Đà Nẵng cuối tuần

Thơ và sự tồn tại của thơ

19:16, 16/01/2015 (GMT+7)

Có một thực tế trong đời sống văn chương hiện nay mà chúng ta không thể không nhìn thấy, là thơ đang dần vắng bóng trên các trang báo ra hằng ngày, hằng tuần.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thậm chí trên các tạp chí văn chương ra hằng tháng, số lượng các bài thơ được in cũng giảm bớt. Thế nhưng số lượng những người làm thơ, số lượng các tập thơ được xuất bản hằng năm, theo thống kê của các Nhà xuất bản, của các Hội Văn học Nghệ thuật từ địa phương đến Trung ương, thì ngày lại càng tăng. Thơ và người làm thơ nhiều lên trong khi sự yêu thích mến chuộng đam mê thơ ở người đọc ít lại. Đó như một nghịch lý. Hơn thế nữa, mỗi khi nhắc đến thơ và người làm thơ, rất nhiều người gắn bó với văn chương lại tỏ bày thái độ vừa ngao ngán vừa ngậm ngùi. Trước thực tế đó, tôi đã có lúc tự hỏi: Vậy thơ còn có ý nghĩa gì? Có vai trò gì trong đời sống chúng ta? Và chúng ta phải làm gì để thơ tồn tại như một nâng đỡ cứu chuộc
cho đời sống con người?

Ai trong chúng ta cũng có lúc cần viện dẫn thơ để bày tỏ lòng mình. Đó là lúc trong ta có những xúc cảm không thể nói được bằng ngôn ngữ thông thường. Hay nói theo cách khác, đó là lúc những cách diễn đạt thông thường không thể nói hết tâm trạng, ý nghĩ, tình cảm của chúng ta. Người không thể làm thơ thì đọc thơ của người khác, nhìn vào thơ người khác để thấy mình. Người làm được thơ thì dùng con chữ mà nói lên suy nghĩ. Lúc đó thơ như một nâng đỡ, giúp chúng ta giải thoát những bức xúc, những phẫn nộ, những buồn bã, bi thương. Có khi thơ giúp ta bày tỏ tình yêu, nỗi nhớ. Có khi thơ là cầu nối dẫn ta đến sự đồng cảm sẻ chia với một người nào đó có cùng trăn trở nghĩ suy như ta. Chẳng thế mà nhà thơ Trần Lê Văn đã từng viết: Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi. Thơ là tiếng vọng. Thơ cũng là con thuyền. Chúng ta không thể no đủ nhờ vào thơ, nhưng cuộc sống tinh thần của chúng ta sẽ nghèo nàn biết mấy, nếu thơ không hiện hữu trong đời sống hằng ngày. Người xưa còn làm thơ để tỏ lòng tỏ chí, để chiến đấu, để khát vọng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, xứng đáng với con người hơn.

Thế nhưng, để thơ thật sự hiện hữu như một tiếng vọng, như một con thuyền, như một vũ khí đấu tranh và thật sự là một tác phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo thì những người làm thơ chúng ta không có quyền dễ dãi trong suy tư cảm xúc, trong tư tưởng và nhất là trong lao động để tạo ra ngôn ngữ thơ. Có một nhà thơ đã nói: điều khác biệt giữa thơ và các thể loại văn chương khác là thơ sử dụng mặt trái của ngôn ngữ, trong khi đó các thể loại khác thì sử dụng mặt phải của nó. Nói như thế để thấy rằng làm thơ và cảm nhận thơ không thể sử dụng lối tư duy theo kiểu nghĩ gì viết thế hay giải thích ý nghĩa của từng con chữ trong câu thơ, khổ thơ để suy diễn ý nghĩa của bài thơ. Làm như thế chúng ta sẽ giết chết thơ.

