“Tiên mao ôn thận tráng dương/ Khử hàn trừ thấp, gân xương mạnh liền”.
Đó là câu vè giúp nhớ tính dược vị thuốc mà tác giả bài này rất lấy làm tâm đắc.
Tiên mao hay Sâm cau - Curculigo orchioides. |
Phương hay thuốc quý trước đây đã giới thiệu bài Nhị tiên thang trị hội chứng tiền mãn kinh và cao huyết áp gồm 6 vị thuốc, trong đó có 2 vị chủ dược là Tiên mao và Tiên linh tỳ. Một số bạn đọc không tra được 2 vị thuốc này nên đã liên hệ nhờ chúng tôi giải đáp.
Thực ra Tiên linh tỳ là biệt danh của Dâm dương hoắc, một vị thuốc bổ dương khá quen thuộc mà nhiều người đã biết. Còn Tiên mao thì có ít người biết hơn, do các sách dược liệu của các GS Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi đều ghi dưới tên chính là Sâm cau hay Ngải cau.
Tiên mao được ghi lần đầu trong Hải Dược Bản Thảo do Lý Tuần soạn vào đời Đường. Tương truyền vị thuốc này được các tăng sĩ Bà la môn (Ấn Độ giáo) dâng lên chữa bệnh liệt dương cho vua Đường Huyền tông vì thế có tên là Bà la môn sâm, bên cạnh một số tên khác như: Độc cước tiên mao, Độc mao căn, Tiên mao sâm, Hoàng mao sâm, Thiên tông, Địa tông, Sơn tông, …
Tiên mao có tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn. Đây là loài cây thảo sống lâu năm, cao 30cm hay hơn. Lá 3-6, hình mũi mác xếp nếp tựa như lá cau, phiến thon hẹp, dài đến 40cm, rộng 2-3,5cm; cuống dài 10cm. Thân rễ hình trụ cao, dạng củ to bằng ngón tay út, có rễ phụ nhỏ, vỏ thô màu nâu, trong nạc màu vàng ngà. Hoa màu vàng xếp 3-5 cái thành cụm, trên một trục ngắn nằm trong những lá bắc lợp lên nhau. Quả nang thuôn dài 1,5cm, chứa 1-4 hạt. Hoa mùa hè thu.
Theo Đông y, Tiên mao có công dụng ôn thận dương, tráng cân cốt. Trị liệt dương tinh lạnh, tiểu tiện không tự chủ, băng lậu, ngực bụng đau do lạnh, thắt lưng cẳng chân đau tê do lạnh, ung nhọt, lao hạch.
Giới thiệu bài thuốc dùng Tiên mao:
1. Trị liệt dương, ù tai: Tiên mao, Kim anh tử (rễ lẫn quả) mỗi thứ 20g, hầm với thịt ăn.
2. Trị người già tiểu sót: Tiên mao 40g ngâm rượu uống.
3. Cường tráng cân cốt, bổ ích tinh thần, sáng mắt: Tiên mao 1.200g (ngâm nước vo gạo 5 ngày, mùa hè ngâm 3 ngày, bỏ nước ngâm, dùng dao đồng nạo vỏ, phơi trong râm, lấy lại 1 cân); Thương truật 1.200g (ngâm nước vo gạo 5 ngày, gọt vỏ, sấy khô, lấy lại 1 cân); Câu kỷ tử 600g, Xa tiền tử 480g; Bạch phục linh (bỏ vỏ), Tiểu hồi (sao), Bá tử nhân (bỏ xác) mỗi thứ 8 lạng; Sinh địa hoàng (sấy), Thục địa hoàng (sấy) mỗi thứ 160g. Tán bột, lấy rượu quấy hồ làm hoàn cỡ hạt ngô đồng (hạt bắp). Mỗi lần uống 50 hoàn, uống trước khi ăn với rượu ấm, ngày uống 2 lần.
4. Định suyễn, bổ tâm thận, hạ khí: Bạch tiên mao 20g (ngâm nước vo gạo 3 đêm, phơi khô, sao), Nhân sâm 20g, A giao 40g, Kê nội kim 60g. Tán bột, mỗi lần uống 8g với nước cơm sôi, lúc bụng đói.
5. Trị bệnh cao huyết áp do mạch Xung - Nhâm không điều hòa (hội chứng bốc hỏa tiền mãn kinh): Tiên mao, Tiên linh tỳ, Ba kích, Tri mẫu, Hoàng bá, Đương quy. Sáu vị đồng cân lượng, sắc đặc thành cao lỏng, ngày uống 2 lần, mỗi lần từ 20-40g.
6. Trị phụ nữ băng huyết đã thành chứng lậu: Tiên mao 12g (tán bột), dùng Toàn tần quy, Xà quả thảo lượng bằng nhau đem sắc lấy nước uống với bột Tiên mao nói trên.
7. Trị ung thư hỏa độc, mụt sưng không có đầu, sắc xanh đen: Tiên mao không nệ ít nhiều, cả rễ củ sắc, hòa thêm rượu uống; hoặc lấy loại còn tươi giã nát đắp vào, nếu có mủ rồi sẽ vỡ, chưa có mủ sẽ tiêu.
8. Trị rắn độc cắn: Thiên tông (Tiên mao) cùng Bán biên liên giã nát đắp vào chỗ rắn cắn.
(8 bài thuốc trên dịch theo Trung dược đại từ điển).
9. Bạch đới do thận hư: Tiên mao 15g, sắc uống. Hoặc dùng Tiên mao tươi 6g, Từ trường khanh (Cynanchum Paniculatum) 10g, Cật heo 2 quả. Hầm lấy nước uống, ăn cái.
10. Sau khi sinh bị ho: Tiên mao 30g, sắc uống. Hoặc dùng: Tiên mao 30g, Phổi heo 150g, nấu lấy nước uống, ăn cái.
(Bài 8 và 10, theo Phụ khoa bệnh Trung thảo dược)
Người viết bài này rất tâm đắc với vị thuốc Tiên mao, nhất là trong điều trị các chứng rối loạn cương và hiếm muộn vô sinh. Tuy nhiên, như trong sách Bản Thảo Cương Mục có bàn luận: “Tiên mao tính nhiệt, bổ tam tiêu, là thuốc của mệnh môn. Chỉ nên dùng cho người dương yếu, tinh lạnh, bẩm sinh ốm yếu. Nếu người mạnh mẽ, tướng hỏa thịnh, uống vào phản tác dụng, làm động hỏa thêm”.
Do đó, cần lưu ý thầy thuốc không nên lạm dụng và người bệnh chỉ dùng theo chỉ định của thầy thuốc, không nên tự ý sử dụng, nhiều khi lợi bất cập hại. Ngoài ra lưu ý, Tiên mao có độc nhẹ, khi làm thuốc phải bào chế bằng cách ngâm nước vo gạo một đêm rồi rửa sạch, sấy khô mới dùng.
PHAN CÔNG TUẤN