Chuyên đề

Bác sĩ trẻ đầu quân ở Đà Nẵng

07:36, 28/02/2015 (GMT+7)

Trong những năm qua, chính sách thu hút bác sĩ giỏi từ các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã trở thành thương hiệu riêng của Đà Nẵng, cung cấp được đội ngũ bác sĩ tài năng, góp phần giảm áp lực thiếu bác sĩ tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố.

BS Võ Thiện Ngôn (giữa) là người có “tuổi nghề” trẻ nhất ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí hiện nay.
BS Võ Thiện Ngôn (giữa) là người có “tuổi nghề” trẻ nhất ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí hiện nay.

Bác sĩ trẻ và sự phát triển của bệnh viện

Hai năm nay, chọn BS nội trú là hướng ưu tiên chủ yếu ở BV Đà Nẵng. Theo BS Lê Hồng Hải, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, từ khi thành phố có chương trình thu hút nhân tài đến nay đã có 106 BS về làm việc tại BV, trong đó 3 năm gần đây có 29 BS với 11 BS nội trú, 20 thạc sĩ. Các sinh viên y sau khi xong 6 năm đại học, muốn đào tạo thành bác sĩ nội trú phải thi đỗ và học thêm 3 năm nữa. Các BS nội trú phải ở trong bệnh viện 24/24 giờ để phấn đấu trở thành BS giỏi về lý thuyết lẫn thực hành lâm sàng.

Nói về chính sách thu hút của đơn vị, BS Ngô Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám đốc BV Đà Nẵng thẳng thắn nhìn nhận: “Những năm trước chế độ đãi ngộ chưa xứng tầm nên sức hút chưa đủ mạnh. Trong những năm gần đây, ngoài chính sách thành phố để thu hút nhân tài, BV nâng cao năng lực công tác chuyên môn để khẳng định thương hiệu BV, từ đó thu hút khá nhiều các BS trẻ mới ra trường”.

Trước, do thiếu người nên BS nào về là BV làm thủ tục vô biên chế liền. Về sau đông dần nên phải tổ chức thi tuyển, – BS Nam cho hay. Với BS thì chỉ tiêu cao hơn so với điều dưỡng hoặc y tá. BV mở rộng chuyên ngành, chuyên sâu. Thu hút nhiều BS từ các nơi về, trong đó có người là GS.TS, là trưởng, phó khoa các bệnh viện… Để bảo đảm đời sống cho đội ngũ nhân sự, BV thêm một lần lương cơ bản cho CBCNV; Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán đều thêm 1 tháng lương; ngoài ra có thưởng, chế độ đãi ngộ đối với một số chuyên ngành đặc biệt.

Các BS, bằng trình độ và tâm huyết, luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của BV. TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó trưởng khoa Nhi, BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, đơn cử như đơn vị Nhi của khoa, 90% là các bác sĩ trẻ dưới 32 tuổi. 4 thạc sĩ thì 3 người tốt nghiệp nội trú và đều về BV dưới dạng thu hút của thành phố Đà Nẵng; trong số 6 BS trẻ còn lại thì 4 người cũng là dạng thu hút về Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp BS đa khoa, hiện một BS đang học nội trú.

Các BS Nguyễn Bá Mai Phương, Phan Thị Tường Vy cùng các BS khác tham gia rất tích cực trong các khâu thu thập số liệu, nhập và xử lý số liệu của nhiều công trình nghiên cứu khoa học. ThS.BS Lê Hoàng Minh Châu, phụ trách công tác đào tạo cho các BS trẻ mới nhận công tác được phân đi luân phiên đến phòng Nhi sơ sinh hoặc các sinh viên y đến thực tập…

Mỗi người một việc, ngoài kinh nghiệm chuyên môn, họ còn chia sẻ nhau lòng yêu nghề, yêu trẻ và sự say mê công việc. Cùng với đó, họ không ngừng trau dồi và cập nhật kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ thông qua những buổi hội nghị, hội thảo, học lâm sàng, trao đổi những ca bệnh khó với chuyên gia sơ sinh Andrew Lyon đến từ Anh quốc, các buổi học trực tuyến với nhiều chủ đề về Nhi sơ sinh, hướng dẫn xử trí các tình huống giao tiếp trong BV với các chuyên gia của Anh, Úc, Mỹ… tổ chức lớp trình bệnh trực tuyến với các BS nội trú tại Mỹ.

Vì “thương hiệu” của thành phố

Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng được thành lập từ năm 2007, là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực y tế cho thành phố Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Do Đại học Đà Nẵng trực thuộc Bộ GD&ĐT nên các chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài của Đà Nẵng không dành cho các cán bộ Khoa Y Dược của đơn vị.

TS.BS Nguyễn Đăng Quốc Chấn, Trưởng khoa Y dược – Đại học Đà Nẵng, cho biết: “Dù không được nhận bất kỳ một chính sách ưu đãi nào từ thành phố Đà Nẵng, nhưng hằng năm khoa vẫn tiếp nhận nhiều tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại khoa. Đây là cơ sở đào tạo nhân lực y tế trước hết cho thành phố Đà Nẵng, phục vụ nhân dân Đà Nẵng, cũng thực hiện những chương trình, kế hoạch... do thành phố Đà Nẵng ban hành.

