.

Nhớ quê, anh không về nữa!

.

Hôm ấy, có một cuộc làm việc của anh với Thường trực Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng nhằm góp phần tháo bớt khó khăn của Hội, Bí thư  Tỉnh ủy Mai Thúc Lân mời các cơ quan có liên quan đến dự như Thường trực ủy ban, Ban Tuyên giáo, Sở Tài chính...

Tại phòng họp của Văn phòng Tỉnh ủy, chúng tôi đang trình bày thực trạng của Hội thì có một người bên Ủy ban Nhân dân tỉnh bước vào xin gặp Bí thư Tỉnh ủy để đưa một bức điện. Chúng tôi dừng báo cáo, im lặng nhìn đồng chí Bí thư đang chăm chú đọc bức điện, dù bức điện chỉ có mấy dòng. Biết chúng tôi đang tò mò nhìn đồng chí Bí thư đang đọc gì mà trông rất nghiêm trọng. Để bức điện xuống bàn, anh Mai Thúc Lân nói trong tâm trạng không vui: Thôi chứ họp hành chi nữa! Anh cầm tờ giấy đưa lên, nói tiếp: Quốc hội đồng ý chia tỉnh.

Cố vấn Phạm Văn Đồng thăm Quảng Nam tháng 3-1997.
Cố vấn Phạm Văn Đồng thăm Quảng Nam tháng 3-1997.

Anh không vui vì anh là người không muốn chia tách tỉnh. Thì tỉnh mới củng cố một bước, mới tổ chức Đại hội, đang bắt tay lo nhiệm vụ cấp bách phát triển kinh tế - xã hội bị trì trệ kéo dài thì phải chia tách. Lại phải làm công tác nhân sự vốn nhiễu sự. Là người đứng đầu, trách nhiệm nặng nhất, không du di, phải có chính kiến. Mệt vô cùng! Trong Chuyện đời ấm lạnh, buồn vui,  Mai Thúc Lân ghi: cần “Lắng nghe ý kiến đóng góp của các đồng chí ở địa phương và quan trọng hơn phải có chính kiến, thận trọng xử lý công việc”.

Khi cần cán bộ có khả năng, dám quyết đoán và bản lĩnh chính trị vững vàng, Bộ Chính trị điều anh Mai Thúc Lân đi làm chuyên gia tại Campuchia. Lúc bấy giờ không ít vị (phải là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy) được điều đi làm chuyên gia Việt Nam tại Camphuchia không chịu đi thà bị kỷ luật. Khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đang “phức tạp” gặp khó khăn về nhân sự chủ chốt, Bộ Chính trị, lúc đó Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Võ Chí Công phải chọn một người Quảng Nam có 3 tiêu chí: gốc Quảng Nam, khi làm Chủ tịch tỉnh Hà Bắc chống tiêu cực bị tham quan ném lựu đạn vào nhà mà không chết, khi làm chuyên gia Việt Nam tại Campuchia bị đạn của bọn diệt chủng Pon Pot mà chỉ bị thương. Con người này có khả năng và bản lĩnh vào nơi “phức tạp” tập hợp lực lượng, tạo sự đoàn kết nội bộ. Đến khi tái lập tỉnh Quảng Nam đất rộng, dân đông lại quá nghèo, Bộ Chính trị quyết định anh Mai Thúc Lân làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Xa Quảng Nam từ ngày tập kết ra miền Bắc năm 1954. Anh về lại quê nhà từ tháng 3-1994. Ngày  1-1-1997, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tách ra thành hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Vừa tách ra, các cơ quan ban ngành, từng bước củng cố. Gọi tạm ổn định vì mới hình thành một tỉnh mới, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đều chưa đủ nhân sự và chưa có cơ quan được gọi là cơ quan để làm việc. Kể cả cơ quan của Văn phòng Tỉnh ủy cũng phải ở nhờ trong ngôi nhà cấp bốn của Công ty Trồng trọt và xuất khẩu rau quả. Bấy giờ, đường thị xã Tam Kỳ không chỉ hẹp, hục hang mà còn có bò gặm cỏ hai bên đường nội thị để lại những đống phân đen. Vậy mà, anh Mai Thúc Lân vẫn lạc quan:

