Đà Nẵng cuối tuần

Nét dung dị của phụ nữ Việt Nam trong tranh

07:09, 08/03/2015 (GMT+7)

Hình ảnh phụ nữ được chọn làm nhân vật khá quen thuộc trong tác phẩm hội họa Việt Nam tính từ thời điểm Trường Mỹ thuật Đông dương ra đời năm 1925 cho đến giai đoạn mỹ thuật đương đại ngày nay.

Người bán gạo - tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh.
Người bán gạo - tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh.

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (L’École des Beaux-Arts de l’Indochine), do Victor Tardieu, họa sĩ người Pháp, vận động thành lập và làm hiệu trưởng. Nơi đây đào tạo một thế hệ điêu khắc gia và  họa sĩ có tên tuổi gắn liền với  lịch sử nghệ thuật Việt Nam như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Georges Khánh, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Đỗ Cung, Sĩ Ngọc, Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn… Tác phẩm chọn lọc của các họa sĩ này đã được chọn tham gia những cuộc triển lãm tác phẩm mỹ thuật với quy mô lớn như Triển lãm Mỹ thuật của Trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) năm 1929; Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế tại điện Vincennes (Pháp) năm 1931 và ở phòng trưng bày Salon des Artistes Francais năm 1933 tại Paris; triển lãm tại Rome năm 1932, Cologne năm 1933, tại Milan 1934, tại Bỉ năm 1935 - 1937, tại San Francisco năm 1937, tại Nhật năm 1940...

Mẹ và con - tranh lụa Mai Trung Thứ.
Mẹ và con - tranh lụa Mai Trung Thứ.

Những phong cảnh êm đềm, thơ mộng cùng với dáng dấp đằm thắm với sắc màu nâu đen, cũ kỹ của người phụ nữ Việt  trong bốn bức tranh của Nguyễn Phan Chánh trưng bày tại triển lãm đã gây sự thu hút của giới thưởng ngoạn Pháp tại Paris năm 1931. Và kể từ đó, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được đánh giá là người đầu tiên mang vinh quang về cho tranh lụa Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892 – 1984) là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với họa sĩ Lê Phổ, họa sĩ Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ và nhà điêu khắc Georges Khánh. Các bức họa nổi tiếng của ông thường gắn liền với hình ảnh về thiếu nữ nông thôn cùng với sinh hoạt trong đời sống thường ngày của họ với chất liệu lụa, diễn tả được dáng vẻ mềm mại uyển chuyển và làn da trắng của người phụ nữ ở tuổi thanh xuân. 

Một bức tranh lụa của ông đã có giá bán đắt nhất sàn đấu giá thế giới: Vào tháng 5-2014, trong buổi đấu giá của Christie’s International tại Hồng Kông, bức tranh lụa có tên “La Marchand de Riz” (The Rice Seller - Người bán gạo) vẽ năm 1932 của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã lập kỷ lục khi được bán với giá rất cao. Ông Jean-Francois Hubert, cố vấn của Christie’s về nghệ thuật Việt Nam cho biết bức vẽ do người thợ tên Gardin ở Paris đóng khung và từng được trưng bày ở Napoli năm 1934.

Sau khi được thẩm định, bức vẽ được định giá khoảng 800.000 USD đến 1 triệu USD Hồng Kông. Và mức giá này, bức “Người bán gạo” đã lập kỷ lục tranh của nghệ sĩ Việt bán đấu giá cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, kỷ lục này thuộc về một bức vẽ của họa sĩ Lê Phổ được bán giá cao vào tháng 4-2012.

Thiếu nữ bên hoa huệ - tranh Tô Ngọc Vân.
Thiếu nữ bên hoa huệ - tranh Tô Ngọc Vân.

Lê Phổ, một trong 10 sinh viên ưu tú khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Hình ảnh phụ nữ xuất hiện xuyên suốt trong tác phẩm của ông. Trong cuốn Những tác phẩm hội họa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, nhận xét: “Ở giai đoạn đầu, người phụ nữ trong tranh Lê Phổ thường mỏng manh, e ấp, khuôn mặt trái xoan toát nên sự trang nhã, nhẹ nhàng, duyên dáng. Với tranh lụa, màu sắc nguyên chất và đậm sắc thái tạo nên khung cảnh lãng mạn. Một con thuyền lướt giữa những bông súng, những cô gái hái trái cây, ẩn hiện trong vườn địa đàng, họ thật kiểu cách và được nhớ đến bởi sự duyên dáng, niềm vui của cuộc sống…”.

Họa sĩ Lê Phổ (1907-2001) được nhiều người gọi là “Danh họa Việt Nam trên đất Pháp”. Nhiều người khác còn coi ông là “cây đại thụ” trong làng nghệ thuật vẽ tranh Việt Nam. Có năng khiếu hội họa từ nhỏ, nhưng đến năm 16 tuổi ông mới có cơ hội thể hiện khả năng và đam mê khi tham gia một trường họa ở Hà Nội. Năm 1925 là mốc quan trọng trong đời khi ông gặp họa sĩ, giáo sư người Pháp Victor Tardieu.

Mai Trung Thứ (1906-1980), ông học khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng lứa với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Nguyễn Cao Luyện... Hàng loạt các tác phẩm lụa của Mai Trung Thứ ra đời mà nhân vật trong tác phẩm là những cô gái Huế dịu dàng trong những khung cảnh hữu tình hay dưới những mái nhà cong của khu đền đài lăng tẩm của người Việt.

Tô Ngọc Vân (1906-1954), tác giả bức Thiếu nữ bên hoa huệ  còn có những bút danh Tô Tử, Ái Mỹ. Ông thuộc thế hệ đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi ra trường, Tô Ngọc Vân đã có tác phẩm xuất sắc, được giải thưởng cao ở Pháp. Thông qua kỹ thuật, ông đã cố gắng diễn tả được vẻ đẹp duyên dáng của người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ.

Nguyễn Sáng (1923-1988) là một danh họa của Việt Nam, là  một họa sĩ có tư tưởng, giải quyết vấn đề xã hội lớn lao, gay cấn rất nhuần nhị, lay động với hình họa và màu sắc hiện đại, giản dị mà không khô khan, không sáo rỗng bởi con tim thành thực yêu thương cùng với tài năng biến ảo, đa dạng. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, ông là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam.

Nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của ông thường gắn liền với giai đoạn lịch sử dân tộc như trong bức “Giặc đốt làng tôi” chẳng hạn.

HOÀNG ĐẶNG

.