Cán bộ, giảng viên của Khoa trước hết là những công dân gắn bó lâu dài với Đà Nẵng, mong muốn đào tạo được nhiều bác sĩ giỏi về lý thuyết lẫn thực hành lâm sàng, góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, chung tay xây dựng một chính sách an sinh xã hội tốt đẹp, một “thành phố đáng sống” – như BS Chấn chia sẻ. Và sẽ công bằng hơn, nếu có nhiều BS thuộc chính sách thu hút của thành phố Đà Nẵng về tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu tại khoa Y Dược và các cán bộ công tác tại Khoa cũng được thụ hưởng những chính sách ưu đãi từ thành phố.

Nói về Đà Nẵng, trên website của mình, BV Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng (một thành viên của Tập đoàn Y khoa Tâm Trí) ghi là “thành phố dễ sống nhất Việt Nam”. Ngày 27-2-2015, BV non trẻ nhất Đà Nẵng này kỷ niệm 2 năm thành lập, tiếp tục nỗ lực phấn đấu trở thành địa chỉ y tế đáng tin cậy của thành phố qua trang thiết bị y tế tối tân cùng với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, thân thiện và tận tâm.

BS Vũ Đức Thành, Giám đốc Quản trị BV Tâm Trí cho biết, BS trẻ trước khi chính thức về “đầu quân” cho đơn vị, thường là thực tập hoặc xin kiến tập không công một thời gian; ban lãnh đạo BV tạo môi trường làm việc thoải mái cho họ. Trên quan điểm cho rằng đội ngũ BS trẻ có trình độ, tâm huyết và ý thức phục vụ tốt sẽ góp phần tạo dựng thương hiệu của đơn vị, ban giám đốc BV chỉ nhận các BS nội trú.

Cũng như khoa Y dược – Đại học Đà Nẵng, BV Tâm Trí thu hút đội ngũ BS trẻ, giỏi bằng chính nội lực của mình, không chỉ vì thương hiệu của đơn vị mà cho cả thương hiệu của “thành phố đáng sống”.

Những quả ngọt đầu mùa

Hằng năm, lãnh đạo các BV cử người đến các trường đại học có SV sắp ra trường, vừa quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng, vừa giới thiệu những thành tựu mà BV đã đạt, những định hướng phát triển.

BS Võ Thiện Ngôn, quê Bình Định, là 1 trong 5 BS nội trú ở Đại học Y Dược Huế được giới thiệu về làm việc tại BV Tâm Trí trong năm 2014. Anh hiện phụ trách tiết niệu tại khoa Ngoại, những gì học hỏi ở trường đã được anh phát huy tốt bên những trang thiết bị hiện đại.

ThS.BS Nguyễn Bá Triệu, Phó trưởng khoa Phẫu thuật – Can thiệp tim mạch BV Đà Nẵng, quê Phú Yên. Anh học ĐH Y Dược Huế, nội trú ở trường 3 năm, định ở lại Huế, nhưng lại chọn Đà Nẵng vì thấy Đà Nẵng có môi trường năng động, có thể giúp mình phát triển về chuyên môn. Lúc mới về, anh được phân công về hồi sức nhi, sau đó được Ban giám đốc cho đi học tim mạch, được các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này ở nước ngoài về hướng dẫn triển khai dần kỹ thuật can thiệp tim mạch. Vợ anh người Quảng Ngãi, học cùng khóa với anh, đang công tác ở BV Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng, cả hai đều chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai.

Theo BS Võ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Đà Nẵng, chỉ riêng năm 2014 đơn vị đã có 47 đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến đã được công nhận tại BV, trong đó có nhiều tác giả đề tài là BS trẻ. Trong đó, đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp trong vòng 4 - 5 giờ đầu bằng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch Alteplase”, đang được đăng ký cấp thành phố, được đưa vào nghiên cứu, giá trị thực tiễn cao; công trình của các tác giả TS.BS Lê Đức Nhân, BS Võ Duy Trinh, BS Nguyễn Tường Minh… có sự tham gia của các BS trẻ như Hoàng Hữu Hiếu, Nguyễn Tấn Hùng.

Công trình trọng điểm của Đà Nẵng trong 2015 là xây dựng Trung tâm Tim mạch, vì có bước phát triển vượt bậc của lĩnh vực tim mạch tại BV Đà Nẵng. Năm 2014, các BS trẻ Hoàng Huy Liêm, Nguyễn Đình Giang vừa ra trường là BV cử đi học để phát triển lĩnh vực thăm dò điện sinh lý tim. Theo BS Hà, trước, những bệnh nhân rối loạn nhịp tim (ngoại tâm thu thất, cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất…), sau khi điều trị ổn định, phải chuyển bệnh nhân ra Huế; nay thì BV Đà Nẵng đã có khả năng điều trị tốt căn bệnh này rồi.

Những hạt giống ươm mầm từ chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực y tế đã lần lượt cho những mùa vàng bội thu.

 

“Trong ngành y thì người trẻ hay người già đều có những lợi thế riêng. Già có kinh nghiệm về lâm sàng, trẻ có kiến thức, lý thuyết mới y học chứng cứ được cập nhật nhanh chóng qua công nghệ thông tin.

Thầy thuốc già, con hát trẻ. Từ lâu, người dân cứ thấy thầy thuốc có tuổi tác một chút là họ tin tưởng hơn. Giờ đây nhiều BS trẻ khi tiếp xúc với bệnh nhân, đã giải thích một cách cặn kẽ, chu đáo về bệnh tình của họ; điều đó đã thể hiện kiến thức của BS và khiến cho bệnh nhân tin tưởng. Đến nay, khi xã hội đánh giá về ngành y, có nhiều cách chứ không đơn thuần là già hay trẻ”.

TS, BS Trần Thị Hoàng, Phó trưởng khoa Nhi, BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng

VĂN THÀNH LÊ

.