Thời buổi này cũng khó kể được một nghề nào chỉ đơn thuần làm vào ngày Tết - nghề chỉ Tết mới có, chỉ có thể kể về những nghề ăn nên làm ra, sôi động hẳn lên mỗi khi Tết đến xuân về.
Tác phẩm của những người làm nghề hoa khô trưng bày cho dịp Tết.Ảnh: V.T.L |
Nghề nấu bánh chưng, bánh tét hay đổ bánh tổ chẳng hạn, bây giờ người ta làm bánh gần như quanh năm, nói khác đi có thể ăn bánh tổ, bánh tét hoặc bánh chưng vào bất cứ lúc nào, nhưng rõ ràng chỉ trong những ngày tháng Chạp, người làm nghề nấu bánh chưng, bánh tét hay đổ bánh tổ mới thực sự bước vào mùa làm ăn.
Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền và từ bao đời nay đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Chính vì thế mà những nghề sôi động nhất, ăn nên làm ra nhất trong tháng chạp và kéo dài sang cả mấy ngày Tết là những nghề gắn liền với phong tục tập quán đón Tết chơi xuân đậm đà bản sắc dân tộc. Trước hết có thể kể ra một số nghề có liên quan đến bàn thờ và phần mộ tổ tiên, chẳng hạn như nghề đánh bóng lư đồng hay nghề bán cát lư hương. Hai nghề này được xem là chỉ Tết mới có và hầu như sớm trở thành chuyên nghiệp.
Nhân nói chuyện đánh bóng lư đồng, tôi chợt nhớ hồi trước giải phóng rất nhiều gia đình ở Đà Nẵng hằng năm đều đưa đi đánh bóng chiếc bình hoa được làm từ vỏ đạn đại bác bằng đồng - một kiểu tận dụng phế liệu chiến tranh có thể làm ngơ ngác các nhà sản xuất vũ khí của đế quốc Hoa Kỳ. Cũng có thể kể thêm nghề giẫy mả thuê/tảo mộ thuê thường tập trung ở các nghĩa trang nhân dân lớn trong thành phố và thường khởi sự từ đầu tháng Chạp nhân ngày chạp mả của các dòng họ.
Những nghề-ngày-Tết vừa nêu vốn mang yếu tố tâm linh rất cao đối với người làm nghề, bởi tất cả họ đều ý thức rằng đây là chuyện ông chuyện bà trên đầu trên cổ, không cho phép mình ăn gian làm dối. Ai cũng nghĩ bán cát lư hương là dễ làm nhất, dễ kiếm tiền nhất, bởi chỉ cần xúc được cát trắng ở bất cứ chỗ nào là có thể mang bán ngay cho thiên hạ, giống như kiểu bán cát để chống bão.
Thực ra không đơn giản như vậy, cứ nghĩ đến cát này sẽ nằm trang trọng trên các bàn thờ ngày ngày hương khói, không ai nỡ - đúng hơn là không ai dám làm thế. Trước tiên phải tìm những chỗ vắng người để xúc cát, rồi phải rửa cát cho sạch không để lẫn tạp chất, rồi phải sấy cát cho khô… Người làm nghề gọi đó là đạo đức nghề nghiệp, thậm chí gọi đó là đức, mà đã là đức thì giữa thất đức với tích đức, họ thường tự giác chọn cái thứ hai.
Tiếp đến có thể kể ra những nghề liên quan đến khát vọng của mọi người luôn mong muốn điều tốt đẹp đầu năm, chẳng hạn như nghề làm bao lì xì/bì mừng tuổi với hai gam màu chủ đạo đỏ và vàng, hoặc chữ nghĩa hơn một chút là nghề viết câu đối bằng thư pháp chữ Hán/thư pháp chữ quốc ngữ… Gần đây ở Hà Nội - chứ chưa thấy ở Đà Nẵng - còn có một nghề liên quan đến khát vọng hoàn mỹ và sung mãn vừa nêu là nghề xông đất thuê đầu năm mà người làm nghề đa phần là các bạn sinh viên nam thanh nữ tú và… hợp tuổi với chủ nhà/chủ doanh nghiệp.
