.
Giới thiệu sách

Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?

.

“Hình như mình đã… đủ già để không thể bắt đầu học tiếng Anh”, “Hình như mình không có khiếu học ngoại ngữ”, “Học tiếng Anh nói chung là khó”…

Đó là cảm giác của rất nhiều người khi muốn bắt tay vào học tiếng Anh, nhất là với những người tự cảm thấy mình đã qua thời đi học. Làm gì để học tiếng Anh được đây, dù chúng ta đầy khao khát? Khao khát đến mức nếu bụt hiện lên hỏi: Cho con một điều ước, con sẽ ước gì? Lập tức ta sẽ trả lời mà không cần toan tính: Dạ con ước nói tiếng Anh như gió!

30 tuổi, 50 tuổi, thậm chí 80 tuổi, khi bắt đầu học một ngoại ngữ nào đó, cụ thể là tiếng Anh, bạn cũng chỉ như một đứa bé bập bẹ với những con chữ đầu tiên. Vậy có gì phải sợ mình già, khi dù muốn dù không, ta không thể phủ nhận ta quá trẻ và bé nhỏ trước chân trời ngôn ngữ.

Ta phải học tiếng Anh như thế nào? Nếu đó quả thực là trăn trở của bạn tại thời điểm này thì đừng chần chừ tìm đến cuốn sách “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?” của cậu bé Đỗ Nhật Nam. Ở đó, có thể bạn sẽ tìm được một phần câu trả lời cho trăn trở của mình. Sách đã được tái bản 3 lần, điều này cho thấy nhiều người chưa dứt “mê” những điều được ghi trong cuốn sách 200 trang này.

Đỗ Nhật Nam là cậu bé giỏi tiếng Anh. Cái giỏi của em được xác nhận thông qua kỷ lục Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam (Nam dịch hai cuốn sách khi em mới 7 tuổi), và những thành tích trên cả xuất sắc trong các cuộc thi tiếng Anh quốc tế. Tuy nhiên, qua những gì Nam trình bày trong cuốn sách này thì em không phải là “thần đồng” tiếng Anh như danh xưng mọi người thường ưu ái dành cho. Những kiến thức rất “sõi” mà Nam có được xuất phát từ một nền tảng giáo dục “bài bản” của gia đình, cụ thể là người mẹ rất hiểu biết và tâm lý, cùng với trí thông minh và niềm đam mê của chính em.

Sự có “bài” ở đây được thể hiện thông qua những cuộc vui, sự chăm lo việc học, ăn, ngủ của con bằng “giáo trình” do mẹ soạn mỗi ngày. Hay là người học không hay biết mình đang phải đối mặt với một bài tập cụ thể nào đó. Từng chữ, từng câu Nam đọc, nghe hay nói ra được như người bản ngữ đều đậm dấu ấn của ba mẹ.

Phần chính cuốn sách nói về quá trình đến với tiếng Anh, Nam cho người đọc thấy em cũng như bao bạn nhỏ khác. Nếu tự nhiên không được dạy dỗ mà nhìn mặt chữ đọc ro ro mới gọi là thần thánh. Đằng này, Nam cũng “mù tịt” và ngồi co ro trong buổi học tiếng Anh đầu tiên, và đến buổi thứ hai thì không muốn đi học nữa. Nhưng mẹ em đã xuất hiện động viên và vào lớp học cùng con. “Mẹ chỉ ngồi lặng lẽ quan sát và thỉnh thoảng nhìn tớ cười cười” (trang 43), đó là lời mô tả của Nam về buổi học có mẹ bên cạnh.

Sau buổi “lặng lẽ quan sát” và “cười cười” đó, mẹ đã về nhà bày ra nhiều trò chơi khiến Nam “mê tít”. Sự thành công trong việc học tiếng Anh của Đỗ Nhật Nam bắt nguồn từ việc chơi đầy lý thú. Ban đầu là tìm hiểu màu sắc thông qua bài chơi nhắm mắt đoán màu, rồi tiếp đó tăng lên dần những bài chơi tìm từ, đoán nghĩa. Trò chơi nhiều đến mức Nam tiếc là không thể nhớ hết và đưa hết vào cuốn sách này. Đến khi bố an ủi: “Không cần con nêu lên hết các trò chơi, vì thực ra trò chơi có thể nghĩ ra bất kỳ lúc nào, cũng có thể tìm trong sách hoặc trên Internet. Chỉ cần các bạn thấy rằng học tiếng Anh là một niềm vui”, lúc ấy Nam “vững tâm” để cho ra lò những chia sẻ của mình.

Phần “Tớ đã viết ra suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh” chính là đoạn người đọc được tận mắt nhìn thấy một phần thành quả “dùi mài kinh sử” của Đỗ Nhật Nam trong thời gian em chuẩn bị thi lấy các bằng tiếng Anh quốc tế. Những chủ đề to tát của các bài luận không hề làm khó anh chàng bé nhỏ, ngược lại em trở thành người đạt số điểm mà theo một người Mỹ thì “ngay cả người bản ngữ cũng mơ ước!”.

Xuyên suốt cuốn sách “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?” là những câu chuyện vui tươi dưới cách kể dí dỏm, trong sáng của một cậu bé. Tác giả không hề cho thấy mình là “ông cụ non”, ngược lại, em hoàn toàn hồn nhiên trong thế giới tuổi thơ đầy sắc màu. Có khác hơn chăng là sắc màu của em không chỉ có cổ tích, truyện tranh, hoạt hình, mà còn rất, rất nhiều kiến thức vi mô đến vĩ mô được em mày mò, học hỏi lúc thức lẫn lúc… ngủ (có đoạn Nam chia sẻ về cách nạp kiến thức vào kho tiềm thức khá thú vị).

Trong lời mở đầu cuốn sách, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Sách Thái Hà nói, mới đầu gặp Nam, ông không nghĩ em có thể dịch được nên đưa cu cậu vài cuốn “đọc cho vui” rồi sau đó quên mất câu chuyện này. Thế nhưng, Nam không chỉ khiến ông Chủ tịch công ty sách bất ngờ trước trình độ ngoại ngữ của em, mà còn khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Cũng như bạn vậy, có thể chính bạn nghi ngờ khả năng của mình khi chỉ chớm nghĩ đến việc học tiếng Anh ở độ tuổi “hơi muộn” nào đó. Nhưng nếu hồn nhiên cho mình là một đứa trẻ để tự hào “tớ” đã bắt đầu học tiếng Anh thì sự ngại ngùng có thể vơi bớt. Và hãy bắt đầu như Nam, hãy “chơi” cho “mê tít” thì tiếng Anh không còn quá khó với những bài học nặng nề, áp lực nữa. Có nhiều “bài chơi” trong sách Nam đã giới thiệu, và có nhiều “bài chơi” khác mỗi người có thể tự sáng tạo ra theo cách mình thấy phù hợp; để rồi chắc chắn, sẽ đến lúc bạn tin Nam: “Tin tớ đi! Học tiếng Anh vui lắm!”.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.