Từ khi lên 5 tuổi, Willard Wigan đã quan tâm đến đồ chơi có kích thước siêu nhỏ và bắt đầu chăm chỉ, cặm cụi làm những ngôi nhà với kích thước bé tí xíu.
Thỉnh thoảng, có ai hỏi, chú nhỏ thích-chơi-một-mình với những vật thủ công rất nhỏ ấy, giải thích rằng chú đang làm nhà cho… kiến vì, cũng như chúng ta, họ cũng cần một nơi để sống. Chú nhỏ ngày nào đó, nay ở tuổi 57, trở thành nhà điêu khắc nổi tiếng thế giới.
Theo The Guardian, tác phẩm nghệ thuật siêu nhỏ của nhà điêu khắc “Làm nhà cho kiến” trưng bày tại thư viện trung tâm ở thành phố Birmingham, quê nhà của tác giả - Willard Wigan.
Nhà điêu khắc Willard Wigan |
Kích thước tác phẩm điêu khắc của Willard rất nhỏ, chúng chỉ có thể nhìn thấy qua kính hiển vi. Mỗi tác phẩm thường đặt trong khe hở để luồn chỉ của một cây kim, hoặc trên đầu cây đinh ghim (kim cúc). Để tạo được những tác phẩm cực nhỏ này, Willard đã bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian.
Lúc tạo hình, Willard luôn ở trạng thái thiền định, nhịp tim của ông đập chậm lại, nín thở để chế ngự chứng run tay khi đang tạc tượng. Ông thường làm việc qua đêm và thỉnh thoảng, ông cần sự gián đoạn tối thiểu để tiếp tục tập trung. Tính trung bình, phải mất khoảng tám tuần để Wigan hoàn thành một tác phẩm điêu khắc và đó là một quá trình chất đầy thử thách.
Để khắc hình hoặc tượng, Wigan sử dụng lưỡi dao phẫu thuật hoặc các công cụ làm bằng tay với độ bén cao, có dụng cụ được làm bằng cách gắn một mảnh kim cương vào đầu kim. Wigan sử dụng một loạt các vật liệu, bao gồm nylon, hạt cát, bụi xơ, vàng và mạng nhện, tùy thuộc vào nhu cầu của các khối hình mà anh đang làm việc.
Gia đình Tổng thống Obama. |
Willard Wigan đã khắc hình ảnh gia đình Obama trong lòng khe hở để xâu chỉ của một cây kim may và tạc chân dung Muhammad Ali trên đầu một que diêm. Willard làm việc dưới kính hiển vi và sử dụng các công cụ “đồ nghề” hết sức tài tình, chẳng hạn như sử dụng “cọ vẽ” bằng lông của một con ruồi hoặc bằng sợi lông mi một cô bạn gái.
Các tác phẩm điêu khắc cực nhỏ của Willard thu hút nhiều người, hầu hết là những nhân vật danh tiếng như Sir Elton John, Sir Philip Green, Mike Tyson và Simon Cowell. Tác phẩm mới nhất của Willard qua yêu cầu của Nữ hoàng Elizabeth II - tạc chân dung người thân Diamond Jubilee nhân dịp lễ kỷ niệm để tưởng nhớ. Tháng 7-2007 Willard Wigan được vinh danh MBE (Member of the British
Empire - Hiệp sĩ đế chế Anh) dành cho nghệ thuật từ Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Wigan cho biết: “Khi còn nhỏ, tôi ẩn mình vào một thế giới tưởng tượng. Bây giờ, qua sự giới thiệu và quảng bá của trung tâm thư viện, hy vọng rằng trẻ em địa phương mỗi lần đến các thư viện ở Birmingham và được truy cập Internet miễn phí, thì những tác phẩm của tôi có thể sẽ gợi đến hàng triệu câu chuyện trong trí tưởng tượng vốn đầy ắp của các em.
Nhiều trẻ sẽ ham học. Các sáng kiến học tập, chúng ta cần hỗ trợ, khuyến khích và nâng cao chúng. Wigan trở thành người được Thư viện Birmingham ủy thác, do đó, bất cứ khả năng của một đứa trẻ nào, bất kỳ trình độ nào, giỏi hay dở, xem tác phẩm, trò chuyện với tác giả… sẽ là cơ hội để các em có thêm kiến thức cơ bản và khả năng sáng tạo nghệ thuật, giúp các em vững vàng những bước đầu tiên đi vào thế giới muôn màu của cuộc sống trong nước và thế giới.
Tỷ lệ kích thước giữa đầu con ruồi và tác phẩm tượng đặt trên đầu đinh ghim. |
Niềm đam mê này dành cho các em nhỏ bắt nguồn từ thời thơ ấu của Wigan. Ông mắc chứng khó đọc nghiêm trọng nhưng không được chẩn đoán chu đáo và thường xuyên chịu đựng sự quở trách khắc nghiệt từ giáo viên. Tình trạng này đã khiến ông phải trốn học, lấm lút một mình với công việc làm giày dép và mũ cho bạn bè của mình hoặc cắm cúi, làm nhà cho… những con kiến.
Ngày nay, nghệ thuật của ông được sự hoan nghênh, cổ vũ, mang về danh dự quốc gia và người nghệ sĩ với các tác phẩm siêu nhỏ đã chứng minh rằng, trong cuộc sống, một số kho báu không thể nhìn được bằng mắt thường.
Triển lãm tại trung tâm thư viện bắt đầu từ ngày 11 tháng Giêng. Một phần của số tiền thu được từ các tác phẩm của Willard Wigan sẽ dùng hỗ trợ các chương trình cộng đồng được điều hành bởi các thư viện của Birmingham.
HOÀNG ĐẶNG