Đà Nẵng cuối tuần

Người có gần 40 sáng chế

07:22, 19/07/2015 (GMT+7)

Ngày 6-11-2009, Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy quốc gia Hoa Kỳ (National Fire Protection Association - NFPA) lần đầu tiên “xé rào” khi kết nạp một người ngoài nước Mỹ là kỹ sư Phan Đình Phương, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng, làm thành viên của mình.

Kỹ sư Phan Đình Phương (trái) trao đổi với cộng sự về kỹ thuật phun nước, phun lửa cho cầu Rồng trước ngày khánh thành cầu. Ảnh: L.G.L
Kỹ sư Phan Đình Phương (trái) trao đổi với cộng sự về kỹ thuật phun nước, phun lửa cho cầu Rồng trước ngày khánh thành cầu. Ảnh: L.G.L

Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1972, ông Phương tham gia bộ đội tại chiến trường Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị quê ông. Sau ngày đất nước thống nhất, ông nhận nhiệm vụ tại Bộ Tư lệnh Phòng không-không quân (Bộ Quốc phòng), phụ trách lĩnh vực xăng dầu máy bay, đúng như chuyên ngành đã học. Năm 1977, ông được điều về làm việc tại Nhà máy Dưỡng khí Đà Nẵng, 8 năm sau chuyển về Kho Xăng dầu Khu vực 5.

Từ máy hút rác đến công nghệ chữa cháy

Chính môi trường làm việc đúng với chuyên ngành tốt nghiệp đã tạo động lực cho ông thỏa chí sáng tạo nên những sáng chế hữu ích cho xã hội: phương pháp ướp tinh bò bằng ni-tơ lỏng; sản xuất chất acetilen để hàn kim loại với giá rẻ; thiết bị thu hồi khí xăng, khí CO2 vào bình,…

Năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ trao Cúp vàng Techmart Vietnam và cấp Bằng Độc quyền Sáng chế cho máy hút rác, bụi khí động lực cao tốc của ông. Máy được sáng chế theo nguyên lý khí động lực hàng không, chạy cực nhanh, hút được cả rác lẫn bụi khi nắng và bùn đất khi mưa. Nhà nước tuyển chọn sáng chế độc đáo này đưa vào đề án Phát triển Công nghiệp Môi trường Việt Nam đến năm 2025.

Hiện “nắm trong tay” gần 40 sáng chế, nhưng ông tâm đắc nhất là máy chữa cháy thế hệ mới “Aero-hydrau-dynamic Flashing Fog Ansinhxanh” (AFFA 1.500). Theo ông Phương, máy chữa cháy theo công nghệ bùng nổ thủy khí cực nhanh này ra đời hơn 17 năm nay, đã được Cơ quan Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO xét nghiệm với 10 điểm A, công bố toàn cầu và nhận được sự đồng thuận của 147 quốc gia.

Năm 2005, cơ quan Phát minh sáng chế Hoa Kỳ đã đồng ý cấp bằng độc quyền sáng chế mang số 00001 cho máy chữa cháy tự động của ông và ông trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận được vinh dự này. Năm 2009, Chủ tịch NFPA Hoa Kỳ, ông James M. Shannon gửi thư chúc mừng và kết nạp ông làm hội viên chính thức. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng thành tiêu chuẩn PCCC quốc gia TCVN 7884:2008, được Bộ KHCN công bố và Bộ Công an đã hướng dẫn toàn quốc áp dụng tại văn bản số 1890/PCCC&CNCH-TT ngày 28-9-2010. Trên cơ sở đó, Viện Tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ cũng đã mời An Sinh Xanh làm hội viên ANSI USA.

Công nghệ AFFA 1.500 đã được Việt Nam và Nhật Bản ứng dụng tại các tỉnh, thành Thừa Thiên – Huế, Hải Phòng, Long An. Riêng tại Đà Nẵng, công nghệ này 3 năm qua được ứng dụng vào phun nước mỹ thuật xa 120m trên “Cầu Rồng thép lớn nhất thế giới” với 700 lần phun không hề gặp sự cố. Mỗi đêm phun ba lần không cần máy bơm với lưu tốc 4.000m3 hơi sương mỗi phút mà chỉ tốn… 70.000 đồng và thu hút hàng vạn người hâm mộ.

Người dám “sửa lưng” công nghệ Mỹ

Trong chữa cháy, ông có nhiều phát minh, cải tiến kỹ thuật độc đáo. Ông đã phát hiện ra công năng mới của nước rửa chén là có thể thay thế hoàn toàn bọt chữa cháy huyền thoại (có giá rất cao) sản xuất ở nước ngoài, rất rẻ và sẵn có khắp mọi miền, lại không thể gây độc hại cho con người và môi sinh.

Ông đã cải tiến, nâng cấp đầu chữa cháy tự động (Sprinkler) của Mỹ bằng cách lắp thêm cái đót nhỏ (mà ông gọi là “ống hóa hơi sương”) để làm thót lỗ phun từ 12mm xuống chỉ còn 3mm, nhờ đó lượng nước phun vào được tiết giảm hơn mười lần, đồng thời 1 lít nước lại hóa thành 1.500 lít hơi sương dập lửa tắt cực nhanh. Cảnh sát PCCC Đà Nẵng đã trực tiếp kiểm tra thiết kế, lắp đặt thiết bị

Cục Cảnh sát PCCC Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho tất cả các phát minh sáng chế này. Ông đã lắp đặt thành công gần 1.000 đầu Sprinkler đã được ông nâng cấp và cấp hàng ngàn lít nước rửa chén phục vụ chữa cháy cho các nhà máy Morito và Daiku Nhật Bản tại Khu công nghiệp Hòa Khánh.

Sau hơn 17 năm cùng làm việc ông, Đại tá Trần Văn Đường, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật PCCC (Bộ Công an) về hưu vẫn còn thắc mắc: “Anh giải thích cho tôi rõ: Vì sao nước Mỹ và cả thế giới có hàng vạn phòng thí nghiệm, hàng triệu tiến sĩ mà lại không tìm ra cái đót nhỏ như anh bỏ vào Sprinkler cho lửa tắt nhanh?”. Ông chỉ biết cười trừ: “Chúng tôi chỉ biết làm thôi! Vụ này thì anh nên sang bên Tây mà hỏi!”.

Năm 2014 Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương đến thăm công ty và bất ngờ cùng lên xe chữa cháy và nhoáng cái đã dập tắt đám cháy bình gas LPG phun cao hơn chục mét. Xe chữa cháy AFFA 1.500 ra đời đã giúp dập tắt đám cháy nhưng lại “đốt” nhẵn của ông cả một gia tài. Hiện là Tổng Giám đốc Công ty An Sinh Xanh, Đà Nẵng, nhưng ông ăn cơm hộp, đi xe máy tàng tàng, đêm xuống trải chiếu ngủ văn phòng. Thế mà ông vẫn nói vui: Cả công ty sáng tạo! Cả công ty “đốt tiền”! Không chết cháy là may lắm rồi!...

LÊ GIA LỘC

.