Chuyên đề
Xóm tản cư Phước Mỹ
Xóm tản cư Phước Mỹ, còn gọi là Mỹ Khê (phía bắc đường Nguyễn Công Trứ) nay thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà đã trở thành nhân chứng lịch sử về một góc Đà Nẵng đau thương mà hào hùng.
Kỷ niệm 40 năm ngày quê hương giải phóng, chúng tôi tìm về những người một thời rời quê ra đây sinh sống. Đều đã qua tuổi 60, nhưng kỷ niệm về Phước Mỹ với họ vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua.
Các ông Hồ Công Nghĩa, Nguyễn Thanh Giã, Lê Hồng Sinh (từ trái qua) kể chuyện xóm tản cư. |
Theo ông Hồ Công Nghĩa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điện Dương đã nghỉ hưu thì xóm tản cư Phước Mỹ hầu hết là người dân xã Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam), trước đây còn có tên gọi là Cẩm Hải. Năm 1965, sau khi xã vùng lên phá kềm, Mỹ ngụy tăng cường đàn áp. Chúng bắn pháo 75 mm ra biển làm chết nhiều ngư dân. Trên bờ chúng thường xuyên đi bố ráp, bắt bớ.
Một số bà con bắt đầu di cư ra Mỹ Khê, dựng tạm nhà bên những mảnh đất trống xung quanh khu nghĩa địa sinh sống. Đàn ông làm biển hay bốc vác ở cảng, đàn bà buôn lặt vặt như bán chuối, bán cá, hay đi lên núi Sơn Trà chặt củi bán. Đến năm 1967, đặc biệt là năm 1968, lính Đại Hàn thảm sát người dân ở các làng Hà Quảng và Hà My khiến hàng trăm người chết, nhà cửa chúng đốt hết, nhiều gia đình tham gia kháng chiến bị đày đọa.
Âm mưu của chúng là biến Điện Dương thành vùng trắng, nhân dân bỏ làng mà đi để không còn tiếp tế du kích. Xóm tản cư ở Mỹ Khê lúc này lên đến hơn 100 nóc nhà. Người đi sau dựa vào người đi trước tạm trú một thời gian rồi ra ở riêng. Mỗi nhà chừng 20-30m2, chủ yếu che bằng tôn hoặc bằng giấy dầu còn gọi là cạc-tông không thấm nước của Mỹ. Đời sống bà con cực khổ trăm bề.
Xóm tản cư chịu sự quản lý của ấp trưởng và liên gia. Sau 9 giờ tối, ai ở nhà nấy không được qua lại. Nhà nào cũng bắt treo cờ ba que, sơn hàng chữ “Gia đình tôi không theo Cộng sản”. Chúng tăng cường bắt lính, lùa thanh-thiếu niên vào dân vệ, nghĩa quân. Những năm sau này, lực lượng hội đồng lưu vong Điện Dương từ Hội An ra liên tục bắt bớ, hăm dọa những gia đình có thân nhân đi tập kết ra Bắc hoặc tham gia bộ đội, du kích. Năm 1968, sau phong trào Mậu Thân, chúng bắt hơn 50 người của xóm, nhiều người bị tra tấn đến chết.
Sống giữa vòng vây quân thù, nhưng người Điện Dương luôn kiên trung, giữ vững ý chí chiến đấu, làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên. Đảng bộ xã Điện Dương cử cán bộ thường xuyên chỉ đạo hoạt động của xóm tản cư. Phong trào cách mạng nơi đây dần dần mạnh lên.
Đánh sòng bạc của ngụy tại quận 3 năm 1968; đánh vào nhà tên phó an ninh quận 3 năm 1972, làm hai tên bị thương là hai trận tiêu biểu của xóm tản cư. Bà con liên tục tiếp tế gạo về nuôi bộ đội, du kích. Nhiều con em được đưa về quê tham gia cách mạng bằng ghe của các ông Hồ Thanh, Nguyễn Khen, Nguyễn Nhường, Phùng Xạ…
Điện Dương được Đặc khu ủy Quảng Đà tặng cờ xuất sắc đưa thanh niên từ vùng địch về hoạt động đông nhất. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, lực lượng này tiếp tục tăng, Đại đội 2 Điện Bàn chiếm phần lớn là người tản cư Điện Dương, trong đó ông Trần Cây làm đại đội trưởng. Số thanh niên còn lại, chưa có điều kiện “nhảy núi” thì tìm cách trốn lính. Nhiều nhà đào công sự ngay trong buồng nấp trốn, hoặc lo lót cho các liên gia khỏi bị đi quân dịch. Một số anh không may bị bắt thì tìm cách trốn về hoặc tự sát thương để không ra trận.
Người dân hiện nay vẫn còn nhắc đến tấm gương trung kiên của ông Nguyễn Khương dùng ghe của mình chở đến 10 thanh niên, trong đó có con trai ông về tham gia du kích. Chúng thấy vắng, bắt cả gia đình ông lên Ty Gia Long tra tấn. Gia đình ông Hồ Thanh cùng con trai là Hồ Công Nghĩa giấu thuốc nổ trong nhà hay ông Trần Lễ trực tiếp ném lựu đạn vào nhà tên phó an ninh quận bị chúng bắt giam, đánh đập dã man vẫn một mực không khai, bảo toàn cơ sở cách mạng.
Ông Nguyễn Thanh Giã, nay là Bí thư chi bộ Quảng Gia, xã Điện Dương cho biết: “Mẹ tôi vừa mới đưa anh Giòn về quê không bao lâu thì anh hy sinh. Đau đớn vô cùng, mẹ vục vô đống tro mắt sưng mấy ngày nhằm đánh lạc hướng bọn liên gia”. Còn ông Lê Hồng Sinh ở thôn Hà My Trung thì nói: “Mẹ tôi, bà Cù Thị Vui có đến 4 em trai hy sinh ở quê. Mỗi lần có người của mình đến báo tin, cả mẹ và bà ngoại chỉ dám ôm khóc thổn thức ở trong buồng, giữ bề ngoài bình thản, tiếp tục đi buôn bán để bọn chúng khỏi theo dõi”.
Tháng 3 năm 1975, hòa trong khí thế cách mạng, xóm tản cư Phước Mỹ đã vùng lên tự giải phóng mình. Bà con bắt trói những tên ác ôn, hội đồng lưu vong, bọn tàn quân chạy ra biển. Đảng ủy xã phân công cán bộ ra giúp bà con về quê cũ; tận thu xe chiến lợi phẩm và huy động anh em biết lái xe đưa các gia đình chính sách, neo đơn về quê trước. Giữa năm 1975, thì hầu hết 100 hộ đã trở về quê cũ, ổn định cuộc sống.
Tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND phường Phước Mỹ, có nhiều khách mời là người dân tản cư Điện Dương. Các đồng chí lãnh đạo ở đây nói rằng, xóm tản cư đã đóng góp lớn cho phong trào cách mạng của phường Phước Mỹ và cả thành phố Đà Nẵng.
HÀ MY