.

Nhớ và nghĩ về anh Mai Thúc Lân

.

Bây giờ thì anh Mai Thúc Lân đã thực sự yên nghỉ. Người xưa đã đúc kết về kinh nghiệm đánh giá một con người, kể cả lời khen lẫn tiếng chê, rằng: “Cái quan định luận”, hiểu nôm na là khi người ta không còn trên đời nữa, khi nắp áo quan đã thực sự đóng lại, thì mới có thể bàn về con người ấy tốt hay xấu, đúng hay sai, đóng góp đến mức nào cho cộng đồng và xã hội.

Đồng chí Mai Thúc Lân vào thị xã Tam Kỳ sau ngày chia tách tỉnh tháng 2-1997. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Mai Thúc Lân vào thị xã Tam Kỳ sau ngày chia tách tỉnh tháng 2-1997. (Ảnh tư liệu)

 Chính anh Mai Thúc Lân cũng đã tự đặt nhan đề khá ấn tượng cho cuốn hồi ký của mình : Chuyện đời ấm lạnh, buồn vui. Nghĩa là anh cũng thấy trước, cho dù là một chính khách thực thụ rồi, nhưng cuộc đời này đối với anh cũng có nhiều nỗi, khi thì ấm áp, “khúc đâu đầm ấm dương hòa” như Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều, và cũng có lúc cảm thấy lạnh lùng ; cũng có lúc vui vì mình đã hoàn thành một nhiệm vụ khó khăn,  lại cũng không ít lần cảm thấy buồn khi còn nhiều điều bức xúc chưa được giải quyết rốt ráo. Nhưng hẳn là cái phần đóng góp của anh, cái phẩm chất của con người anh, cái bản lĩnh của anh, lúc này chắc đã có thể “định luận”.

Nhiều người vẫn nói, anh đúng là một tính cách Quảng. Tính cách Quảng trong một con người làm chính trị. Vị trí của anh là của một chính khách. Anh đảm nhiệm đến chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, từng thay mặt quốc gia đi làm việc, bàn thảo với Nghị viện một số nước. Ở tầm địa phương, anh cũng là người đứng đầu, từng là chủ tịch hoặc bí thư cấp tỉnh. Nhưng anh cũng là một con người. Cũng có lúc phải đứng trước những phân vân, lựa chọn do công việc thúc ép.

Đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại UBND tỉnh Hà Bắc (năm 1988)
Đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại UBND tỉnh Hà Bắc (năm 1988)

Nhiều người đã nhận xét rất đúng về Mai Thúc Lân: Anh là người hết sức  thẳng thắn, bộc trực, không vòng vo. Nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân trong một bài viết cô đúc của mình về tính cách Quảng, có nhận xét rằng người Quảng ít nặng về cảm tính mà thiên về lý tính, đã thấy đúng là làm đến cùng. Với nhà chính trị Mai Thúc Lân, tính quyết liệt của anh rõ nhất là trong việc kiên định nguyên tắc, thái độ dứt khoát với  những tiêu cực xã hội, đặc biệt là tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi dụng chức quyền.

Chẳng thế, thời kỳ làm Chủ tịch tỉnh Hà Bắc, có lần anh đã từng bị kẻ xấu ném lựu đạn vào nhà hăm dọa khi anh quyết định xử lý một giám đốc công ty bị tố quan liêu, tham nhũng, gây bất bình trong dư luận. Nhà báo lão thành Hữu Thọ, trong một bài viết của mình, đã kể lại những kỷ niệm về Mai Thúc Lân trong việc bảo vệ cương quyết cho chủ trương khoán sản phẩm nông nghiệp, ủng hộ sự ra đời Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương cuối năm 80 đầu năm 81 của thế kỷ trước; lúc ấy ý kiến còn phân tán nhiều, anh Lân lại chưa phải là nhân vật chủ chốt, trong khi người phụ trách anh lại không tán thành.

Khi về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất địa phương, anh chú ý lắng nghe, từ cơ sở, từ cơ quan tham mưu, từ các đồng chí lão thành cách mạng, nhất là dựa vào cấp ủy trong xử lý các vụ việc, các tình huống. Nhưng khi cần thiết, anh cũng có những quyết đoán, vì lợi ích chung. Trường hợp chọn lựa cán bộ chủ chốt cho thành phố Đà Nẵng (cũ) trực thuộc tỉnh cũng là một “ca” khó, thời điểm anh mới về nhận nhiệm vụ. Ý kiến khác nhau.

