.

Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Hùng: Người có duyên với giải thưởng

.

NSƯT Huỳnh Hùng hiện là người sở hữu nhiều giải thưởng cấp Trung ương nhất trên lĩnh vực báo chí và văn học - nghệ thuật ở Đà Nẵng.

NSƯT Huỳnh Hùng (phải) nhận giải B Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014 cho phim tài liệu “Sông núi khắc tên” do anh và các cộng sự Lê Hoàng Nam, Lê Minh thực hiện.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
NSƯT Huỳnh Hùng (phải) nhận giải B Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014 cho phim tài liệu “Sông núi khắc tên” do anh và các cộng sự Lê Hoàng Nam, Lê Minh thực hiện. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Huế năm 1982, Huỳnh Hùng về nhận công tác ở quê hương mình là huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau thời gian ngắn làm văn phòng UBND huyện, anh chuyển sang làm Trưởng phòng Văn hóa-thông tin. Đây là thời gian anh chú tâm tìm hiểu lịch sử - văn hóa quê hương, càng đi sâu tìm hiểu anh càng bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn từ cuộc đời, sự nghiệp đến nhân cách của các danh nhân đất Quảng.

Bấy giờ, anh chia sẻ, do tầm nhìn hạn hẹp của một số quan chức địa phương, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa - lịch sử thời cận đại chưa được coi trọng (họ chỉ chú trọng những gì liên quan đến 2 cuộc kháng chiến vừa qua). Trước thực trạng này, anh đứng ra thành lập và làm trưởng ban vận động xây dựng lăng mộ các cụ Trần Quý Cáp, Hoàng Diệu, Mai Dị..., vất vả đi quyên góp khắp nơi để trùng tu những di tích liên quan đến các danh nhân đất Quảng này.

Bước ngoặt đến với cuộc đời anh là vào năm 1996, khi anh chuyển sang công tác ở Đài Truyền hình Đà Nẵng, nay là VTV Đà Nẵng. Lúc đó ở đài có một số đạo diễn như Đoàn Huy Giao, Hồ Trung Tú, Trí Trung... đã làm nhiều phim tài liệu về danh nhân. Như một người ngoại đạo, anh lặng lẽ “nhập môn” và học tập những người đi trước. Rất thú vị, bộ phim đầu tay của anh là “Trang đời huyền thoại” (sản xuất tháng 3-1997, với sự cộng tác của đạo diễn kiêm quay phim Trí Trung) về chân dung Mẹ Thứ đã giành luôn hai giải thưởng lớn ở Trung ương: Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc và Giải B Báo chí quốc gia.

Từ đó, mặc dầu luôn bận rộn với công tác quản lý, nhưng anh vẫn tìm mọi cách để đi làm phim, nhất là phim về danh nhân đất Quảng. Điều thú vị là tất cả những bộ phim về danh nhân của anh đều đoạt giải thưởng ở Trung ương, như anh nói vui: “Có lẽ do tôi ngưỡng mộ các cụ nên các cụ phù hộ cho tôi hầu như phim nào cũng có giải, trong đó nhiều giải nhất là phim Người giữ thành Hà Nội (chân dung cụ Hoàng Diệu) với 6 giải, gồm 3 giải ở Trung ương, 3 giải ở Đà Nẵng và Quảng Nam”.

Đến nay, chỉ kể giải thưởng các loại ở Trung ương anh đã có 20 giải, gồm: 2 giải A, 3 giải B, 2 giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia và Giải Báo chí chuyên ngành toàn quốc; 5 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Bằng khen tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc; 5 Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Riêng với thành phố Đà Nẵng, anh 2 lần nhận Giải thưởng Văn học-nghệ thuật, lần đầu giải B (không có giải A) năm 2005 với phim “Trang đời huyền thoại”, lần thứ hai giải A năm 2010 với phim “Người giữ thành Hà Nội”. Đó là chưa kể nhiều phóng sự, phim tài liệu do anh trực tiếp chỉ đạo đội ngũ phóng viên ở VTV Đà Nẵng và DRT thực hiện đã đoạt hàng chục giải thưởng khác ở Trung ương.

5 năm trở lại đây, anh chuyển từ làm phim về những anh hùng xả thân bảo vệ Tổ quốc sang làm phim ca ngợi những danh nhân có công mở cõi, dựng nước, khai dân trí như: Thoại Ngọc Hầu, Phan Châu Trinh, Phan Khôi, Nguyễn Thị Bình…

Anh hiện không chỉ là người Đà Nẵng sở hữu nhiều giải thưởng cấp Trung ương nhất trên lĩnh vực báo chí và văn học-nghệ thuật, mà còn là Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình cấp tỉnh, thành duy nhất trong cả nước có tham gia làm phim và được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Với văn nghệ sĩ thì tác phẩm “để đời” vẫn còn nằm ở phía trước. Riêng anh, tuy bề bộn công việc trên cương vị Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Điện ảnh Đà Nẵng (cả nước chỉ có 3 địa phương có Hội Điện ảnh là Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh), nhưng như con ong cần mẫn làm mật, anh vẫn trực tiếp làm phim để giữ được “lửa nghề” và chia sẻ kinh nghiệm với các phóng viên, nhất là các phóng viên mới vào nghề. “Bởi tôi nghĩ rằng, anh trải lòng, trên lĩnh vực báo chí và văn học-nghệ thuật, điều đáng quý nhất là tác phẩm. Mai sau, may ra còn lại vài tác phẩm khi tất cả đã qua đi. Nếu được như vậy thì thật là hạnh phúc!”.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.