Đường Đà Thành lung linh ánh điện
Phố Tam Kỳ mờ mịt cát bay

 Dưới sự lãnh đạo quyết đoán, có tình và đầy tin cậy của anh Mai Thúc Lân giúp cho tất cả từ lãnh đạo đến nhân viên, không ít người còn đầy tâm trạng, ưu tư rời Đà Nẵng xa gia đình vào Quảng Nam, đều khắc phục những khó khăn tất yếu của ban đầu lao vào với công việc với một tinh thần thoải mái tạo nên một không khí làm việc sôi nổi, hăng say. Tạm thời ổn định, tuy nhiên Tỉnh ủy Quảng Nam mà người đứng đầu là Ủy viên Trung ương Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân lúc nào cũng đăm chiêu, lo nghĩ, dường như anh cảm thấy thiếu một cái gì đó. Sau chừng 4-5  tháng vào làm việc ở Tam Kỳ,  anh Mai Thúc Lân gọi tôi lên báo cáo công việc của tờ Báo Quảng Nam – một tờ báo của Đảng bộ tỉnh mới được ra đời từ ngày tái lập tỉnh.

Sau khi hỏi chuyện về công việc, về chỗ làm việc, về tình hình nhân sự của Báo Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy nói với tôi: Quảng Nam là đất học, đất của văn học - nghệ thuật, mà không có Hội Văn học - Nghệ thuật, không có một tạp chí về văn học nghệ thuật. Thiếu món ăn tinh thần, thì không yên được. Cậu là người có một thời gian làm công tác này, cậu đề xuất xem, nay ta phải tính sao cho có Hội Văn học, cho có tạp chí  Văn học.

Từng làm việc với anh, dự họp nghe anh phát biểu đã hiểu tính cách thẳng thắng, quyết đoán, bộc trực, rất Quảng Nam của anh nên anh hỏi thì tôi nói rất chân thành - đúng hơn là mạnh dạn nói, mạnh dạn là vì tin anh sẽ nghe dù lời nói thật thường bị mất lòng: Thưa anh, không có Hội là vì khi chia tách tỉnh, tất cả các đơn vị trực thuộc tỉnh đều chia, duy nhất, Hội Văn học - Nghệ thuật là không chia.

Anh im lặng nhìn tôi, không biết anh nghĩ gì. Tôi nói tiếp: thưa anh, Tỉnh ủy muốn có Hội thì có Hội thôi.

 - Làm cách nào? Bí thư nhìn tôi, hỏi.

- Chỉ cần anh ra một quyết định là có Hội.

- Nhưng, quan trọng là nhân sự, cậu phải đứng ra chọn nhân sự để Tỉnh ủy và Ủy ban xem xét và ra quyết định thành lập Ban chấp hành lâm thời, chuẩn bị Đại hội bầu ra Ban chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam.

Nhờ sự quan tâm và chỉ đạo của anh, Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam lần thứ nhất diễn ra ngày 19-8-1997.

Quảng Nam là tỉnh nông nghiệp, là tỉnh đất rộng, ven biển toàn đất cát, đến 6 huyện miền núi.  Tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Và luôn bị bão lụt. Liên tiếp 3 năm 1996-1998 đều có những trận lụt lớn. Năm nào cũng chống lụt và khắc phục hậu quả nặng nề của bão lụt. Chưa đầy hai năm làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, anh Mai Thúc Lân cùng với cấp ủy và nhân dân gánh hai trận lụt, anh ngày đi đêm thức cùng cấp ủy tập trung cho mặt trận nông nghiệp. Huyện nào khó khăn anh xuống trước. Anh xuống cơ sở sản xuất. Nghe xã nào đang khó khăn là anh đi ngay. 

