Đà Nẵng cuối tuần
Nơi ấy, bản Cuôi
Muốn đến bản Cuôi (xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) phải mất 4 giờ đồng hồ đi bộ theo lối mòn len lỏi giữa lau lách rừng rậm, vượt qua 43 con suối với muôn vàn trắc trở, hiểm nguy rình rập.
Người dân sống ở Cuôi có người gần ngót cuộc đời, số lần rời khỏi bản đến trung tâm huyện chỉ tính trên đầu ngón tay. Ngay cả trưởng thôn- người giữ sợi dây liên lạc nối bản làng với thế giới bên ngoài, mỗi năm cũng chỉ dăm ba lần ra trung tâm xã…
Chừng ấy đủ để hình dung “chốn thâm sơn cùng cốc” ở đầu nguồn dòng sông Sê Băng Hiêng- một trong số ít con sông khởi nguồn từ đất Việt chảy ngược sang nước bạn Lào!
Lớp học mầm non ở bản Cuôi. |
1. Những người làm nghề báo như chúng tôi thường bị cuốn hút bởi những vùng đất xa xôi, khác lạ. Đó cũng là lý do thôi thúc chúng tôi vượt hàng trăm cây số từ Đà Nẵng về thị trấn Khe Sanh. Rồi từ đó, ngược phía Bắc theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh trên con đường dài ngót hơn 70 cây số, vượt qua con đèo Sa Mù dài 20 cây số quanh co, uốn lượn để tìm về với bản Cuôi. Xế chiều, bản Cuôi ẩn hiện dưới làn mây trắng sà xuống ngang nóc nhà sàn đẹp như tranh vẽ.
Nằm ở nơi đầu nguồn dòng Sê Băng Hiêng, bản Cuôi trong kí ức của những người lính một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là một trong những nơi bị máy bay B52 quần lượn, rải bom cày nát từng bụi cây, ngọn cỏ. Đi qua chiến tranh, nhiều bản làng ở mảnh đất được mệnh danh là “Cửa tử” này đã hồi sinh, nhưng vẫn còn đó một bản Cuôi tách biệt như ốc đảo cô đơn giữa chốn thâm sơn cùng cốc.
Trưởng bản Hồ Văn Thong đón chúng tôi tận đầu con đường đất mòn vẹt dẫn vào làng, vừa đi, ông vừa bảo: “Bản Cuôi có 18 hộ dân với gần 100 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân bản Cuôi chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy, cây sắn và cây ngô trên nương. Do không có thủy lợi nên diện tích trồng cây lúa nước cũng hạn hẹp, chưa tới 2ha. Đời sống kinh tế của bà con chủ yếu tự cung, tự cấp.
Đường sá đi lại khó khăn nên không có sự thông thương thuận lợi với bên ngoài. Mỗi năm, các gia đình thiếu cái ăn đến 6, 7 tháng. Bây chừ còn đỡ khổ hơn trước. Nhà nào có xe máy chỉ cần đi khoảng 2 tiếng là ra tới trung tâm xã. Thi thoảng tháng có đôi lần, bản đón xe ba cầu vào tận nơi bán hàng hóa nên bà con đỡ phải vất vả hơn, dù hàng hóa vào tận Cuôi giá cả cũng theo đó đội lên nhiều lần. Nhưng mùa mưa thì đành ngồi bó gối”.
Không đường đi, không trạm y tế, không sóng điện thoại, cả bản chỉ có vài nhà có điện phập phù lúc có, lúc không, nhờ cái tuapin lấy sức nước dưới các con suối. Bởi vậy, nhiều người bệnh nặng, đau ruột thừa hay sinh khó đều nhờ vào may rủi.
Lời Hồ Văn Thong chậm rãi như cuốn phim quay chậm đưa chúng tôi ngược về với đời sống của bà con nơi đây gần chục năm về trước. Ngày đó, khi ông Hồ Văn Hạnh còn làm trưởng thôn. Mỗi năm hai lần ông ra xã họp. Cả đi lẫn về mất tới 5 ngày đường. Chi phí ăn ở lại gấp đôi lần con số 80 nghìn đồng phụ cấp chức vụ. Nhưng vì bà con, không làm thì lấy ai làm cầu nối bà con với sự tiến bộ ở bên ngoài. Rồi còn cả tương lai con cháu. Bản Cuôi lúc đó dù nghèo nhưng bình yên. Sự bình yên của nguyên sơ rừng núi, khi chưa hề có sự can thiệp nào của các loại phương tiện cơ giới hiện đại.
Thế rồi, cơn lốc vàng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 quét qua đây đã phá hủy hệ sinh thái của dòng sông, làm đảo lộn cuộc sống của dân bản. Từ ngày xảy ra tình trạng đào đãi vàng ở đây thì nguồn nước sinh hoạt hết sức khó khăn. Môi trường nước ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cá tôm dưới suối thì chết sạch. Quãng đường hơn 15 cây số từ xã vào bản ngày nào còn trong xanh thơ mộng, dù chỉ là những lối mòn xẻ rừng, băng suối do chính bàn chân con người tạo ra thì nay bị lật tung, đất đá ngổn ngang và hàng trăm cái hố sâu gần cả chục mét như những ụ mối khổng lồ, lở lói.
