng vọng của một dân tộc đối với tất cả những gì thuộc về văn hóa vì chỉ có văn hóa chính là cơ sở, bệ phóng cho sự phát triển của đất nước.

Chỉ lạc bước một đêm ở Chicago trong một quán ăn, chỉ một câu hỏi nhỏ của người phục vụ: Anh bao nhiêu tuổi? Hỏi tuổi vì nếu dưới 18 tuổi luật quy định không được uống rượu. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ làm tác giả bàng hoàng:“Điều này cứ làm tôi suy nghĩ mãi không hiểu vì sao luật pháp Hoa Kỳ lại được thực thi một cách nghiêm túc tại một góc vắng, sau lúc 0 giờ, ở lưng chừng trời bởi một nhân viên phục vụ bình thường mà ta quen gọi là “bồi bàn”.

Thật ra đấy là một cái nhìn văn hóa, tưởng là đơn giản bởi một hành vi nhỏ nhặt, một chi tiết thoáng qua nhưng chắc chắn nó phải được un đúc bởi một truyền thống văn hóa được xây dựng qua hằng thế kỷ. Cứ như thế, tác giả lan man thủng thẳng gây cho người đọc những cảm nhận bất ngờ bởi những chi tiết nhỏ nhưng chứa đựng một thông tin  có tính bản chất, khái quát.

Đến San Francisco, thành phố đông dân thứ 14 của Hoa Kỳ nhưng đa số khách du lịch khi “đến San Francisco chỉ để ngắm.. cầu”. Người dân thành phố này họ yêu mến cây cầu Golden Gate biểu tượng và lòng tự hào của người bản xứ bằng một cái tên gọi nghe như tình yêu “Nàng”- đầy lãng mạn mơ màng. Rồi từ đó tác giả nhìn lại nơi nhau rốn của mình bằng một cái nhìn được đánh thức với cầu Sông Hàn, Thuận Phước trong một cảm thức xốn xang nhưng chứa đầy hy vọng và tự hào.

Cho dù đến một chân trời xa lạ nào trong anh cũng mang một trái tim thương nhớ quê nhà. Những so sánh suy tưởng bao giờ trong anh cũng mênh mang quặn thắt trong ý thức phản tỉnh với quê nhà.  
Bằng một lối dẫn dụ khơi gợi, Mai Hữu Phước tìm gặp những con người Quảng Nam ở xứ người. Từ  GS. BS Thạch Nguyễn một con người không phải là của riêng Việt Nam mà là con người của thế giới. Một  người vĩ đại như thế nhưng lại bình dị thân thương, luôn dành một góc khuất trong tim đối với người Viêt;  đến một người đồng hương có một số phận nghiệt ngã - bị tàn phế đôi chân vì chiến tranh hơn 40 năm về trước nhưng đã phấn đấu vươn lên suốt cả đời người để hội nhập cuộc sống nơi xứ người. Cả hai đều có số phận, tầng lớp, địa vị xã hội khác nhau nhưng đều có chung một mối cảm hoài, đó là “đều đắm đuối một miền quê xa”.

Những trang viết về các nhân vật cứ làm ta vừa tự hào vừa xa xót bâng khuâng. Là một bác sĩ đồng thời là một nhà thơ và cũng chính nhờ nghệ thuật làm nên một cầu nối để Mai Hữu Phước có nhiều cơ hội nối kết với nhiều người. Đọc anh, tôi càng xác tín một điều chính thơ sẽ tồn tại muôn đời cho dù cuộc sống có phức tạp, nghiệt ngã đến đâu. Và cũng chính nhờ thơ đã làm mọi người trên khắp hành tinh xích lại gần nhau hơn khi tác giả tham dự ngày Hội thơ Quốc tế tại Trung tâm hội nghị mang tên nhà thơ vĩ đại của văn học Ấn Độ: Rabindranath Tagore. Ở một đất nước mà người ta đọc thơ một cách say sưa, trang trọng, không hề mệt mỏi với mối giao lưu đồng cảm giữa người đọc thơ và cử tọa. Thơ đã được vinh danh.

Lang thang xứ người của Mai Hữu Phước đôi khi được thể hiện bằng ngôn ngữ mang âm hưởng của thơ. Chia tay với Washington, thủ đô của nước Mỹ tác giả đã “quên” đi tất cả chỉ còn một cảm nhận thật thơ: “Nhớ Washington trong nỗi nhớ màu tuyết trắng. Những bông hoa tuyết đậu lại trên cuốn sổ tay ghi chép vội vàng, để khi nào đó bất chợt vùng lên mênh mang như màu tuyết trắng.”

HỒ SĨ BÌNH


(*) Lang thang xứ người, Mai Hữu Phước, NXB Hội Nhà văn 2014.

;
.
.
.
.
.