Đà Nẵng cuối tuần

Quê quán là mẹ, là cha

11:13, 28/03/2015 (GMT+7)

Một hôm tôi nhận được cú điện thoại: … Em là Sáu - em ruột của Huỳnh Quang Mãi - người tù anh nhắc đến trong sách “Những ngày tù ngục”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Xin cảm ơn anh đã viết về anh Ba em. Nếu có dịp gặp anh, em sẽ kể thêm những gì em biết về anh Mãi.

Khi nghe anh em tù yêu nước kể về cái chết oanh liệt đượm chất anh hùng ca của Huỳnh Quang Mãi ở nhà tù Phú Quốc tôi viết bài có tựa đề: "Mổ bụng đấu tranh".Một câu chuyện dài, tôi chỉ nêu lại những nét chính: Ngày 19-5-1971, từ nhà giam tù binh Nước Mặn - Non Nước - Đà Nẵng, chúng còng ba anh em tù binh vào một chùm, tống lên một chiếc GMC, cho xe chạy vào miệng chiếc tàu thủy há mồm của Hải quân Mỹ đậu ở cảng Tiên Sa, tống anh em xuống sàn tàu, cùng trong một phòng kín bưng. Nằm trên sàn tàu, vẫn bị còng, 5 ngày 5 đêm lênh đênh trên biển say mềm, mửa mật xanh, mật vàng.

Khi cập cảng Phú Quốc, sóng mạnh, tàu không vào sát bến được, mấy chiếc xà-lan kè vào sát thành tàu, đẩy anh em tù lên xà-lan chở vào đẩy lên bờ, anh em đói, say sóng trông như những cái xác chết đuối. Vừa lên bờ, gặp ngay mấy tên trật tự bặm trợn đứng đón, chỉ hai con đường trước mặt cho anh em chọn: Ai chiêu hồi, vào trại giam theo quốc gia, cũng bị đánh, nhưng đánh ít; ai không chịu chiêu hồi, bị đánh tới tấp, vào trại giam cộng sản. Một tên trật tự, có lẽ là thủ lĩnh trong bọn đe:

- Đây là Phú Quốc, không phải đất liền. Liệu hồn nghe các con!

Lũ trật tự là những tên du thủ du thực, bị tống vào tù, bọn chủ nhà lao chọn dùng như những đao phủ trị anh em tù chính trị. Nhiệm vụ của chúng là đánh, đánh túi bụi vào anh em tù, không chừa một ai. Đánh từ bến cho đến nơi một chiếc xe đậu, tống anh em lên xe, chở vào khu B11.

Ở phòng số 1 khu B.11, anh em phân công cho Thanh làm trưởng phòng thương binh. Một hôm, trung sĩ Câu gọi Thanh lên giao nhiệm vụ: Chủ trương của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, tất cả tù binh trên đảo phải có số, in trên áo. Anh là trưởng phòng, tôi mời anh lên để thông báo chủ trương của chính phủ, về phổ biến cho anh em chuẩn bị cởi áo tập trung lên cho chúng tôi in số. Biết đây là việc hệ trọng,
Thanh nói:

- Thưa thượng sĩ, tôi xin tiếp thu ý kiến của thượng sĩ về phòng truyền đạt lại cho anh em. Câu đeo lon trung sĩ, song Thanh gọi thượng sĩ cho hắn sướng!

Về phòng, anh em bàn, nếu nộp áo cho chúng in số thì không có lợi, quyết không cho in số trên áo. Thanh lên báo lại tinh thần của anh em thì trung sĩ Câu trợn mắt: Được! Đ. mẹ mày. Để đó tau. Trung sĩ Câu loa gọi Nguyễn Thăng đại diện Khu B11 ra, đồng thời loa gọi Huỳnh Quang Mãi người tù nhỏ nhất cùng ra.

Huỳnh Quang Mãi người xã Thăng Phước, tham gia du kích lúc mới 16 tuổi, người nhỏ như đứa trẻ 14 tuổi, vào tù anh em bày khai thêm hai tuổi đủ 18 tuổi để làm tù binh không thì chúng sẽ giam với thiếu sinh quân rồi sẽ bị đưa ra lính. Chúng bắt ba người là Thanh, Mãi và Thăng đứng một hàng trước phòng của trung sĩ Câu. Câu gọi Thanh bước lại, bảo đưa hai bàn tay úp lên ngang ngực.

Trung sĩ Câu cầm cây thước gỗ lim dài hơn một mét quất bốp bốp năm cái liên tiếp lên mu bàn tay Thanh, bảo ngửa bàn tay ra, hắn quất năm cái liên tiếp. Máu mu bàn tay Thanh chảy tràn, rơi xuống đất. Sau Thanh, đến lượt Thăng cũng bị quất làm hai bàn tay văng máu, cũng không chịu cởi áo để in số. Trung sĩ Câu gọi Huỳnh Quang Mãi lại bảo cởi áo ra in số.

