Qua 16 tháng nỗ lực thi công suốt ngày đêm, công trình nút giao thông ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng - Cầu vượt nút giao thông 3 tầng lớn nhất ở Việt Nam hiện nay được khánh thành vào ngày 29-3-2015 để đưa vào sử dụng.
Trung Nam Group là đơn vị chủ dự án đã đạt nhiều kỷ lục và bài học kinh nghiệm quý về quản lý dự án, tổ chức thi công; năng lực ứng dụng công nghệ mới để cầu vượt ngã ba Huế trở thành điểm nhấn kiến trúc đặc sắc; bảo đảm về chất lượng và đẹp về thẩm mỹ...
Hoàn thiện thi công công trình cầu vượt ngã ba Huế trước ngày khánh thành đưa vào sử dụng (29-3-2015).Ảnh: T.T |
Ấn tượng về tiến độ thi công
Công trình nút giao thông ngã ba Huế được xây dựng tại khu vực ngã ba Huế trước đây là đầu mối giao thông quan trọng, giao cắt đồng mức giữa quốc lộ 1A với trục đường chính Điện Biên Phủ dẫn vào trung tâm thành phố Đà Nẵng và đường sắt Bắc Nam. Đây vốn là điểm đen về trật tự an toàn giao thông khi nơi này thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Nơi đây có số vụ tai nạn giao thông chiếm trên 30% tổng số vụ TNGT ở thành phố Đà Nẵng mỗi năm.
Dự án xây dựng nút giao thông ngã ba Huế được khởi công vào ngày 28-3-2013, có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm nhà đầu tư dự án theo hình thức BT (Đầu tư- Chuyển giao). Với quy mô xây dựng vĩnh cửu và thiết kế hiện đại, công trình cầu vượt nút giao thông ngã ba Huế có tổng chiều dài hơn 2,5km, gồm có 50 nhịp cầu, cống hộp và tường chắn đường dẫn đầu cầu. Thiết kế thi công có 491 cọc khoan nhồi (đường kính 1m, 1,2m, 2m); 57 trụ và mố cầu, 1 trụ tháp cao 65m, hệ dây văng 2 mặt phẳng, vòng xuyến có đường kính rộng 150m...
Với thiết kế này công trình và vốn đầu tư đã vượt qua một số công trình cầu đã được xây dựng trước đó như cầu Rồng (tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng), cầu Trần Thị Lý (tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng). Đặc biệt, dù thi công trên cạn nhưng công trình có tính phức tạp riêng bởi việc thi công vừa bảo đảm giao thông cho cả đường bộ và đường sắt, di dời công trình ngầm, nổi và đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư 450 hộ dân. Trong không gian mặt bằng thi công chật hẹp, nhà đầu tư và các đơn vị thi công luôn phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế thay đổi biện pháp thi công cho phù hợp...
Chạy đua với thời gian để đẩy nhanh tiến độ, thi công liên tục 3 ca kể cả những ngày nghỉ lễ, Tết nên thời gian thi công dự án nút giao thông ngã ba Huế đạt mốc thời gian chưa tới 1/2 so với thời gian thi công cầu Rồng (44 tháng) và cầu Trần Thị Lý (36 tháng). Mặc dù tiến độ thi công thần tốc nhưng chất lượng và yếu tố kỹ, mỹ thuật công trình vẫn bảo đảm, được các bộ, cơ quan chuyên ngành của Trung ương đến kiểm tra đánh giá công trình có chất lượng, tiến độ, kiến trúc và cần được nhân rộng để áp dụng cho các dự án cũng như các thành phố lớn khác trong cả nước.
Năng lực thi công phát huy cao độ
Công trình nút giao thông ngã ba Huế là công trình “không ngủ” khi các đơn vị tham gia thi công đã huy động 480.000 lượt công nhân lao động, kỹ sư, cán bộ quản lý làm việc với 11.520.000 giờ lao động. Đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân của Trung Nam Group và các đơn vị liên danh, liên kết vào những thời điểm cao điểm tập trung lên đến hơn 1.000 người cùng với hàng trăm máy móc thiết bị, phương tiện đã hăng say thi công 24/24 giờ mỗi ngày kể cả những ngày lễ, Tết với tất cả sức trẻ, tâm huyết, sáng tạo và khí thế lao động nhộn nhịp, khẩn trương.
