Đà Nẵng cuối tuần
Suối Sông Hương
Với không gian thấm đẫm huyền thoại, nhiều ngọn thác đẹp đến mê hồn, suối Sông Hương ở Khu du lịch sinh thái Ngầm Đôi, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, là suối đẹp nhất Đà Nẵng trong con mắt của nhiều du khách.
Thác Bạch Lan là ngọn thác cuối cùng của suối Sông Hương trước khi đổ ra sông Lỗ Đông. Ảnh: N.H |
Tiểu khu 57 lâm phận thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang có núi Sông Hương. Tiểu khu 56 dưới đó có khu rừng cùng tên giáp ranh với hồ Đồng Nghệ. Những vị cao niên trong vùng cho rằng sở dĩ có núi, rừng mang tên Sông Hương vì có con suối Sông Hương khởi nguồn từ Đông Giang rì rầm đổ xuống thành nhiều ngọn thác. Đến mùa lũ, nước suối tràn cả đôi bờ, lênh láng chảy như một dòng sông. Và cũng theo lối tư duy mộc mạc của dân gian, dòng suối đầu nguồn chảy qua những cánh rừng mọc đầy cây hương, một loại gỗ quý có mùi thơm dịu nhẹ nên từ xa xưa suối đã mang tên rất lạ: Suối Sông Hương.
Nghe đến cái tên suối Sông Hương đã không ít người nhầm tưởng đến dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế. Nhưng khi nghe câu chuyện về một dòng suối quanh năm ngan ngát hương thơm thì trong lòng lâng lâng cảm xúc về con suối xứ Quảng. Dù là đông hay hè, suối Sông Hương vẫn tràn đầy nước. Người ta nói nước ở đây trong vắt, mát lạnh mà không một con suối nào ở Quảng Nam-Đà Nẵng bì được. Mát lạnh đến nỗi không một con ốc đá, hay cá liên nào có thể sống nổi, chỉ duy nhất có loài cá chình quen sống ở vùng nước lạnh mới định cư được.
Từ cánh rừng đầu nguồn, suối chảy qua khu núi đá Bảy Mẫu, đổ từ độ cao 475 mét xuống độ cao 50 mét so với mực nước biển, tạo nên nhiều ghềnh thác đẹp mê hồn gắn liền với những câu chuyện dân gian phảng phất màu sắc liêu trai.
Thác Trinh Nữ xuất phát từ một câu chuyện dân gian. Một cô sơn nữ vì muốn giữ trọn khối tình với người mình yêu đã không ngần ngại gieo mình xuống dòng nước bạc. Cảm động trước sự thủy chung của cô gái, người dân quanh vùng đã đặt tên cho dòng thác là Trinh Nữ. Một điều lạ lùng là, những lúc mực nước xuống thấp, trên một tảng đá lớn nơi lưng chừng thác hiện ra rõ ràng một khuôn mặt thiếu nữ thanh tú. Và mãi đến giờ, thoảng trong tiếng thác ầm ào chừng như có tiếng than van đâu đó của người con gái lụy tình bạc mệnh ngày nào.
Dưới thác Trinh Nữ là thác Thủy Tiên, có nghĩa là “Nàng tiên nước” hay “Nàng tiên nơi Thủy cung”. Gọi vậy không ngoa, bởi thác Thủy Tiên trông như một nàng tiên hiện ra giữa hàng nghìn tia nước long lanh dưới ánh nắng, mảnh mai, mộc mạc mà rực rỡ một dáng vẻ trinh khiết, thùy mị đầy quý phái.
Kế đến là thác Bạch Lan. Tên thác, có người cho là gọi theo loài lan trắng của núi rừng, nhưng số đông cho là gọi tên theo nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan (1935 - 2012), người được mệnh danh là “Giọng ca sầu nữ”. Thác Bạch Lan có ba tầng, suốt ngày vang vọng những thanh âm trầm lắng như giọng ca buồn của người nghệ sĩ tài hoa.
Ông Mạc Như Giác, một cư dân của Phú Túc, nhiều năm trước đã lặn lội ngược xuôi dọc theo ven suối Sông Hương, phát hiện đến hàng chục ngọn thác nhưng chỉ mới đưa vào khai thác ba ngọn nói trên. Đó là ba thác ở nơi hai nhánh suối hợp lại một dòng trước khi đổ vào sông Lỗ Đông.
Dựa trên địa thế, lưu lượng, độ dốc của suối Sông Hương và các con thác, ông Giác đã tự nghiên cứu và xây dựng một nhà máy thủy điện nhỏ có công suất 20kW, điện áp 220V phục vụ cho khu du lịch Ngầm Đôi. Nhiều kỹ sư chuyên ngành điện và những người yêu thích sự sáng tạo đã đến tham quan, khảo sát, xem đây như một “giáo cụ trực quan” để rà soát lại kiến thức của mình.
Ngầm Đôi còn có tên là “Đá nhảy, Đá chồng” theo cách gọi dân gian. Muốn di chuyển phải nhảy từ hòn đá này sang hòn đá khác. Có chỗ đá chồng lên nhau, lắt lẻo, chênh vênh… giữa màu hoa rì đỏ rực mọc ven hai bờ suối. Bắt đầu lối đi xuống là những bậc đá, có nơi nhỏ chỉ vừa đủ hai người qua lại. Đá hai bên lối đi như thể có đôi bàn tay tài tình của người khổng lồ nào đó khéo léo tạo nên muôn hình vạn trạng như trong nghệ thuật sắp đặt. Tùy vào óc tưởng tượng của mỗi người, những tảng đá lớn dọc bờ suối sẽ cho một hình thù lạ mắt. Cả những hoa văn ngẫu nhiên mà nước và gió đã chạm khắc vào đá cũng làm cho cuộc thưởng ngoạn của du khách thêm phần hào hứng.
Khách sẽ hào hứng hơn, khi tham gia dịch vụ mới Trekking dành cho du khách đến Ngầm Đôi ưa thích mạo hiểm, khám phá rừng nguyên sinh và chinh phục độ cao. Đây sẽ là tour leo núi lần đầu tiên có mặt tại Đà Nẵng, kéo dài từ 3 đến 4 giờ cả đi lẫn về. Trong lúc nghỉ chân giữa rừng và thưởng thức bữa ăn nhẹ với thực phẩm tại chỗ gồm cá suối nướng xiên, ốc đá nướng lon, heo mọi nướng xiên, khách có thể lắng lòng nghe khúc hòa tấu thanh âm của những ngọn thác vẳng lại, “nhấm nháp” những câu chuyện dân gian từ người hướng dẫn và thầm cảm ơn tạo hóa đã ban cho suối Sông Hương đẹp đến mê hồn.
NHƯ HẠNH