Đà Nẵng cuối tuần

Con ngựa sáng tạo và kẻ đồng hành

07:02, 06/12/2014 (GMT+7)

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng vừa chính thức ra mắt Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT, với 14 thành viên, do nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp Hội giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng. Sự kiện này được xem là bước đi rất cần thiết, nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tác  của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, sau nhiều năm hoạt động lý luận, phê bình VHNT tại Đà Nẵng vẫn mang tính rời rạc, chưa theo kịp, chưa xứng tầm với hoạt động sáng tác.

Buổi ra mắt Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT TP Đà Nẵng. Ảnh: T.T.S
Buổi ra mắt Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT TP Đà Nẵng. Ảnh: T.T.S

Ngay trong buổi đầu ra mắt, ông Bùi Văn Tiếng nhắc lại một định nghĩa cũ, nay đã điều chỉnh đang trở thành quen thuộc: “Lý luận phê bình là ngọn roi quất cho con ngựa sáng tạo phải lồng lên, song có lẽ điều đó đã không còn phù hợp với thời đại này”.

Thực vậy, có thể nói trong những năm gần đây, hoạt động lý luận, phê bình VHNT đã trở nên quá mờ nhạt, hoặc gần như không đồng hành cùng con ngựa sáng tạo. Sự thiếu hụt đó được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự rối ren, thiếu chuẩn xác trong việc đánh giá, thẩm định các tác phẩm văn học, nghệ thuật, nhất là những hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại ở các địa phương. Một nhà văn nữ thẳng thắn bày tỏ: “Từ lâu rồi, phê bình văn học không mặn mà, chú trọng đến văn chương đương đại. Nếu họ có viết, thì vẫn viết về những tác phẩm lớn, của những nhà văn đã có tên tuổi, lớn tuổi, thậm chí nhiều người đã chết. Chứ họ không sánh bước cùng các tác giả trẻ, chưa có tầm cỡ. Họ cảm giác đọc tác phẩm của nhà văn trẻ, những người mới viết, với những tác phẩm chưa nổi tiếng là tự làm thấp họ. Nên nhà phê bình vẫn chỉ đi đào bới những cái xưa cũ”.

Mới đây, vào trung tuần tháng 11, hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay” do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức cũng đặt ra vấn đề nổi cộm: Lý luận phê bình hiện nay đang trong tình trạng chê không có cơ sở và khen không có căn cứ. Hệ thống tư tưởng cũ thì bị phê phán, song cái mới lại không có chuẩn mực chung.

Ông Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng, Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) nêu nhận định: “Đã có những lệch lạc, chạy theo thương mại hóa, thị trường hóa. Tuyên truyền, quảng bá cho những tác phẩm, tác giả không đáng được tuyên truyền. Trong khi đó, lại im lặng trước những tác phẩm, tác giả đáng được tuyên truyền. Im lặng là sai, nhưng nếu vì đồng tiền hay những toan tính nào khác mà ồn ã tán dương những tác giả, tác phẩm không có những giá trị gì về tư tưởng, nghệ thuật, thậm chí bôi nhọ đạo đức, phẩm giá con người, thì cái sai còn lớn hơn, khác nào bắc thang cho cái xấu, cái thấp hèn leo lên. Đó là điều không thể chấp nhận được”.

Nhà văn Ngô Vĩnh Bình (Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội) nói: “Nhà phê bình, theo tôi là phải cổ súy, động viên, bầu bạn với các nhà văn, chứ không phải là đứng trên các nhà văn. Phê bình văn học không phải là ngọn roi “quất” cho con ngựa sáng tác lồng lên như ai đó nói, mà phải là những tràng vỗ tay, là bài “hịch viết văn”... Tôi nhận tôi chỉ là một cái “gạch nối” - gạch nối nhỏ thôi giữa nhà văn và bạn đọc, nhà văn và xã hội, nhà văn và công chúng”. Trong khi đó, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng: “Không nên quan niệm phê bình là phải chê, phải khen cái gì đấy. Phê bình chuyên nghiệp là trao đổi, đối thoại chứ không phải chuyện khen chê. Xét một cách đúng nghĩa thì ai được phê bình là vinh dự”.

