Sau một năm nghiên cứu, khảo sát, hai học sinh Nguyễn Tiến Dũng (lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) và Lê Nhật Hưng (lớp 12, Trường THPT Trần Phú) đã thực hiện đề tài “Hệ thống đèn tín hiệu giao thông: Thông minh, thân thiện với môi trường”, nhằm góp phần giải quyết các vấn nạn giao thông ở đô thị hiện nay.
Lê Nhật Hưng (trái) và Nguyễn Tiến Dũng bên mô hình “Hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh, thân thiện với môi trường”. Ảnh: N.Đ |
Công sức của Dũng và Hưng không uổng phí khi đề tài đoạt giải nhì tại cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia (khu vực phía Nam) do Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp giữa tháng 3 vừa qua.
Tiết lộ về ý tưởng khi bắt tay vào nghiên cứu đề tài, Nguyễn Tiến Dũng cho biết, qua thông tin trên báo, đài, hằng năm trên cả nước có hàng chục nghìn người tử vong do tai nạn giao thông. Còn thực tế ở các giao lộ giờ cao điểm thường xảy ra kẹt xe, khiến các phương tiện ưu tiên như xe cứu thương, xe chữa cháy… khó lưu thông trên đường.
Từ ý tưởng ban đầu, Dũng và Hưng đã mạnh dạn trình bày cũng như nhờ thầy giáo của mình phác thảo ý tưởng đề tài xây dựng mô hình hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh. Theo thiết kế, mô hình hệ thống tín hiệu đèn giao thông thông minh bao gồm: hệ thống các bóng đèn, camera, hệ thống cảm biến, tia laser và một số thiết bị hấp thụ ánh sáng mặt trời. Hệ thống này được nối trực tiếp với Trung tâm Điều hành tín hiệu đèn giao thông. Toàn bộ hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời và các thiết bị tiết kiệm điện. Những ngày trời mưa, hoặc năng lượng mặt trời không đủ thì hệ thống tự động chuyển sang sử dụng điện lưới.
Khi phát hiện phương tiện vượt đèn đỏ, đi lấn làn, đi ngược chiều, camera ghi hình lại, phân tích, xử lý hình ảnh truyền về trung tâm để “phạt nguội”. Khi xảy ra kẹt xe ở ngã tư đèn đỏ, camera có trách nhiệm quan sát và thông báo cho lực lượng chức năng biết có xe ưu tiên để điều tiết giao thông, nhường đường cho xe ưu tiên. Các trụ đèn tín hiệu giao thông được cài “giọng nói” bằng tiếng Anh, tiếng Việt để hướng dẫn, nhắc nhở người đi đường. Khi điện thoại hết pin, người đi đường có thể kết nối với cổng USB ở trụ đèn để sạc hoặc người nước ngoài kết nối điện thoại với hệ thống để in bản đồ đi đường.
Theo Dũng và Hưng tính toán, nếu áp dụng mô hình này vào thực tế tại một ngã tư trên địa bàn Đà Nẵng, kinh phí không đến 100 triệu đồng cho 4 trụ đèn tín hiệu giao thông.
“Bọn em rất mong muốn trong tương lai không xa, đề tài này được ứng dụng vào thực tiễn. Do nhiều địa phương trên cả nước hiện nay, đặc biệt là những vùng miền núi, đang thiếu hụt điện trầm trọng nên chúng em thiết kế mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để tiết kiệm nguồn điện lưới quốc gia, góp phần nhỏ trong việc bảo vệ môi trường”, Dũng bày tỏ.
Tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam, có 180 đề tài thuộc 14 lĩnh vực của học sinh phổ thông đến từ 31 tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, học sinh tham gia cuộc thi này đoạt từ giải ba trở lên sẽ được bảo lưu trong cả cấp học và được tuyển thẳng vào ĐH sau khi tốt nghiệp THPT. |
NGỌC ĐOAN