Đà Nẵng cuối tuần

Hoa sứ bên thềm đá

06:59, 25/07/2015 (GMT+7)

Cứ mỗi lần đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm, bước qua khỏi những bậc tam cấp vào các phòng trưng bày, tôi lại mang một cảm giác thận trọng, nghiêm cẩn như đang bước vào những hành lang ở một thư viện rộng lớn đang trưng bày những pho sách kinh điển dày cộm đan xen dọc lối đi.

Ở mỗi bức tượng, mỗi bức phù điêu, mỗi phiến đá... đều là những câu chuyện dài dằng dặc lịch sử ngàn năm. Thậm chí, có những người bỏ ra cả một đời tìm hiểu mà vẫn chưa lý giải hết bí ẩn từ những pho sách sử nơi đây.

Bởi vậy, một lần nọ, khi đưa nhóm bạn từ xa ghé thăm bảo tàng, nửa chừng tôi bỏ ra ngồi đợi trên ghế đá ngoài khuôn viên. Dưới ánh nắng chiều, lác đác mấy bông hoa sứ màu trắng tinh khiết từ trên những nhành cây rơi rụng... Hoa sứ có một hương thơm quyến rũ dễ chịu, nhưng từ lúc là một cái nụ đến lúc nở hoa chỉ lưu lại trên cành vài ba hôm.

Hồi nhỏ, mỗi lần nhặt được vài bông hoa sứ ở đâu đó trên đường, tôi cũng thường đem về đặt nơi bàn học để hương hoa quyện vào cánh mũi, nhưng thường bị người lớn nhắc nhở cho là nó có mùi hương mê hoặc. Giờ đây, tôi lại băn khoăn định nhặt lấy bông hoa sứ để đưa lên mũi lần nữa xem sao, thì bất chợt một cô gái ngồi chiếc ghế kề bên nhanh chân làm động tác đó. Tôi bật cười nói:

- Cô giành mất bông hoa của tôi rồi!

Cô gái quay lại nhìn tôi trả lời:

- Vẫn còn rất nhiều mà! Tất cả dưới đất là của anh hết đó!

- Nhưng nãy chừ tôi đã chọn bông hoa mà cô vừa nhặt...

Thế là câu chuyện giữa tôi và cô gái trở nên gần gũi và hào hứng. Cô gái hỏi tôi:

- Theo anh nghĩ, việc cây sứ được trồng ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm có mối liên quan gì với nhau?

Tôi thoáng giật mình, nhận ra lâu nay nhiều người vào ra nơi đây, tìm hiểu rất nhiều về các pho tượng, nhưng chắc chẳng mấy ai băn khoăn về ý nghĩa những cây hoa sứ. Tôi trả lời chừng mực:

- Chắc nó là một loài cây đặc trưng của các nước châu Á, mà lại có màu sắc tinh khiết, hương thơm khiến lòng mình thanh thản, yên bình. Tôi cũng thấy nhiều chùa chiền khắp nơi trồng cây hoa sứ.

- Tôi nghĩ nó có chút liên quan, vì ngoài tên hoa sứ, hoa đại, nó còn có tên là hoa Chămpa. Ở Lào, người ta trồng cây hoa này rất nhiều. Nó có ý nghĩa quan trọng trong Ấn Độ giáo, là đại diện cho mùa xuân, cho cuộc sống mới hoặc khởi đầu mới.

Thấy cô gái có vẻ rành rẽ về hoa sứ, về Champa, tôi tò mò thăm hỏi nhiều hơn, thì được biết cô là một sinh viên ngoại ngữ mới tốt nghiệp và đang có nguyện vọng trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Những ngày này cô thường đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm hướng dẫn các nhóm khách có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa địa phương. Cô hẹn tôi, chiều mai, nếu tôi còn trở lại vào cùng giờ tương tự, cô sẽ nhường tôi nhặt lấy bông hoa sứ nhìn thấy đầu tiên, và sẽ kể thêm vài câu chuyện lý thú về bông hoa này, rồi đứng dậy nhập đoàn cùng một nhóm người vừa từ bên trong bước ra.

Câu chuyện diễn ra thật đơn giản, tôi nghĩ cả tôi và cô gái không ai còn nhớ lời hẹn, nên tôi không biết cô ấy có thực sự trở lại vào chiều hôm sau hay không?  Mãi một lần, tìm hiểu thêm những chuyện kể về hoa sứ, tôi tình cờ  biết được điển tích:  

Bông hoa sứ là câu chuyện khắc họa về tình bạn của một cậu bé con nhà nghèo và một chú hươu con lạc mẹ trong rừng. Cậu bé đã giúp hươu con thoát khỏi tay của lão đồ tể và cùng nhau bỏ trốn vào rừng sâu. Vì nhớ mẹ, cậu bé không thể ở mãi với hươu con trong rừng được, cả hai cùng chia tay và hẹn ngày gặp lại. Hươu con vẫn chờ người bạn nhỏ của mình cho đến già nua vẫn chưa một lần cậu bé quay lại.

Cho đến một ngày kia, khi về tìm kiếm nơi chốn xưa - nơi cậu bé nay là một chàng trai trưởng thành đã từng hứa sẽ quay lại tìm hươu, nhưng không thấy hươu đâu, chỉ thấy bên cạnh miệng hang mọc lên một loài cây lạ đang nở đầy hoa. Lúc đó, chàng trai mới nghe câu chuyện, trước đây ngay tại chỗ cây hoa đang nở, có một con hươu già từ đâu không biết, đến ở đó rồi vĩnh viễn nằm lại.

Sau đó, mọc lên loài cây này, lá to giống tai hươu và cành giống sừng hươu. Chàng trai nghe vậy, liền đoán ngay đấy là chú hươu con ngày xưa. Lòng đầy ân hận, anh khấn xin hươu cho mình mang giống cây lạ về quê trồng, và để luôn nhớ tới hươu. Loài cây trổ hoa ấy có cành giống như sừng hươu ấy được gọi là cây hoa đại (còn gọi là hoa sứ).

Từ đó, mỗi lần có dịp ghé vào Bảo tàng Điêu khắc Chăm, tôi có thói quen dành dăm ba phút lặng lẽ ngồi bên ghế đá nhìn ngắm và nhặt những bông hoa sứ rơi rải rác trên thềm. Tôi có niềm mơ ước, biết đâu cô gái ngày xưa ấy bất ngờ từ bên trong chạy ra đùa nghịch đòi lại bông hoa tôi vừa cầm trên tay. Và tôi chợt nhớ, chữ Đại cũng là từ chữ Đợi mà có...

TRẦN TRUNG SÁNG

.