Đà Nẵng cuối tuần

Kinh tế Trung Quốc: Quyết thoát khỏi than đá

06:46, 28/06/2015 (GMT+7)

Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, Chen Jining nói rằng “Môi trường Trung Quốc đã đi tới giới hạn cuối cùng. Đó là kết quả của nhiều năm phát triển kinh tế”.

Ông Chen khẳng định sẽ có những biện pháp mạnh về cải thiện môi trường trong 5 năm tới đúng như kế hoạch phát triển của chính phủ Trung Quốc đề ra. 90% thành phố của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn về môi trường.

Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn năng lượng bẩn, nhất là than đá.
Kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn năng lượng bẩn, nhất là than đá.

Nguồn nước bị ô nhiễm. Nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn năng lượng bẩn nhất là than đá. Trung Quốc là nước có lượng khí thải CO2 lớn nhất thế giới buộc phải thay đổi trước khi quá muộn.

Một nghiên cứu mới đây của Trường Kinh tế Luân Đôn cho thấy, nếu Trung Quốc quyết tâm thực hiện giảm lượng khí thải như kế hoạch đề ra thì họ sẽ rút ngắn thời gian được 5 năm so với kế hoạch. Đó là vẫn ưu tiên phát triển kinh tế, song đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào than đá.

Các nhà cải cách môi trường nhấn mạnh, muốn giảm lượng khí thải thì than đá là thứ phải loại bỏ đầu tiên. Rất nhiều quốc gia châu Âu gặp khó trong mục tiêu này. Ngay cả các nước thuộc nhóm G7 cũng không dễ dàng thoát khỏi than đá. Ngược lại, Úc là quốc gia kiên định xây dựng nền kinh tế không có nhiên liệu hóa thạch. Trung Quốc liệu có noi gương Úc hay không thể cưỡng nổi than đá?
Trung Quốc đã giảm được 2,9% lượng than đá sử dụng trong năm 2014 nhưng theo báo cáo từ báo Guardian (Anh) thì nước này vẫn sản xuất 3,87 tỷ tấn than đá trong năm qua. Đó là lượng than đá mà tổ chức Greenpeace so sánh là tương đương với xây dựng mới một nhà máy than mỗi tuần.

Giáo sư Aleksandra B, Djurisic chuyên nghiên cứu về năng lượng mặt trời tại Đại học Hồng Kông nói với tờ TIME rằng, lịch sử đang lặp lại. Mỹ đã phải dựa vào than đá để phát triển kinh tế ở thế kỷ 19. Những tiêu chuẩn về môi trường mới được siết chặt sau đó, vào khoảng những năm 1970. Trung Quốc bây giờ cũng giống như châu Âu và Mỹ 50-60 năm trước.

Fergus Green là nhà phân tích chính sách đã góp sức trong bản báo cáo của Trường Kinh tế Luân Đôn lạc quan về sự thay đổi chính sách của Bắc Kinh, chuyển hướng đầu tư từ công nghiệp nặng, sản xuất thép sang đầu tư dịch vụ, công nghệ cao; loại bỏ dần than đá để thay bằng thủy điện, điện gió và năng lượng mặt trời miễn là vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa cải thiện môi trường.

Bằng chứng là bầu không khí ở nhiều nơi, trong đó có thủ đô Bắc Kinh đã bớt ô nhiễm hơn trước. Trung Quốc chuẩn bị đưa ra quy định mới về các loại thuế môi trường, trừng phạt mạnh tay những đơn vị gây ô nhiễm môi trường. Ông Chen muốn đẩy mạnh các biện pháp “xanh hóa” đất nước trong 5 năm tới (2016-2020) trước khi tăng tốc trong 5 năm tiếp theo để đạt mục tiêu giảm lượng khí thải CO2­ sớm hơn 5 năm so với kế hoạch như nhận định của Trường Kinh tế Luân Đôn.

ANH THƯ (Theo TIME)

.