Ngày nào trên đài, báo cũng thấy hình ảnh Bí thư, Chủ tịch xuống cơ sở, thế là các sở, ban, ngành, đoàn thể không thể ngồi ở cơ quan. Anh rất quan tâm và trăn trở về những khó khăn triền miên của đồng bào dân tộc và miền núi.  Anh đọc rất kỹ từng số báo, luôn nhắc chúng tôi việc đưa tin, chú ý đưa tin về miền núi, về miền cát biển. Anh nói báo Đảng có nhiệm vụ cung cấp thông tin và đưa tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy đến với dân, với người đọc.

 Sau khi rời nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch Quốc hội, anh Mai Thúc Lân vẫn nhận đều các báo từ đất Quảng quê hương.  Anh điện thoại thăm, động viên tôi trong công việc, gửi lời thăm hỏi anh em báo chí, văn nghệ sĩ. Tôi báo cho anh biết anh chị em văn nghệ sĩ Quảng Nam ngay từ những ngày có Hội, có tạp chí, dù đến bốn lần phải thuê nhà dân làm cơ quan của Văn phòng Hội và tạp chí như anh từng trăn trở thì Tỉnh cấp kinh phí cho Hội làm nhà mới khá khang trang. Nhận được tin Hội có nhà mới anh rất vui.

 Cả khi ra lại Hà Nội rồi, rất bộn bề với cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, một đại biểu của nhân dân, anh sẵn sàng tiếp và giải đáp những thắc mắc, những oan khúc của người dân. Anh có một đề xuất làm nóng cả hội trường Quốc hội là hãy thay cái “đơn xin” bằng “giấy yêu cầu”. Ý anh là, nói dân là chủ, cán bộ, chính quyền là công bộc của dân, là đày tớ của dân như Bác Hồ dạy.

Vậy mà bắt chủ “xin” đầy tớ thì vô lý quá! Bận vậy, anh vẫn đọc báo và tạp chí từ đất Quảng quê nhà gửi biếu anh để anh có thể cập nhật tình hình quê nhà, đi đâu xa thấy người ta làm ăn giỏi, anh viết bài gửi cho Tạp chí Đất Quảng. Sự quan tâm chỉ đạo và cộng tác của anh Mai Thúc Lân làm cho anh chị em báo chí, văn nghệ sĩ đất Quảng rất vui, là động lực tinh thần thúc đẩy anh em vượt qua vô vàn khó khăn vốn có, kiên nhẫn làm việc và không ngừng sáng tạo góp phần làm cho món ăn tinh thần mà anh kỳ vọng ngày nào được phong phú hơn, hấp dẫn hơn.

Khi xa quê, thời chiến tranh không thể về được, anh có một nỗi nhớ Quảng Nam rất đẹp khi nhắc chuyện Quảng Nam -  Thanh Hóa kết nghĩa: “Tôi đã có lần về Hoằng Hóa vào một mùa hè khi đồng bông ở đây bắt đầu nở rộ. Những múi bông trắng nõn nà phơi ra dưới nắng gắt của trời chiều làm tôi nhớ đến những đồng bông của Điện Bàn, Đại Lộc cũng vào một chiều hè như thế. Bông Thanh Hóa chưa nhiều bằng bông Quảng Nam và nghề dệt vải kéo sợi của Thanh Hóa cũng chỉ là rất ít, nhưng xa quê hương lâu ngày, những người con của Điện Bàn, Đại Lộc khi đứng trước những đồng bông của quê hương kết nghĩa bỗng có cái cảm giác như đang sống ở quê mình”.

 Nhớ và yêu quê. Vậy mà anh không về lại nữa! Anh hãy tin và hy vọng những người con của đất Quảng có khả năng làm báo và yêu văn học - nghệ thuật sẽ đóng góp cho đời những tác phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn như anh từng mong đợi. Mong anh thanh thản đi về, chung vui, chuyện trò, tranh luận với những nhà văn, nhà thơ, nhà báo người Quảng Nam từng sống, công tác với anh trên đất Hà Nội nghìn năm văn hiến như Hằng Phương, Phan Khôi, Võ Quảng, Lưu Quý Kỳ, Trinh Đường, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng, Lưu Quang Vũ, Thu Bồn...

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.