Kể cả các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo cũ. Cuối cùng, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo, và từ kinh nghiệm của mình, anh đã chọn được phương án Chủ tịch và Bí thư mà thực tế đã chứng minh tính đúng đắn trong việc chọn người của Thường vụ, đứng đầu là anh.

Sau này, khi thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, đồng chí Phan Như Lâm (Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũ) trở thành Phó Bí thư thường trực, đồng chí Nguyễn Bá Thanh (Chủ tịch Đà Nẵng cũ) là Phó Bí thư, Chủ tịch thành phố. Riêng anh Nguyễn Bá Thanh, một người mà anh Lân cho là “một cán bộ có cá tính, có chính kiến”, đã từng bước trưởng thành, đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy, ủy viên Trung ương Đảng, sau đó ra Trung ương giữ cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Đề cập đến tính cách Quảng không thể không nói tới tính hay “cãi”. Cụ Nguyễn Văn Xuân trong bài viết nói trên cũng có nhận xét rằng, “vì lý do thiên về suy tư muốn tìm ra lẽ phải cuối cùng mà người Quảng hay bàn luận” – (ta vẫn nói nôm na là hay “cãi”). Với người làm chính trị như anh Lân, “cãi” là một hành động tranh biện nhằm tìm ra chân lý, bảo vệ cho tính đúng đắn của một chủ trương, một giải pháp. Và cũng có khi, “cãi” lại chính mình, tự phản biện những suy nghĩ, những ý tưởng của mình vừa lóe ra trong đầu.

Cũng theo Nguyễn Văn Xuân, nhiều khi vì thiên về bàn luận mà đi đến quyết liệt quá, đâm ra dẫn tới “mất mát quyền lợi quan trọng nhất thời”. Trường hợp anh Mai Thúc Lân thì không dám nói là anh có mất đi phần nào quyền lợi gì không, do tính cách thẳng thắn của mình, nhưng quả thật là cũng có lúc, có người chưa thật thông cảm với anh.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, khóa IX (năm 1995)
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, khóa IX (năm 1995) (Ảnh tư liệu)

Nhưng khi nhận ra thực chất con người anh, thì mọi việc trở nên dễ hiểu, thân thiện, đúng như những lời chân tình của đồng chí Trương Quang Được, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch  Quốc hội, một người bạn, người đồng chí gần gũi với anh, cũng là một người Quảng, nói về anh: “Có những cái tưởng chừng nếu là người khác thì cãi nhau to, rồi mất đoàn kết, nhưng anh với kinh nghiệm đi lên từ một cán bộ nông nghiệp bình thường, tôi đi lên từ một cán bộ công nghiệp tại một nhà máy, chúng tôi đã bù trừ, phối hợp cho nhau rất tốt. Qua sâu sát công việc, dù nóng tính, cương trực nhưng nhiều người cuối cùng cũng đã hiểu anh Mai Thúc Lân là người cái gì có lợi cho đất nước thì kiên quyết làm, không vào hùa”. (Theo bài Mai Thúc Lân - người làm tiền đề đổi mới giám sát Quốc hội – Trương Quang Được).

Nói là “hay cãi”, nhưng thực ra là tranh luận với thiện ý. Khi cần thì vẫn điều chỉnh chứ không bảo thủ. Câu chuyện vui về việc anh Lân xin lỗi các đại biểu Quốc hội trên hội trường là một ví dụ. Chẳng là lần ấy Quốc hội thảo luận hội trường do Phó Chủ tịch Mai Thúc Lân chủ trì. Giờ giải lao, một số người góp ý là anh điều hành cứng nhắc quá, làm cho việc thảo luận hơi gò bó.

Lúc vào họp lại, anh thành thật: Tôi vốn là dân Quảng Nam hay cãi...Về công tác lâu năm ở đất Kinh Bắc, đã cố gắng học tập phong cách quan họ nên trong ứng xử dịu dàng đi nhiều. Nhưng mấy năm vừa qua được về công tác ở Quảng Nam, cái tính hay cãi và gay gắt lại tái hiện. Xin các đại biểu thông cảm và tôi xin hết sức sửa chữa”. Lúc ấy cả hội trường cười ồ, thông cảm (Theo Hồi ký của anh Mai Thúc Lân). Một ví dụ khác, thuộc về chủ trương.

