Đà Nẵng cuối tuần

Nếu một ngày không có Internet...

08:53, 30/05/2015 (GMT+7)

Một ngày không có Internet, ngồi vào bàn làm việc, bật máy tính lên, ta tưởng máy tính hôm nay bị hỏng, hay cả thành phố đồng loạt… cúp điện.

Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

Thư điện tử, mạng xã hội, các trang thông tin... không động đậy, chỉ còn ta chơ vơ trước tấm bàn phím câm lặng, vô hồn. Ta thực sự cảm thấy bó tay vì chẳng biết từ bao giờ, con người nói chung, dĩ nhiên trong đó có ta, đã quá quen với việc “nhích” tay đâu, “nhấp” tay đâu là thứ thông tin mong muốn lại có đó. Mọi thứ ngưng kết nối, ta cảm thấy hụt hẫng, thiếu công cụ một cách trầm trọng để làm việc và thậm chí để… sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Ta chẳng biết ngày xưa, cái ngày chưa có Internet ấy, chúng ta bằng cách nào vẫn làm việc được và sống được bình thường. Ngồi dò dẫm từng con chữ trong sách, báo, tài liệu để kiếm thông tin ư? Đợi hằng giờ, hằng ngày, thậm chí hằng tuần hay nhiều tháng chỉ để lấy được nguồn tin tức hoặc kết quả nào đó ư? Chỉ mới tưởng tượng đến đó, ta đã cảm thấy quá nể phục ngày xưa ở sự vô cùng kiên nhẫn. Internet xuất hiện và ta bắt đầu biết thế nào là bùng nổ và tiện lợi về mặt thông tin. Không cần phép thuật cao siêu mới gọi được câu thần chú “Vừng ơi, mở ra!”. Internet trở thành “chiếc gậy” thần kỳ cho ta mở xuyên nhiều “cánh cửa”.

Một ngày không có Internet, chắc sau bức tường yên ắng của mỗi ngôi nhà là cảnh trò chuyện ríu rít giữa những người chồng với vợ và giữa những đứa con với cha mẹ? Ta có quyền đoán vậy nhờ… suy ngược từ thời đại của Internet.

Điện thoại thông minh, máy tính thông minh xuất hiện, kéo theo đó là lối sống của con người trở nên “thông minh” hơn. Ngôn ngữ nói ra từ miệng vốn dĩ là phương tiện trao đổi thông tin cơ bản, lâu đời và nguyên sơ nhất của nhân loại. Vậy mà từ hồi bước vào thời đại “thông minh”, chúng ta nhận ra, nói bằng miệng là… không cần thiết. Chỉ cần lên mạng, cái gì mà không thể nói cho thỏa, thậm chí la hét, chửi bới những ai, những gì tưởng không thể thốt lên bằng lời. Và dĩ nhiên, chỉ cần lên mạng, ta biết mọi người xung quanh đang nói, đang nghĩ và cả những gì họ… sắp nghĩ.

Ngày xưa, chàng và nàng mơ về ngôi nhà tíu tít tiếng nói cười, đêm đêm thầm thì tâm sự chuyện buồn vui. Cưới về, họ hứa với lòng dù bận rộn đến mấy, vẫn phải dành mỗi tuần một buổi cùng nhau lang thang cà-phê để hâm nóng tình cảm. Kịch bản sẽ chẳng có gì thay đổi nếu không có thiết bị “thông minh” xen vào. Chàng bỗng dưng thích “ôm” facebook hơn ôm vợ, và nàng cũng nghiện trang hoàng cho “ngôi nhà ảo” hơn là say mê với ngôi nhà thực. Từ khi nào không hay, họ không buồn nói chuyện trực tiếp với nhau nữa. Có khi, lời nói đã “trượt” ra tới tận đầu lưỡi mà một trong hai người vẫn nuốt ngược vào trong vì khả năng ngôn ngữ bỗng bay đi đâu mất.

Còn những đứa trẻ. Không có Internet, chắn hẳn chúng sẽ chạy ào vào bếp hỏi mẹ hôm nay nấu món gì, cách chế biến món đó ra sao. Bình thường, với Internet, những đứa bé còn cần gì hỏi mẹ. Vào mạng, cái gì mà chúng không tìm ra!