Mãi nhìn Thanh, Thanh nháy mắt, ý nói không cởi áo, rồi nhìn Thăng cũng nháy mắt như Thanh. Huỳnh Quang Mãi cởi áo đưa cho trung sĩ Câu. Trung sĩ Câu bảo mấy tên trật tự in số trên lưng áo của Huỳnh Quang Mãi. Khi trung sĩ Câu đưa áo lại bảo mặc vào, Huỳnh Quang Mãi cầm cái áo, nhìn con số 6675 trên lưng áo, đưa mắt nhìn Thanh, Thanh nháy mắt, ý nói là không mặc. Huỳnh Quang Mãi cầm cái áo do dự thì trung sĩ Câu nạt: Mặc áo vô mày! Huỳnh Quang Mãi cầm cái áo nhìn Thanh, rồi nhìn sang Thăng, Thanh lại nháy mắt.

Trung sĩ Câu trợn mắt: Đ. mẹ, mặc vô mày!

Huỳnh Quang Mãi nhìn Thanh rồi giận dữ xé toạc cái áo, vò vò rồi ném vào mặt trung sĩ Câu. Lập tức, lính của trung sĩ Câu ập vô còng tay Mãi đưa đi. Lúc đó vào khoảng 2 giờ chiều 27-5-1971. Chúng tống Mãi vào chuồng cọp rồi thay nhau đá, đạp, làm cho Huỳnh Quang Mãi sưng bóng đái chết trong phòng giam. Ngày hôm sau, 28-5, toàn khu B11 nổ ra cuộc đấu tranh tuyệt thực. Cuộc đấu tranh kéo dài được 7 ngày thì thức uống dự trữ cầm hơi đã hết, sức lực anh em gần cạn kiệt. Đảng ủy nhà lao bàn nếu tiếp tục đấu tranh bằng tuyệt thực thì sợ nhiều anh em gục mà không đạt yêu cầu. Cuối cùng đi đến quyết định mổ bụng tập thể…

Sau mùa Xuân năm 1975, cứ mỗi lần kỷ niệm ngày quê hương giải phóng, anh em bạn tù tổ chức gặp mặt vẫn luôn hỏi thăm về người em út chết bằng hành động anh hùng của Huỳnh Quang Mãi ngoài đảo Phú Quốc xa khơi. Nhưng không ai biết gì thêm sau cái chết, chưa biết cha mẹ xóm làng Mãi ở đâu.

Tôi đi Việt An, huyện Hiệp Đức tìm gặp Sáu.

Ở chợ Việt An, nhiều người biết Sáu với biệt danh nổi tiếng Sáu Xe, hiện là Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Việt An. Ngoài việc của chi bộ, việc của thôn, Sáu giúp một tay với vợ phục vụ quán cơm để nuôi hai con trai ăn học. Sở dĩ có biệt danh này là lúc nhỏ Sáu hoang trật trời. Thấy người ta để chiếc Honda thì thót lên, cài số, rồ ga, chạy. Một hôm Sáu cho Honda chạy xuống Dốc Tranh, chạy nhanh quá, không biết hãm phanh thế là Sáu la làng cho đến lúc chiếc Honda mang Sáu xuống ruộng bùn dưới chân Dốc Tranh. Từ ấy, dân chợ Việt An tặng cho Sáu biệt danh Sáu Xe.  

Nhìn Sáu - một trung niên tầm thước, đầu tóc hớt ca-rê trông chắc nịch, tôi hình dung ra bóng hình Huỳnh Quang Mãi qua lời kể của bạn tù của Mãi. Sáu kể: Khi ở trong tù, anh Mãi nói với bạn tù anh có người em tên là Huỳnh Quang Chung. Vì vậy, sau ngày 30-4-1975, một số anh em ở đảo về  cùng nhau đến Thăng Phước tìm người thân của anh Mãi để kể cho người thân nghe về cái chết oanh liệt của anh Mãi và nơi đồng đội đã chôn anh Mãi. Nguyên xã Thăng Phước thuộc huyện Thăng Bình, thời đánh Mỹ thuộc huyện Quế Tiên, sau hòa bình một thời gian là huyện Hiệp Đức. Về Quế Tiên, anh em bạn tù hỏi Huỳnh Quang Chung thì không ai biết, huyện, xã cũng không thấy ai có tên Huỳnh Quang Chung.