Đó là việc bổ sung một số hạng mục nội dung Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của thành phố. Xây Đài tưởng niệm là một chủ trương lớn và đúng. Do kinh phí khó khăn nên anh Lân và Thường vụ Tỉnh ủy quyết định dùng số kinh phí dự định xây dựng trụ sở Tỉnh ủy để đầu tư xây dựng Đài Tưởng niệm trước. Công trình đã hoàn thành, hoành tráng. Có một sự cố phải chỉ đạo xử lý, đó là sau khi xây xong một thời gian, tượng đài bị lún sụt một số chỗ, dư luận bàn tán xôn xao khiến anh Lân khá đau đầu. Thường vụ đã cho kiểm tra kỹ, anh Lân yêu cầu lập hội đồng thẩm định do Bộ Xây dựng đứng ra chủ trì, cuối cùng đi đến kết luận là chân đài vững, không bị lún nghiêng. Dư luận được giải tỏa.

Nhưng lại có một vấn đề khác có liên quan đến nội dung thể hiện của tượng đài, sau đó đã được bổ sung. Khi mới về nhận nhiệm vụ, nghe báo cáo và trực tiếp đến tham quan Đài tưởng niệm, anh Lân thấy không có gì sai trái về chính trị, nội dung và hình thức thiết kế có tính nghệ thuật khá rõ. Tuy nhiên, qua ý kiến đề nghị của các đồng chí lão thành, cần làm nổi bật hơn một số nội dung, anh Lân cùng với tập thể Tỉnh ủy đã chỉ đạo mở rộng thêm khuôn viên nhằm tăng vẻ tôn nghiêm của cảnh quan, đồng thời bổ sung thêm một số nhóm tượng thể hiện tính chiến đấu của quân và dân trong tỉnh và làm rõ thêm nội dung “Tổ Quốc ghi công”.

Gần đây, trong những công trình nghiên cứu về con người xứ Quảng, các nhà văn, học giả, các nhà nghiên cứu đã có một nhận xét rất hay về tính cách của con người làm chính trị xứ Quảng, đó là ý thức gánh vác. Hiểu theo cách bây giờ, đó là ý thức chấp hành sự phân công của tổ chức, là tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Anh Mai Thúc Lân đúng là một con người như thế. Một người luôn có ý thức gánh vác. Ba chục năm công tác địa phương Hà Bắc, khi tổ chức phân công, lại sẵn sàng làm chuyên gia cho nước bạn Cam-pu-chia; đến khi được về công tác ở cơ quan Trung ương đóng tại Thủ đô, tưởng thế đã yên ổn, lại được lệnh lên đường về Quảng Nam – Đà Nẵng trong một thời điểm khó khăn và khá tế nhị; cũng lại chưa yên, khi tách tỉnh lại được điều động về Quảng Nam - một tỉnh mới tái lập, xây dựng “thủ phủ” mới, đương nhiên khó khăn vất vả hơn thành phố Đà Nẵng đã ổn định.

Thực ra, trộm nghĩ, anh Lân cũng có nhiều lý do để đề xuất những đồng chí khác ở tại chỗ thay cho mình. Nhưng, suy nghĩ kỹ thêm một chút, vì buổi đầu gây dựng tỉnh mới, vì phong trào cần người có kinh nghiệm. Và, cũng một cái “vì” khác: một tính-cách-Quảng, một ý-thức-gánh-vác! Nói đến điều này, tôi không thể không nhắc tới chị Khanh, một người phụ nữ Kinh Bắc hiền dịu, mộc mạc, và cũng “lây” ở anh cái thẳng thắn, chân thành, đã “gồng gánh” theo chồng trên các nẻo đường công tác của anh.

Một bài báo thì thế này đã là dài. Nhưng với một người như Mai Thúc  Lân, còn nhiều điều đáng nói, đáng nhớ và nghĩ về anh. Còn với anh lúc này, chỉ một điều cầu mong: Anh hãy thanh thản bình tâm yên nghỉ.

NẠI HIÊN

;
.
.
.
.
.
.