Thơ có lúc cũng bị giết chết bằng một cái bẫy dịu dàng khác, mà chúng ta không phải lúc nào cũng nhận ra, đó là cái bẫy của thói quen sử dụng ngôn từ. Thói quen này hình thành một cách từ từ bằng những gì chúng ta đã đọc, đã học, đã sử dụng trong suốt một thời gian dài. Và thói quen này bị dẫn dụ từ những tác phẩm hay, những đỉnh cao trong thơ ca Việt Nam và thế giới. Sự hợp lý, sự thú vị trong các từ ngữ được sử dụng khiến chúng ta bị lôi cuốn rồi nhập tâm. Đến lúc viết, chỉ cần có ý tứ, có cảm hứng thì các từ ngữ đó lập tức xuất hiện và chúng ta thấy chấp nhận được ngay. Có lúc chúng ta mê đi và còn nghĩ viết một bài thơ sao dễ dàng làm vậy. Chúng ta bị rơi vào bẫy mà chúng ta không nhận biết được. Từ cái bẫy đó chúng ta làm ra các tác phẩm thơ na ná các bài thơ đã đọc, các hình tượng thơ cũ kỹ, các từ ngữ thơ khô xác vì đã bị vắt kiệt ý nghĩa, đã bị sử dụng quá nhiều đến mất hết những dưỡng chất sống động tươi xanh của sự sống. Ví dụ khi viết về mùa thu ta bị choán đầy bởi những lá vàng, cúc vàng, những mây xanh, những tơ trời, gió heo may và cảm giác buồn hiu hắt... Viết về mẹ nếu không có hình ảnh con cò ăn đêm, dãi nắng, dầm mưa, thì lại mẹ chờ chồng, chờ con, hy sinh tuổi xanh, tuổi trẻ... Viết về mùa hạ có tiếng ve, có chia tay dưới tàng phượng đỏ... Mùa xuân có mai vàng đào đỏ, có đông tàn xuân tới, có đất trời đơm hoa, có xuân chiến thắng... Rồi cứ nỗi buồn thì băng giá, con tim thì thổn thức, mắt thì long lanh, đêm thì cô đơn, em thì đến từ cõi chiêm bao... Tổ quốc thì thiêng liêng, rồi vững tay súng, vững lòng tin vào ngày mai... Ta cứ dùng chữ như một sự cưỡng bức chữ theo ý nghĩ chủ quan dễ dãi của mình mà không băn khoăn gì về cái gọi là độc sáng trong sáng tác nghệ thuật. Nếu cứ bị thói quen đó, cái bẫy ngôn từ đó dẫn dắt thì làm thế nào mà thơ không chết?

Người viết đã vậy, lại thêm có những người đọc với thói quen đọc cũ: khư khư giữ quan niệm thơ phải du dương vần điệu, bằng lòng với dòng thơ câu trước gọi câu sau, các câu mang ý nghĩa rõ rệt để diễn tả một vấn đề rõ rệt... Đứng trước một câu thơ khó, những người đọc này sẽ lập tức phản ứng đòi truy cho được một cách hiểu, có khi bằng định kiến còn quy chụp diễn giải khiến người viết không khỏi e ngại... Và khi người viết đã e ngại, người phê bình thì lúng túng không làm tốt việc định hướng, người biên tập chọn đăng thơ cũng ngại ngần, thì chúng ta dễ dàng quay về bằng lòng với những gì quen thuộc an toàn, để rồi mỗi lúc giở một trang thơ lại lắc đầu chê trách rằng:  sao thơ ngày mỗi nhạt nhẽo.  
Thơ nhạt nhẽo và vô bổ, Thơ quay lưng với những tiêu cực đau đớn của xã hội. Thơ không dám động đến thân phận cực nhục thực sự của con người. Vậy thơ có tồn tại được trong lòng người yêu thơ?

Những bài thơ phải là chân dung thật sự của người viết, vì vậy cần phải viết với lòng say đắm, sự ao ước được thể hiện bản thân; đôi khi viết trong sự buồn bã chán chường hoang mang, trong sự thôi thúc điên rồ; sự thoát ra khỏi những lối mòn để chấp nhận tất cả, cả ánh sáng và bóng tối của căn phận ngôn từ.

Sáng tạo thật sự luôn không dễ dàng, người sáng tạo luôn phải chấp nhận khó khăn, mất mát, có khi cả những đánh giá bất công vì những bất đồng. Nhưng lặp lại, chọn lối đi an toàn trong sáng tạo là điều tối kỵ trong đời sống văn chương nói chung. Một đời sống thi ca đang quẫy cựa bao giờ cũng tốt hơn nhiều so với một đời sống thi ca bất động đông cứng. Một lối đi riêng, hay nhiều lối đi riêng của thơ trong dòng chảy thơ ca là điều cần thiết bởi nó chứng tỏ thơ vẫn đang vận động.

Điều cuối cùng tôi muốn nói trước thực tại thơ đang dần mất bạn đọc, với mong mỏi tìm lại sự yêu thích mến chuộng đam mê cho thơ, là rất cần có một đời sống tự do riêng cho thơ. Hãy để những người viết thể nghiệm tất cả những gì họ muốn thể nghiệm. Có thể họ sai lầm. Có thể họ thất bại. Cũng có thể trong họ sẽ có người tìm đến được sự đổi mới có giá trị thật sự của thơ ca. Và những gì còn lại cần phải chờ sự thẩm định qua thời gian...

ĐINH THỊ NHƯ THÚY

.