Nhiều giải pháp quản lý và thi công sáng tạo của Trung Nam Group và các đơn vị thi công đã góp phần đẩy nhanh được tiến độ thi công và tăng năng suất lao động khi nhà đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát, thiết kế cùng làm việc tại một trụ sở để phối hợp xử lý công việc 24/24 giờ, thực hiện giao ban tại văn phòng và ngay công trường. Bài toán về chất lượng và tiến độ được giải kịp thời. Trong đó, khâu thực hiện thí điểm kiểm tra chất lượng diễn ra ở ngay công trình khi thí nghiệm hàng trăm thành phần cấp phối bê-tông; khoan đối chứng địa chất tại trụ tháp T6 và kiểm tra tính toán lại giảm được chiều dài cọc đường kính 2m để đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.
Đơn vị thi công cũng sử dụng hệ thống ván khuôn leo cho trụ tháp nhịp dây văng thay ván khuôn truyền thống rút ngắn thời gian thi công từng đốt trụ tháp, thiết kế thân trụ tròn tăng tính mỹ quan và đẩy nhanh được tiến độ thi công... Đặc biệt, biện pháp thi công đã xây dựng kế hoạch thi đua lao động sản xuất để hoàn thành hạng mục thi công cọc khoan nhồi có đường kính 2m và nhất là chiến dịch 20 ngày đêm bắt đầu từ ngày 1-3-2015 đến 20-3-2015 để cơ bản hoàn thành các hạng mục cuối cùng như: thảm nhựa, lát vỉa hè, lắp lan can và điện chiếu sáng, trang trí, trồng cây xanh...
Điểm nhấn kiến trúc tự hào cho người Đà Nẵng
Thiết kế kiến trúc nút giao thông ngã ba Huế lấy nguồn cảm hứng từ hình ảnh Linga và Yoni - một biểu tượng văn hóa của đồng bào Chăm với ý nghĩa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của loài người để làm ý tưởng thiết kế kiến trúc. Trong đó, điểm nhấn kiến trúc của toàn bộ công trình là trụ tháp cao 65m kết hợp với hệ cầu dây văng parabol 2 mặt phẳng nằm giữa vòng xuyến nhằm gợi lên hình ảnh về một cửa ngõ mà ở đó dòng chảy cuộc sống không bao giờ ngơi nghỉ. Đó cũng chính là sự hòa hợp của âm - dương, của thiên thời - địa lợi - nhân hòa để đưa Đà Nẵng lên những tầm cao mới...
Công trình nút giao thông ngã ba Huế được hoàn thành và ý nghĩa hơn khi trở thành công trình Chào mừng 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2015). Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group nói đây là niềm tự hào của công ty và sự tri ân với nhân dân thành phố, đặc biệt với gần 500 hộ dân đã giải tỏa, bàn giao mặt bằng để dự án triển khai đúng tiến độ. Kể từ thời điểm này nút giao thông ngã ba Huế đã xóa điểm đen về tai nạn giao thông.
Dự án hoàn thành cũng mở ra sự phát triển mới của đô thị Đà Nẵng với việc hoàn thiện hạ tầng ở các khu đô thị phía Bắc và kết nối giao thương khắp các quận nội, ngoại thành Đà Nẵng.
Những cột mốc quan trọng của dự án - 28-9-2013: Khởi công dự án. - 26-11-2013: Thi công cọc nhồi đầu tiên C3T9. - 31-1-2014: Đổ bê-tông nhịp đầu tiên T10-T11. - 23-11-2014: Hợp long trụ tháp. - 19-12-2014: Hợp long vòng xuyến cầu tầng 1. - 12-2-2015: Hợp long cầu tầng 2. - 29-3-2015: Khánh thành và đưa công trình vào sử dụng. |
TRIỆU TÙNG