Đà Nẵng cuối tuần
50 năm Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng: Nhật ký ngày 8-3-1965
Lịch sử thời cận đại đã chọn đất và người Đà Nẵng là nơi nghênh tiếp và chạm trán đầu tiên với các đội quân viễn chinh xâm lược.
Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều, Đà Nẵng (8-3-1965). Ảnh : Tạp chí Life |
157 năm trước - 1858, tiếng súng đại bác của thực dân Pháp tấn công thành Điện Hải để mở đường tiến ra kinh đô Huế. Song, họ đã nhận thất bại đầu tiên trong mưu đồ xâm lược Việt Nam là bởi đất và người Đà Nẵng.
107 năm sau đó, tức cách đây tròn 50 năm, vết chân đội quân viễn chinh Mỹ đã dẫm lên vết bùn nhơ của thực dân Pháp bước lên đất Đà Nẵng, gây nên cuộc chiến tranh cục bộ xâm lược Việt Nam, để rồi chuốc lấy thất bại thảm hại nhất trong lịch sử nước Mỹ, nghiêm trọng hơn, di chứng của nó đeo đuổi nước Mỹ đến tận ngày nay.
Tư liệu chiến tranh của cả các bên tham chiến đều xác nhận bước chân đầu tiên của đội quân lính thủy đánh bộ Mỹ đặt xuống Việt Nam là tại bãi biển Xuân Thiều Đà Nẵng vào ngày 8-3. Có nhiều chi tiết của sự kiện này khiến chúng ta chú ý:
Thời tiết Đà Nẵng “đón” quân viễn chinh bằng trận gió mùa Đông Bắc với sức gió cấp 6, cấp 7 kèm theo mưa lạnh. Họ đã phải vật lộn với sóng dữ ngoài khơi biển Việt Nam cao hàng chục mét và khi đến gần bờ những đợt sóng cồn dữ dội đánh vào neo tàu làm cho các lính thủy không thể nào leo xuống tàu đổ bộ, điều này đã làm thay đổi giờ G đổ quân của Mỹ, đó là 9 giờ sáng (giờ Sài Gòn) thay vì 7 giờ 30 do giới chóp bu quân đội Mỹ ấn định, phải chăng đó là báo hiệu điềm xấu của “thiên thời”?
Khoảng 3.500 lính thủy đánh bộ có mặt trên các tàu chiến Vancouver, Union, Mout MC Kinley và Henryco áp sát bãi biển Xuân Thiều được đánh dấu bằng mật danh quân sự là Red Beach Two. Chỉ huy cuộc đổ bộ là chuẩn tướng Frederick J. Karch chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm, người từng tham dự những cuộc đổ bộ lên những hòn đảo Sainpan, Tinian và Iwo Jima trong Thế chiến thứ hai. Các tàu chiến này đều xuất phát từ các căn cứ hải quân Mỹ ở Nhật Bản sáu tuần trước đó.
9 giờ 30, người nhái hải quân Mỹ trồi lên khỏi ngọn sóng cồn cao đến 10 bộ (khoảng 8-9 mét) làm nhiệm vụ trinh sát trận địa. Theo sau đám người nhái là 11 tàu đổ bộ, mỗi tàu chở 11 lính đặc nhiệm chiếm lĩnh trận địa, bảo vệ cho cuộc đổ bộ. Tiếp đến các tàu há mồm LCM-8 nặng đến 61 tấn nhả ra 200 lính cùng một lúc và các khí tài hạng nặng như xe tăng M48, đại bác 105 ly, súng chống tăng Ontos... Chỉ gần 50 phút sau, 1.400 lính Mỹ đã có mặt trên bờ biển với đầy đủ vũ khí, trang thiết bị chiến tranh.
Có một chi tiết khá hài hước rằng cuộc đổ bộ đã được Lầu năm góc đưa tin trước đó 2 ngày, nhưng không nói đến thời gian và địa điểm bởi bí mật quân sự. Nhưng họ lại không nghĩ đến việc thông báo cho chính quyền Sài Gòn biết hay hỏi ý kiến họ mặc dầu bản tin trên cho biết là cuộc đổ quân Mỹ vào miền Nam là theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn để bảo vệ cho “tiền đồn của thế giới tự do”.