Ngày xưa, cái ngày không có Internet ấy, những người mẹ phải trăn trở tìm mọi cách để biết đứa con tuổi dậy thì của mình đang nghĩ gì. Đôi khi, họ phải làm cái việc “tày đình” là đọc trộm nhật ký của con. Giờ đây, muốn biết về con, mẹ chỉ cần lập một “nick” thật hay giả để “chat” hoặc “comment” hay để “like” với con là xong tất. Mẹ và con, hai người bình đẳng trên thế giới mạng rộng lớn.

Ngay cả giữa mẹ chồng-nàng dâu vốn có nhiều điều tế nhị, thầm kín cũng có thể “choảng” nhau công khai, tơi bời trên mạng.

Một ngày không có Internet, bố sẽ trở lại thói quen đọc báo giấy bên bậu cửa ngập nắng. Mỗi sáng, sau giờ tập thể dục, tắm gội sạch sẽ, bố với tay lấy tờ báo mới tinh trên bàn và ngồi bên cửa sổ lặng im lật từng trang báo. Hình ảnh đó bình yên đến lạ. Với lứa tuổi nào có thể dễ bị Internet tấn công làm thay đổi thói quen, nhưng với bố, người đàn ông tóc bạc, gần qua tuổi 70, chắn chắn là không… Thực tế là: Ta đã đoán sai bét!

Bố bỏ chiếc điện thoại quê mùa chỉ làm được mỗi chức năng gọi điện, nhắn tin và bắt đầu sắm liên tục iphone rồi ipad. Bố “cắt” đặt báo giấy và thay đổi giờ sinh hoạt. Thông thường, hết chương trình thời sự buổi tối là bố đi ngủ để lấy sức sớm mai dậy tập thể dục. Ấy vậy mà từ hôm có ipad, bố đi ngủ muộn hơn cả mấy đứa cháu nội. Có khi đêm khuya còn nghe tiếng động vui vẻ tưng bừng từ clip bố đang xem. Mẹ cằn nhằn: “Làm như bọn teen”. Bố khề khà: “Niềm vui tuổi già, mà chừ ai không rứa!”. Bố còn có facebook và không hề lạc hậu trước những thông tin nóng hổi của làng giải trí như diễn viên A mắc bệnh, ca sĩ B ly hôn.

Một ngày không có internet, ta sẽ ngồi thừ trong thư viện trố mắt tìm cho ra cuốn sách mình cần, rồi tiếc hùi hụi vì ai đó đã nhanh tay mượn trước. Có khi lăn lê trong thư viện chỉ để hít cái mùi tỏa ra từ những trang giấy cũ qua nhiều tay người đọc, và vuốt ve lên từng bìa sách. Có khi ta ghé nhà sách, tự thưởng một buổi giải trí… xa xỉ về thời gian, thay vì lướt nhanh, xem vội siêu thị sách trực tuyến với hàng vạn đầu sách “mở cửa” xuyên ngày thâu đêm.

Lũ học trò thì sao nhỉ? Chúng sẽ về với ngày xưa quăng mẩu giấy vào hộc bàn “tám” chuyện; sẽ chạy ào qua nhà mấy nhỏ hỏi bài thi, vương vấn trang thư rưng rưng màu mực tím và ngượng ngùng khi bị phát hiện chớm yêu…

“Nếu” chừng đó đã thấy nhiều thứ thực sự thay đổi đến lạ lùng và chóng mặt cùng với Internet. Theo số liệu vừa công bố của Wearesocial, một tổ chức có trụ sở tại nước Anh, làm công việc nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội, Việt Nam hiện có 39,8 triệu người dùng Internet, chiếm 44% tổng dân số và tăng 10% so với năm trước. Mỗi ngày, người Việt trung bình dùng 5 giờ 10 phút để lướt web trên máy tính và 2 giờ 41 phút truy cập Internet trên điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả sự thay đổi của những con số, đó là Internet đã có thể “lèo lái” cách chúng ta sống, làm việc, yêu thương và thể hiện cảm xúc. Đây có lẽ là thay đổi lớn nhất về “quyền năng” của một thứ vốn chỉ là công cụ đơn thuần.

HƯỚNG DƯƠNG

.