Tôi hỏi sao Sáu lại có tên Nuôi? Sáu mỉm cười, rớm nước mắt: Khi anh Ba bị bắt biệt tăm thì chị Bốn rồi anh Năm chết, rồi cha chết, rồi mẹ chết. Tất cả đều vì bom đạn Mỹ. Bấy giờ em được 5 tuổi - em sinh năm 1965. Thế là ông nội dẫn em cho bà Sáu Có. Để không ai làm rầy rà sau này, ông nội viết cái giấy cho bà Sáu Có. Nội dung rất đơn giản: Tôi là Huỳnh Quang Đó, cho bà Lý Thị Có cháu nội của tôi tên là Huỳnh Sáu.

Tôi viết giấy này để bà Có yên tâm nuôi cháu của tôi như con của bà không ai có quyền can thiệp. Nhận em thì mẹ nuôi đặt tên khai sinh của em là Huỳnh Minh Nuôi để có điều kiện cho em đi học. Sau ngày giải phóng năm 1975, bấy giờ em đã mười một tuổi thì mẹ nuôi mới nói về lai lịch của em, mẹ lục trong rương lấy đưa cái giấy của ông nội cho em xem. Từ cái giấy của ông nội, em biết quê quán là làng Phú Toản, xã Thăng Phước, huyện Thăng Bình.

Em xin mẹ nuôi cho về quê tìm người thân thì mẹ nuôi nói người thân của em người hy sinh, người chết còn ai đâu về tìm. Nhưng rồi mẹ nuôi cũng để em đi. Từ chợ Việt An vào đến Phú Toản hơn 16 cây số. Ngày ấy đường đất còn hục hang, lên đồi, lội suối, cỏ gai, vậy mà em một mình chân đất lội bộ về tìm quê chôn nhau, tìm người thân. Em hỏi thì người trong làng nói với nhau, đúng là cháu ông Đó thì là con của ông Huỳnh Quang Đức và bà Trần Thị Chè. Như vậy, em còn người chú ruột và cô ruột.

Lúc đầu cô chú chưa dám tin cha mẹ em còn đứa con trai. Cô chú hỏi em còn nhớ gì về cha mẹ, anh em, thì em nhắc tên người nọ, người kia thế là cô chú tin. Cô chú, bà con rất mừng, nói rằng, từ nay ông Đức, bà Chè có người lo thờ tự, cúng giỗ. Một điều may mắn và vui là khi anh Nguyễn Mậu Kha - một bạn tù của anh Mãi sau ngày hòa bình làm Trưởng phòng Thương binh huyện Quế Sơn tìm gặp em và cho em biết anh đã làm Liệt sĩ cho anh Mãi và giao bằng Liệt sĩ Huỳnh Quang Mãi cho em thờ.

Qua các bạn tù người Thăng Bình, Quế Sơn của Huỳnh Quang Mãi, ngày 6-10-1978, ông Lâm Sơn Ca, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình ký giấy chứng nhận Liệt sĩ và gia đình Liệt sĩ cho Huỳnh Quang Mãi, nguyên quán xã Thăng Phước, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Bằng Liệt sĩ có quyết định số 559, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký ngày 30-7-1979, ghi: Huỳnh Quang Mãi tham gia công tác cách mạng tháng 10-1964, là cán bộ Giao bưu Huyện ủy Thăng Bình. Hy sinh tại nhà lao Phú Quốc ngày 15-8-1971.

 Em thờ anh Mãi vậy là tốt rồi. Tôi hỏi: Vậy em lấy ngày nào giỗ cho anh Ba?

 Theo các anh bạn tù của anh Ba thì anh Ba hy sinh trong đợt đấu tranh quyết liệt diễn ra từ ngày 27-5-1971. Nhưng cha mẹ, anh chị đều không còn nên em lấy ngày mất của cha làm ngày giỗ chung cho cha, mẹ, anh, chị.

- Làm sao em biết ngày cha chết mà làm giỗ?

- Theo cô, chú và các vị cán bộ cách mạng của xã Thăng Phước thì: Hôm ấy là Rằm tháng mười, mẹ em cúng Rằm, mang đồ cúng vào khe cho cha và các đồng chí của cha cùng chống càn trong khe. Mẹ không ngờ bọn giặc bám theo chân mẹ, phát hiện ra chỗ cha ẩn núp báo cho lính vào bao vây bắn chết cha và một số đồng chí của cha.

Tâm nguyện của Huỳnh Minh Nuôi và vợ là Mai Thị Nga quê xã Bình Triều là lo làm ăn dành tiền ra Phú Quốc thắp cho anh Mãi nén hương. Tháng Ba này - 2015, gặp lại, Sáu Xe thật vui, nói với tôi: Tròn năm mươi tuổi, em vừa hoàn chỉnh lý lịch gia đình và có ngôi nhà khang trang. Cha mẹ đẻ và mẹ nuôi đều là những bậc sinh thành, em vô cùng biết ơn và thờ phụng. Và, Thăng Bình, Quế Tiên hay Hiệp Đức đều là quê hương thân yêu của gia đình em.

HỒ DUY LỆ

.