Sáng 8-3, một sĩ quan Mỹ đến gặp Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Phan Huy Quát, yêu cầu ông soạn thảo một thông cáo chung bằng hai thứ tiếng Anh-Việt để thông báo rộng rãi về cuộc đổ bộ của quân Mỹ ở Đà Nẵng, lúc đó Thủ tướng Quát mới chính thức biết tin quân Mỹ đổ bộ vào Việt Nam mà ở thời điểm đó đã là quá trễ. Dù rằng, chính phủ Sài Gòn chủ trương rước quân Mỹ vào miền Nam nhưng chi tiết trên cho thấy Mỹ quá xem thường chính phủ Sài Gòn và hơn nữa là không tin tưởng vai trò đồng minh của họ, bởi thời gian và địa điểm đổ quân nếu bị tiết lộ cho đối phương biết sẽ là môt thảm họa cho chiến dịch.
Nhận lệnh trễ từ chính phủ trung ương, Thị trưởng Đà Nẵng tức tốc huy động nhân viên tòa thị chính, nữ sinh trung học cùng một số chức sắc tôn giáo với các vòng hoa quàng cổ đủ màu, các băng-rôn khẩu hiệu làm vội, dùng xe quân sự chở đến bãi biển Xuân Thiều đón chào quân đổ bộ Mỹ. Họ choàng vòng hoa lên cổ người chỉ huy và các toán lính đi đầu. Những cái bắt tay, những nụ cười gượng gạo và quay phim, chụp ảnh, rồi sau đó một tờ báo Mỹ đưa tin là họ dàn cảnh như một trò hề.
Tuy nhiên buổi đón tiếp có một chi tiết khá thú vị: Ngay chiều hôm đó, hình ảnh của tướng Karch, người chỉ huy cuộc đổ bộ, với vòng hoa trên cổ đã xuất hiện khắp các mặt báo và truyền hình trên thế giới. Điều đáng quan tâm là gương mặt của vị tướng trong ảnh không hề có một nụ cười, dù là xã giao. Phải chăng dự cảm của một vị tướng về kết cục của chiến tranh thật đáng nể?
Sau này ông đã kể nguyên nhân ông không cười trong một cuộc phỏng vấn của nhà báo: “Bức hình đó là nguyên nhân những phiền toái của tôi. Người ta hỏi rằng lúc đó sao tôi lại không cười? Nhưng anh biết đấy, nếu tôi làm điều đó thì hình ảnh này cũng được ghi lại. Và khi bạn có một đứa con bị giết ở chiến trường Việt Nam, bạn ắt sẽ không thích thú gì với hình ảnh ông tướng chỉ huy đang mỉm cười với vòng hoa trên cổ như ở thời điểm đó”.
Người ta cũng đặt vấn đề là lúc đó Đà Nẵng có cảng nước sâu và một sân bay có đường băng dài gần 3km sao không được sử dụng cho cuộc đổ quân, thì được giải thích rằng các nhà chiến lược quân sự Mỹ tin rằng một cuộc đổ bộ trên bãi biển là phương sách để giải phóng một số lượng lớn quân lính và khí tài nhanh nhất, an toàn nhất. Cảng biển lúc đó không có cần cẩu và xe tải hạng nặng, lưới hàng hay xà lan, kể cả thủy triều, luồng nước được đánh dấu. Sân bay chưa có các trang bị, cơ sở vật chất cần thiết để tiếp nhận một số lượng quân số đông chưa kể các khí tài hạng nặng như xe tăng, đại bác và tên lửa.
Cuộc đổ quân của Mỹ vào Đà Nẵng - Việt Nam đã làm dấy lên phong trào chống Mỹ dữ dội nhất ở trong nước và quốc tế.
Ngay chiều 8-3, những chiếc máy bay vận tải hạng nặng C130 của Mỹ lên xuống sân bay Đà Nẵng đã dính những viên đạn đầu tiên của các tay bắn tỉa quân du kích Hòa Vang. Tiếp theo là phong trào thiết lập “vành đai diệt Mỹ” mở đầu là ở Hòa Vang mà Bác Hồ ngợi khen là “một dấu son đỏ thắm trong phong trào chống Mỹ cứu nước ở miền Nam”. Rồi đến phong trào đấu tranh chính trị đòi Mỹ cút khỏi Việt Nam của các tầng lớp quần chúng nhân dân, các tôn giáo trong lòng đô thị Đà Nẵng đã góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Tám năm sau, cũng vào một buổi sáng tháng 3, Mỹ lặng lẽ làm lễ cuốn cờ rút khỏi Việt Nam tại sân bay Đà Nẵng.
HÀ PHƯỚC MAI
(Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng)
(*) Tư liệu tham khảo: Những bài học từ chiến tranh Việt Nam của Nigel Cawthorne.