.

Miễn sao làm tốt phận mình (*)

.

Trong một dịp tình cờ xem tạp chí Đất Quảng số 99 tháng 3 năm 1995, tôi đọc được bài thơ Quảng Nam đâu chỉ có  u hoài của tác giả Mai Khanh gửi tặng tác giả bài thơ Thao thức Quảng Nam (đăng trên báo Văn nghệ số 49 ngày 3-12-1994 ). Tôi biết Mai Khanh là tên nối giữa họ Mai anh Mai Thúc Lân và tên chị Khanh vợ của anh.

 Anh Mai Thúc Lân và người vợ hiền sau ngày cưới 24-10-1964. (Ảnh tư liệu)
Anh Mai Thúc Lân và người vợ hiền sau ngày cưới 24-10-1964. (Ảnh tư liệu)

Với cái nhìn phiến diện của tác giả trong bài Thao thức Quảng Nam khi nhận xét về Quảng Nam, Đà Nẵng lúc bấy giờ:

Chỉ thấy sông Hàn tù mù đèn đỏ
Và Điện Bàn mộ chí ngổn ngang
Ngồi buồn kiếp phố Hội An
Đường sá lõm lồi gió tạt…

Và trong bài thơ của anh đã phê phán lại cách nhìn đó :

Ôi mười chín năm xa đất Quảng
Anh trở về và chỉ thấy thế thôi ư ?
Mà đã vội vàng ghi lại những tứ thơ
Nghe ảo não như một bản nhạc buồn da diết

Rồi bài thơ của anh điểm qua một số công trình của Quảng Nam - Đà Nẵng như một sự minh chứng về thành tựu công cuộc kiến thiết quê hương sau 19 năm chiến tranh chấm dứt và anh đã kết lại bài thơ :

Anh có thấy
             Hay cố tình không thấy
Đôi mắt anh nhìn
             Làm sao u ám vậy ?
Thao thức Quảng Nam
Đâu chỉ có u hoài …

Rồi cũng nhân dịp dự kỳ họp tại Hà Nội vào năm 2004 , tôi đến thăm anh tại nhà riêng khi được biết anh vừa trải qua cơn bạo bệnh. Mặc dù sức khỏe chưa được bình phục hẳn, song anh đã dành thời gian tiếp tôi, hỏi thăm về tình hình hoạt động công ty - nơi anh đã đến thăm và ghi những dòng lưu niệm vào sổ truyền thống công ty vào tháng 2 năm 1995. Thấy anh vui, tôi nhắc lại bài thơ Quảng Nam đâu chỉ có u hoài, anh cười và như nhớ ra điều gì, anh đến bàn làm việc lấy ra 2 bài thơ tặng tôi. Hai bài thơ đều có chung tựa đề Về hưu song một bài là của tác giả Lê Đình Cảnh đăng trong tạp chí Nhà Văn số 3-2003 – và một bài do chính anh là tác giả viết vào ngày 10-4-2003.

Nếu bài thơ Về hưu của tác giả Lê Đình Cảnh như một sự cảm hoài ta thán của ai đó cảm nhận sự hụt hẫng khi về hưu, rồi tiếc nuối thời vàng son nơi quan trường và thói cơ hội của bộ phận nào đó trong cuộc sống đời thường:

Về hưu lủi thủi tuổi già
Quét sân sáng sớm, lau nhà giữa trưa
Ngày buồn như thể ngày mưa
Đêm dài như thể đêm thừa trống canh.

Tuổi già như thể nắng hanh
Vừa long lanh sáng. Đã mong manh chiều
Đồng lương bỗng đứt dây diều
Bần thần ví lép bao điều phải chi.
    
Hết tiền bồ bịch quay đi
Hết quyền cấp dưới nhiều khi tảng lờ
Hết quyền bè bạn hững hờ
Gần xa bao kẻ cậy nhờ vội quên …
Đời người như thể mũi tên
Đã rơi xuống đất ! Tưởng lên tận trời
Về hưu cám cảnh cuộc đời
Phận nghèo ta lại tìm chơi chốn nghèo !

Về hưu của anh Mai Thúc Lân lại có cái nhìn lạc quan và luôn nghĩ về mọi người hơn là nghĩ về mình:

Về hưu thanh thản tuổi già
Sáng tập thể dục, chiều ra ngắm vườn
Báo đài tin tức vui buồn
Địa phương, thế giới bao nguồn nghĩ suy
Đồng lương dù có giảm đi,
Chi tiêu tiết kiệm vẫn y nếp nhà

Bạn bè, đồng chí gần xa
Gặp nhau vẫn thấy mặn mà như xưa
Còn ai sáng nắng chiều mưa
Âu chăng đó cũng sớm trưa thường tình
Miễn sao làm tốt phận mình
Chỉ mong xã hội gia đình yên vui
Cuộc đời như thế là tươi
Quanh ta còn biết bao người khó khăn
Về hưu dẹp bớt băn khoăn
Để cho sức khỏe, tinh thần thêm xuân…

Được đọc những bài thơ trên đây của anh và may mắn được tiếp xúc với anh khi anh còn công tác trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng như khi anh đã nghỉ hưu, tôi nhận ra ở anh – người lãnh đạo có cuộc sống bình dị, có nhân cách tuyệt vời luôn đau đáu nghĩ về quê hương, đất nước...

Anh chán ghét mẫu người thích nói, thích phê phán, thích kêu ca hơn là vào cuộc hành động. Vì theo anh xã hội yên vui đang cần lắm những con người tốt – chính vì vậy phải luôn điều chỉnh hành vi Miễn sao làm tốt phận mình.

HUỲNH VĂN CHÍNH


(* ) Đầu đề lấy từ câu thơ  trong bài thơ Về hưu của  anh Mai Thúc Lân.

;
.
.
.
.
.