Câu ca xứ Quảng Tai nghe súng nổ cái đùng/ Tàu Tây đã lại Vũng Thùng bữa qua vốn được cho là mô tả sự kiện người Pháp và người Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng ngày 1-9-1858. Thật ra, vụ “nổ cái đùng” đầu tiên ở Vũng Thùng đã được “châm ngòi” bởi một người Mỹ 13 năm trước đó.
Vũng Thùng, tức vịnh Đà Nẵng, nhìn từ bán đảo Sơn Trà. Ảnh: L.G.L |
Trung tuần tháng 5 năm 1845, một chiến hạm khổng lồ với hàng chục khẩu đại bác và ba cột buồm cao ngất ngưởng từ từ tiến vào Vũng Thùng, một tên gọi khác chỉ vịnh Ðà Nẵng. Trong lúc các quan phụ trách sở tại chưa biết xử lý thế nào trước sự kiện chưa có tiền lệ, thì viên hạm trưởng đã xuống một chiếc xuồng nhỏ lên bờ tỏ thiện chí ngoại giao với quan thủ thành Đà Nẵng.
Sử sách sau này không nói lúc đó hai bên, viên hạm trưởng và quan thủ thành, trao đổi với nhau bằng hình thức nào, nhưng cho biết cụ thể rằng, đó là chiến hạm Constitution của Hoa Kỳ và viên hạm trưởng tên là John Percival. Constitution được đóng tại Boston năm 1794, hạ thủy năm 1798, là chiến hạm đầu tiên và lừng danh trong lịch sử Hải quân Hoa Kỳ. Trên chuyến hải hành 2 năm vòng quanh thế giới, Constitution có một thủy thủ tên là William Cook bị chết trên tàu vì bịnh kiết lỵ, Percival cho tàu vào Ðà Nẵng, xin cung cấp thực phẩm, nước ngọt và chôn cất người này. Mọi việc diễn ra tốt đẹp, Cook được an táng dưới chân núi trên bán đảo Sơn Trà.
Tin tức nhanh chóng ra đến kinh thành Huế. Vua Thiệu Trị cử ngay viên quan phụ trách ngoại giao hỏa tốc vào Đà Nẵng, cùng với quan trấn thủ sở tại đến làm việc với Percival.
Bấy giờ, giám mục Dominique Lefèbvre, một nhà truyền giáo, đang bị giam cầm ở Huế, hay tin tàu chiến Hoa Kỳ vào Đà Nẵng, bèn viết thư nhờ một tín đồ Thiên Chúa giáo bí mật đem vào cho Percival yêu cầu người Mỹ can thiệp cho mình. Người đem thư bị quân triều đình bắt và xử chém vì tội ngầm thông tin tức với thuyền nước ngoài.
Hạm trưởng Percival hay tin, vì sự tận tụy với Thiên Chúa giáo, đã hành xử một cách quá thô bạo, điều không được phép trong ngoại giao: Bắt tất cả các quan lại Việt Nam đang giao thiệp với y xuống tàu làm con tin và ra điều kiện chỉ thả họ khi giám mục Lefèbvre được tự do.
Cho rằng Percival đã xúc phạm đến quốc thể, vua Thiệu Trị nhất quyết không thực hiện sự đổi chác do y đưa ra, lệnh cho quan quân triều đình diễu hành dọc bờ biển, đưa các tàu buồm võ trang đến các cửa khẩu dẫn vào Ðà Nẵng. Percival, sau một vài tuần khiêu khích, biết không thể làm gì được, đành bắn một loạt súng tỏ thái độ bất bình rồi lệnh thả các “con tin” và nhổ neo rời vịnh Đà Nẵng.
Percival trắng tay ra đi, lòng đầy tức giận, quên rằng mình vừa để lại Đà Nẵng một thủy thủ mồ yên mả đẹp nhờ sự đối xử nhân đạo của quan quân bản xứ. Gặp một số tướng tá Hải quân Pháp, y “đốt” rằng: “Giám mục Lefèbvre và người theo đạo Thiên Chúa đang bị triều đình Huế bách hại hãy mau chân vào cứu!”. Đang tìm một cái cớ để gây hấn với triều đình Huế, Hải quân Pháp liền vớ ngay cơ hội này, nghĩ ra cách tràn vào Việt Nam.
Đầu năm 1847, đại tá De Lapièrre, người đứng đầu Hải quân Pháp ở Biển Đông, đến Đà Nẵng, sai người mang tối hậu thư gửi vua Thiệu Trị với lời lẽ nặng nề trách cứ nhà nước Việt Nam và đòi Việt Nam phải cho phép tự do giảng đạo Thiên Chúa giáo như ở Trung Hoa. Quan tỉnh Quảng Nam tâu lên, vua sai tả thị lang Bộ Lễ Lý Văn Phức vào ngay Đà Nẵng hiệp cùng tuần phủ Nguyễn Đình Tân, lãnh binh Nguyễn Đức Chung gặp Hải quân Pháp để định ngày tiếp xúc.
Đến ngày hội thương, Lapièrre dẫn một đoàn lính hầu, kẻ đeo gươm, người cầm súng đi thẳng vào Công quán Việt Nam, bị quân hầu Việt Nam ngăn lại. Chúng trao cho Lý Văn Phức một lá thư, nhưng ông không nhận vì biết thư này xúc phạm đến quốc thể. Lapièrre quát tháo đe dọa, đặt lá thư trên ghế rồi bỏ đi. Hay tin, vua Thiệu Trị khiển trách Phức đã “làm mất quốc thể”, cho bắt giải về giam ở Huế chờ đình thần tra xét nghị xử.
Hải quân Pháp được thế càng tự tung tự tác trên đất Đà Nẵng. Bấy giờ có 5 chiếc thuyền Việt Nam đang tập kết ở vũng Trà Sơn chuẩn bị đi miền Nam là Kim Ung, Phấn Bằng, Linh Phượng, Thọ Hạc, Vân Bằng. Quân Pháp tưởng đó là những tàu chiến chuẩn bị tấn công mình, bèn nổ súng tiến đánh các tàu Việt Nam. Súng trên các tàu Việt Nam và trên các đồn ải chung quanh cảng Đà Nẵng cũng đồng loạt trút đạn lên tàu quân Pháp. Đó là ngày 14-4-1847. Gây hấn xong, sáng hôm sau Lapièrre cho tàu nhổ neo rời Đà Nẵng.
Constitution là chiến hạm nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam tại Đà Nẵng, mang theo hai người Mỹ, William Cook và John Percival. Một người trở thành người Mỹ đầu tiên nằm lại vĩnh viễn ở Việt Nam. Một kẻ rời Đà Nẵng và “châm ngòi” cho vụ “nổ cái đùng” khai diễn cuộc chiến tranh Pháp - Việt diễn ra sau đó.
LÊ GIA LỘC