Trở lại tình hình hoạt động lý luận, phê bình VHNT tại Đà Nẵng, đối chiếu với hầu hết các bộ môn chuyên ngành, chúng ta càng thấy đội ngũ này lại càng thưa mỏng rõ rệt. Ở mảng âm nhạc, thỉnh thoảng có gặp một vài công trình hoặc bài viết của các nhạc sĩ Trương Đình Quang, Văn Thu Bích, Trần Hồng… Ở mảng văn học, thường gặp chủ yếu là những nhà nghiên cứu đến từ ngành giáo dục như Huỳnh Văn Hoa, Nguyễn Minh Hùng, Lê Đức Luận, Châu Yến Loan, Đinh Lựu, Nguyễn Thuận… Cũng có trường hợp một số người chuyên viết nghiên cứu thường được xếp chung vào đội ngũ lý luận, phê bình như Trần Phương Kỳ, Nguyễn Sinh Duy, Võ Văn Hòe, Võ Văn Thắng, Hoàng Hương Việt, Lê Huân…

Trong khi đó, nhiều mảng sáng tác chuyên ngành khác còn lại hầu như thả nổi cho báo chí tùy nghi định hướng. Nhà biên kịch điện ảnh Huỳnh Hùng nhận định: “Trong một chuyên ngành nghệ thuật thường được giới thiệu trên báo, trên đài thì việc chọn lựa tác phẩm nào, tác giả nào để giới thiệu phần lớn còn phụ thuộc vào sự chủ quan của biên tập viên hoặc người quản lý cơ quan báo chí. Không phải ngẫu nhiên mà một số văn nghệ sĩ phàn nàn rằng báo, đài chỉ ưu ái “lăng xê” cho ông này bà kia. Hai là, văn nghệ xuất hiện trên báo chí Đà Nẵng hiện nay chủ yếu dưới hình thức phổ biến, giới thiệu, công bố, thiếu hẳn sự phân tích, nhận xét, đánh giá, phê bình để giúp cho khán, thính, độc giả thấy được cái hay, cái đẹp, cái tinh tế (hoặc ngược lại) của tác phẩm, đồng thời cũng giúp cho lực lượng sáng tác biết mình là ai, tác phẩm của mình đang đứng ở đâu, có giá trị như thế nào…”.

Sự ra đời Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT lần này, ngay sau khi Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT TP Đà Nẵng lần thứ 8, nhiệm kỳ 2014-2019 vừa tổ chức thành công cũng là một bước đi kịp thời, đúng đắn góp phần thúc đẩy những khát vọng sáng tạo của đội ngũ những người lao động nghệ thuật. Bên cạnh đó, điều đáng mừng, mới đây trong cuộc gặp gỡ, chuyện trò với văn nghệ sĩ  thành phố, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã khẳng định quyết tâm đầu tư cho lĩnh vực văn học - nghệ thuật, đồng thời chăm lo hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho giới nghệ sĩ, tạo động lực để họ cống hiến, sáng tạo nhiều hơn bằng những chương trình rất cụ thể. Điều còn lại là, mai đây nhìn về phía trước, con ngựa sáng tạo và kẻ đồng hành có thực sự cùng nhau ngọt bùi chia sớt, để thu ngắn dặm đường dài gian nan?

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, ở nhiều nước Nga, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Pháp…, lực lượng lý luận, phê bình văn học luôn chiếm từ 20 đến 25% so với đội ngũ sáng tác. Ví dụ Hội Nhà văn Nga có khoảng 4.500 hội viên thì đã có 1.300 nhà phê bình, Hội Nhà văn Ba Lan có xấp xỉ 3.000 hội viên thì khoảng 800 người hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình. Những người này hoạt động rất thường xuyên, đồng hành, theo sát mọi diễn biến của đời sống văn học. Trong khi đó, nếu tính Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay, ước chừng chỉ có khoảng 60 nhà lý luận trong tổng số gần 1.000 hội viên. Thử hỏi, những nhà phê bình uyên bác và có tầm ảnh hưởng như Hoài Thanh không hiểu còn xuất hiện trên bầu trời văn học nữa hay không?

TRẦN TRUNG SÁNG

.