Vòng xoáy cơn lốc vàng cũng khiến nhiều hộ dân vì cái lợi trước mắt đã bán hết ruộng vườn, nương rẫy. Khi không còn trong tay tư liệu sản xuất thì dân bản lại phải đi xa hơn, phá nốt những cánh rừng sót lại để trỉa ngô, trỉa lúa đắp đổi qua ngày. Dòng Sê Băng Hiêng trong xanh uốn lượn quanh bản Cuôi đã bị bức tử. Nỗi lo về một cuộc sống đầy khốn khó do hậu quả từ nạn đào vàng trên dòng Sê Băng Hiêng đối với dân bản ngày càng hiện hữu rõ rệt với những tâm sự đầy lo âu nhưng đành bất lực.
2. Câu chuyện của trưởng bản Hồ Văn Thong dừng lại nơi lớp học dành cho con em của bản. Nhìn ánh mắt vợi vợi niềm âu lo lẫn khát khao, hy vọng của ông. Tôi chợt nhớ hình ảnh những người lính biên phòng miệt mài gieo chữ ở bản làng này cách đây chưa đến chục năm về trước. Có lẽ không ở đâu như lớp học ở Cuôi, ngày ấy, lớp 1 không chỉ dành riêng cho các em vừa tròn 6 tuổi mà còn dành cho cả những học sinh đã bước qua tuổi 40.
Vẫn nhớ như in hình ảnh cậu học trò lớp 1 đã bước qua tuổi 40 có tên Hồ Rồng. Bàn tay gân guốc của người đàn ông trung niên vốn rất mạnh mẽ khi cầm cuốc, cầm rựa lên nương lại run run cầm cây bút chì nắn nót từng con chữ. Những giọt mồ hôi nhỏ xuống theo từng nét chữ cong queo, không thẳng hàng. Nhưng anh rất phấn khởi, bảo: “Mình học con chữ để đọc được cái sách cái báo và để… viết thư cho người yêu!”.
Giờ đây, với khoảng 15 học sinh, hai thầy giáo cắm bản ở Cuôi chia thành 5 lớp tiểu học ghép đôi lại để dạy con chữ cho các em. Thế nhưng, dù đã có trường lớp khá kiên cố so với trước, niềm đam mê học tập của các em đã không còn như xưa. Cơn lốc vàng tràn qua ngay trước ngôi trường với tiếng máy nổ xình xịch và ánh điện lấp lánh suốt ngày đêm, khiến không ít học sinh vốn dĩ học hành chăm chỉ bỏ trường lớp để gia nhập vào đội quân đào vàng, đổi lấy từng cân gạo. Các em nhanh chóng già trước tuổi! Sau cơn lốc vàng, không ai khác mà chính những đứa trẻ này phải đối diện với một tương lai bất định.
Để duy trì sĩ số học sinh, hai thầy giáo cắm bản ở đây phải thường xuyên nối sợi dây liên kết bền chặt với trưởng thôn, già làng để động viên phụ huynh đưa con em tới trường. “Trẻ con ở đây học được cái chữ cũng gian nan lắm, nhất là vào mùa mưa. Hết cấp 1, muốn lên cấp 2 hay xa hơn là coi như phải cơm đùm gạo bới ra trung tâm xã, lên trung tâm huyện. Bởi vậy, số học sinh được học tròn con chữ, vào đại học rất hiếm hoi”, Hồ Thong chùng giọng, đôi mắt vị trưởng bản vời vợi nhìn về phía núi.
Cơn lốc vàng quét qua mảnh đất hoang sơ này không chỉ để lại những vết thương không cầm máy trên dòng Sê Băng Hiêng mà cả trong lòng người dân bản Cuôi. Những cánh rừng xanh tốt, giữ ẩm cho đất đai màu mỡ đã bị xới nát vì vàng. Ông trưởng thôn Hồ Văn Hạnh- điểm tựa của người dân ngày đó bất lực trước đói nghèo cũng ngậm ngùi bỏ Cuôi để ra đi, mang theo cả ước mơ dang dở của người dân về đời sống kinh tế khá giả, con cái học hành đến nơi đến chốn.
Rời bản Cuôi lúc trời xế chiều, phóng tầm mắt giữa bốn bề rừng núi bao la, quanh năm sương giăng mây phủ vẫn cất giấu trong mình biết bao điều bí ẩn. Ngược đường về bản, bắt gặp những chàng thanh niên rồ ga xe máy vượt suối, đằng sau lủng lẳng những dụng cụ sẵn sàng để có thể sửa xe bất cứ lúc nào bị hỏng. Chúng tôi thầm mong, tương lai không xa, ước mơ về con đường nối liền từ bản ra trung tâm xã của bà con ở Cuôi sớm thành hiện thực.
THIÊN LAM