Đà Nẵng cuối tuần
Đông y điều trị chứng sẩy thai
Sẩy thai hay đẻ non phát sinh liên tục từ 2-3 lần trở lên, Đông y gọi chung là chứng “hoạt thai”, còn gọi là “sổ đọa thai”, Tây y gọi là chứng sẩy thai liên tiếp.
Chùm gửi trên cây dâu có tác dụng an thai rất tốt. |
Theo Đông y, sẩy thai liên tiếp chủ yếu là do xung nhâm tổn thương, thai nguyên bất cố (thai không vững chắc), hoặc do thai kém phát triển, không thể thành hình, do đó cứ có thai là sẩy.
Lâm sàng thường gặp hai thể bệnh chính của sẩy thai liên tiếp là Thận khí hao tổn và Khí huyết đều hư.
1- Thận khí hao tổn:
Do bẩm sinh tiên thiên bất túc, thận khí suy kém, hoặc do có thai mà phòng sự không tiết chế gây tổn thương, làm thận khí hao tổn, hai mạch xung nhâm bất cố (không vững chắc), không giữ chặt thai, nên cứ có thai là bị sẩy, dẫn đến chứng hoạt thai.
- Chứng trạng chủ yếu: Sẩy thai liên tiếp, váng đầu ù tai, đau thắt lưng, mỏi gối, tinh thần ủy mị, tiểu đêm nhiều lần, tròng mắt thâm quầng, vẻ mặt ám tối, lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trầm nhược.
- Phép trị: Bổ thận, cố xung (làm vững mạch xung), an thai.
- Phương thuốc điển hình: Bổ thận cố xung hoàn (Trung y học tân biên):
Thố ty tử, Tục đoạn, Ba kích thiên, Đỗ trọng, Đương quy, Thục địa, Lộc giác sương, Câu kỷ tử, A giao, Đảng sâm, Bạch truật, Đại táo, Sa nhân.
2- Khí huyết đều hư:
Thể tạng vốn hư nhược, khí huyết bất túc; hoặc do ăn uống, làm lụng, lao nhọc làm tổn thương tỳ, nguồn sinh hóa khí huyết không đầy đủ; hoặc do bệnh nặng lâu ngày làm hao tổn khí huyết đều dẫn đến khí huyết lưỡng hư, xung nhâm bất túc, không thể nuôi dưỡng và giữ chắc được thai, vì vậy có thai liền sẩy, gây nên chứng hoạt thai.
- Chứng trạng chủ yếu: Sẩy thai liên tiếp, đầu váng mắt hoa, thần thái mệt mỏi, yếu sức, hồi hộp, hơi thở ngắn, sắc mặt trắng xanh, lưỡi nhạt, rêu mỏng, mạch tế nhược.
- Phép trị: Ích khí, dưỡng huyết, an thai.
- Phương thuốc điển hình: Thái sơn bàng thạch tán (Cảnh Nhạc toàn thư):
Nhân sâm, Hoàng kỳ, Đương quy, Tục đoạn, Hoàng cầm, Xuyên khung, Thục địa, Bạch thược, Bạch truật, Chích cam thảo, Sa nhân, Nhu mễ.
Ngoài hai thể bệnh chính của sẩy thai liên tiếp trên đây, trên lâm sàng thường gặp một số biểu hiện kết hợp các chứng trạng tỳ hư, âm hư, huyết nhiệt, huyết ứ... Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà thầy thuốc tiến hành đối chứng lập phương, gia giảm vị thuốc, phối ngũ liều lượng, lựa chọn dạng thuốc bào chế (thang, hoàn, tán, cao...) cho thích hợp từng cơ địa thể tạng, điều kiện kinh tế, văn hóa, đời sống bệnh nhân thì việc điều trị mới duy trì ổn định và đem lại kết quả. Bệnh nhân cũng phải kiên trì và tích cực hợp tác với thầy thuốc, dùng thuốc đúng liều và ăn uống sinh hoạt theo y lệnh, có vậy mới sớm thỏa được ước nguyện.
Theo kinh nghiệm riêng của người viết bài này, trong việc dùng thuốc điều trị sẩy thai liên tiếp, cần trọng dụng vị thuốc Tang ký sinh tức Chùm gửi cây dâu để tăng cường tác dụng an thai. Theo Thần Nông Bản thảo kinh (viết cách nay khoảng 2.000 năm) thì Tang ký sinh là dược liệu “thượng phẩm” có tác dụng an thai rất tốt, bên cạnh nhiều công dụng khác.
Đây là vị thuốc cực kỳ quý hiếm, mặc dù không đắt tiền. Các tài liệu cổ đều thống nhất cho rằng không được dùng Chùm gửi trên các loài cây khác vì có độc, nhưng trên thị trường dược liệu xưa nay hầu hết “Tang ký sinh” đều là Chùm gửi của các loại cây khác, như cây mít chẳng hạn.
Bởi vậy, theo chúng tôi, muốn có Tang ký sinh thật sự để dùng phải tự trồng dâu và nuôi cấy Chùm gửi, hoặc nếu phải đi mua thì phải tìm đến tận nơi tự tay thu hái Chùm gửi trên cây dâu mới đáng tin dùng. Để tránh nhầm lẫn với hàng “dỏm”, tôi tạm đặt tên loại thuốc này là Tang ký sinh T.T.T (có thể hiểu là thuốc tự trồng, tự tay thu, toàn thứ thiệt).
Một kinh nghiệm khác, như chúng tôi đã báo cáo trong một chuyên luận trước đây, phối hợp phương pháp cứu bằng lò ngải cho bệnh nhân vô sinh và sẩy thai liên tiếp nói chung cho kết quả rất khả quan. Bên cạnh các huyệt vị có công năng bổ thận, ích khí, dưỡng huyết, nên đặc biệt chú ý đến 2 huyệt vị đặc trị chứng sẩy thai liên tiếp là Bào môn và Tử hộ.
Điều này đã được ghi nhận trong sách Thế Y Đắc Hiệu Phương của Nguy Diệc Lâm (1277-1347) đời nhà Nguyên, Trung Quốc: “Đàn bà có mang sẩy thai liên tiếp thì cứu huyệt Bào môn, Tử hộ mỗi bên 50 mồi, Bào môn tại huyệt Quan nguyên lấy qua bên trái 2 thốn, Tử hộ tại Quan nguyên lấy qua bên phải 2 thốn, Tử hộ còn gọi là Khí môn.
PHAN CÔNG TUẤN