Đặc biệt nghề trồng hoa/trồng cây cảnh chơi Tết là nghề đòi hỏi không chỉ tay nghề cao, nắm vững kỹ thuật, có mắt thẩm mỹ, có kinh nghiệm trong nghề, mà nhiều khi còn là sự may mắn của người làm nghề, bởi nghề này phụ thuộc rất lớn vào thời tiết hằng năm và thường không năm nào giống năm nào, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Áp lực của người làm nghề trồng hoa/trồng cây cảnh chơi Tết càng tăng lên khi hoa ấy/cây ấy gắn với khát vọng của đông đảo người mua luôn mong muốn điều tốt đẹp lúc xuân về Tết đến…
Và không chỉ hoa hay cây cảnh mới gắn với khát vọng hoàn mỹ và sung mãn của người đời mà cả trái cây cũng vậy. Đó là những loại trái cây được chọn để bày trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết. Loại quả đầu tiên được người Đà Nẵng chọn đưa vào danh mục này là chuối - mà thường là chuối mốc. Loại quả thứ hai khá phổ biến ở Đà Nẵng là đu đủ và có lẽ lý do được chọn là nhờ cái tên… Đủ. Người dân các tỉnh Nam Bộ thì thích mâm ngũ quả ngày Tết của nhà mình có năm loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung.
Sự lựa chọn này cũng xuất phát từ niềm mong ước đầu năm diễn đạt theo cách phát âm của đất phương Nam: Cầu-Dừa-Đủ-Xài-Sung! Và dường như mô hình Cầu-Dừa-Đủ-Xài-Sung đã vượt ra ngoài phạm vi Nam Bộ để đến với những nơi phát âm không hề lẫn giữa vừa và dừa, giữa xoài và xài… Thời gian gần đây một số người Đà Nẵng còn học tập người Hà Nội để chọn đưa vào danh mục nêu trên một loại quả mới là phật thủ/tay Phật - có quả cả năm ngón chụm lại mà cũng có quả cả năm ngón xòe ra… Nghề bán trái cây chưng bàn thờ ngày Tết do vậy mà càng trở nên… đắt khách.
Thức ăn ngày Tết Nguyên đán có một món mà công nghiệp hóa phát triển đến mấy cũng không thay thế được sản xuất thủ công - đó chính là bánh. Người Việt có thói quen ăn bánh vào các ngày Tết trong năm: Tết Đoan Ngọ mồng năm tháng năm ăn bánh ú tro, Tết Trung Thu rằm tháng tám ăn bánh dẻo hay bánh nướng và Tết Nguyên đán đầu năm ăn bánh chưng, bánh tét, bánh tổ…
Bánh dẻo, bánh nướng ngày Tết Trung thu bây giờ chủ yếu được sản xuất công nghiệp với mẫu mã bao bì hiện đại, riêng bánh ú tro ngày Tết Đoan Ngọ và bánh chưng, bánh tét, bánh tổ ngày Tết Nguyên đán thì xưa nay cơ bản vẫn được sản xuất thủ công. Chính vì thế mà nghề nấu bánh chưng, bánh tét hay đổ bánh tổ ngày Tết vẫn luôn đi cùng năm tháng.
Cũng cần nói thêm là đối với người Đà Nẵng, bánh tét chiên và nhất là bánh tổ chiên là món ăn khoái khẩu nhất trong những ngày sau Tết. Hồi tôi còn dạy học ở xa quê, cứ mỗi lần về quê ăn Tết rồi trở lại trường, mẹ tôi thường chiên rất nhiều bánh tổ để tôi mang theo cho đỡ… nhớ nhà, nhớ mẹ!
BÙI VĂN TIẾNG