Những thành tựu khảo cổ học về Chămpa sau năm 1975 đã đưa thêm nhiều giá trị văn hóa-lịch sử một thời vang bóng của dân tộc Chăm và của Vương quốc Chămpa ra khỏi bóng tối của sự lãng quên, đồng thời cũng khiến Bảo tàng (BT) Điêu khắc Chăm trăm năm tuổi trở thành “quá tải” - đúng hơn là thêm một lần nữa trở thành “quá tải”.
Ký ức Champa XI - tranh sơn dầu của Phan Ngọc Minh. |
Sở dĩ nói vậy là bởi sau hai mươi năm kể từ ngày khởi công động thổ, đến năm 1935, Musée Chàm được mở rộng diện tích lần thứ nhất để xây dựng thêm hai phòng trưng bày hiện vật nằm hai bên và thẳng góc về phía trước tòa nhà cũ; tiếp đó đến năm 2002 lại được mở rộng diện tích lần thứ hai để xây dựng thêm một tòa nhà hai tầng ở phía sau các tòa nhà cũ.
Có thể nói hiện nay không gian trưng bày của BT trở thành “quá tải” không chỉ với những người hành hương có nhu cầu chiêm bái mà với cả những khách tham quan chiêm ngưỡng bình thường, thậm chí với những kẻ chỉ muốn cưỡi ngựa xem hoa. Vì thế việc mở rộng diện tích BT lần thứ ba đang được đặt ra như một đòi hỏi vô cùng cấp thiết…
Ý tưởng mở rộng diện tích BT Điêu khắc Chăm lần này theo cách giống như hai lần trước - tức là mở rộng ngay trên mặt bằng hiện hữu - không phải không có sức thuyết phục. Và không chỉ dừng ở ý tưởng - đã có một bản thiết kế hẳn hoi do các kiến trúc sư tài năng và tâm huyết phác thảo rất công phu. Thế nhưng trở lực lớn mà những người đeo đuổi ý tưởng này khó có thể vượt qua là bản thân các tòa nhà dùng để trưng bày cổ vật và tác nghiệp bảo tồn tọa lạc suốt cả thế kỷ ở làng Nại Hiên Tây bên sông Hàn cũng là một BT ngoài trời cần được lưu giữ nguyên trạng.
Hai lần trùng tu vào các năm 1935 và 2002 tuy có làm thay đổi diện mạo của Musée Chàm năm 1915 nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc ban đầu và về đại thể thì các tòa nhà dẫu được xây dựng trước - sau vẫn chưa đến nỗi phá vỡ cảnh quan chung. Lần trùng tu năm 2015 này nếu làm giống hai lần trước e rằng sẽ không được như vậy! Chính vì lẽ đó mà người Đà Nẵng quyết định chưa giải quyết bài toán “quá tải” nhân kỷ niệm 100 năm thành lập BT Điêu khắc Chăm…
Trong bài báo có nhan đề BT Điêu khắc Chăm và ký ức tuổi thơ tôi (báo Đà Nẵng điện tử ngày 18 tháng 5 năm 2011) và được nhắc lại trong bài báo có nhan đề Phát triển kinh tế-xã hội quận Cẩm Lệ: Bảo tồn các giá trị văn hóa-lịch sử (báo Đà Nẵng điện tử ngày 11 tháng 5 năm 2015), tôi đề xuất ý tưởng về một BT Điêu khắc Chămpa mới - cơ sở thứ hai - nằm thật… xa Musée Chàm, cụ thể là nằm ở làng Phong Lệ.
Nơi đây sẽ có đủ chỗ để trưng bày hết số cổ vật đang được bảo quản trong kho cộng với số dự báo sẽ tiếp tục được sưu tầm trong nửa thế kỷ đến; có đủ chỗ để phục dựng những tháp Chămpa nổi tiếng - tất nhiên dưới dạng mô hình; cũng như có đủ chỗ để khách tham quan có thể nghe các nhà Chămpa học ở Đà Nẵng, ở trong nước cũng như đến từ nước ngoài giới thiệu những thành tựu mới về nghiên cứu Chămpa nói chung và nghệ thuật điêu khắc Chămpa nói riêng, hay để thưởng thức các vũ công trình diễn những điệu múa Chămpa - từ múa dân gian cho đến múa cung đình, hoặc để mua những mặt hàng lưu niệm cao cấp khó có thể mua được ở đâu khác liên quan đến nền văn hóa Chămpa…
Du khách thập phương đến tham quan BT Điêu khắc Chăm làng Nại Hiên Tây chỉ trong khoảng thời gian dài nhất là một buổi - thường là buổi sáng, buổi còn lại họ lên xe đi tham quan tiếp Phố cổ Hội An hay Thánh địa Mỹ Sơn hoặc Cố đô Huế - nghĩa là sẽ rời Đà Nẵng trong ngày. Nếu có thêm BT Điêu khắc Chăm làng Phong Lệ với sức hấp dẫn không cưỡng được, chắc là số đông du khách sẽ nán lại Đà Nẵng một buổi nữa.
Thậm chí nếu BT Điêu khắc Chăm làng Phong Lệ tổ chức thêm một dịch vụ mới: khách có nhu cầu chiêm bái chứ không chỉ muốn chiêm ngưỡng các cổ vật một cách bình thường, có thể đăng ký với cơ quan quản lý BT để mua vé tham quan vào buổi tối, với số lượng hạn chế sao cho mỗi phòng trưng bày chỉ có một người xem duy nhất, tất nhiên với giá vé cao hơn so với giá vé tham quan đại trà ban ngày - thì không ít du khách sẽ háo hức ở lại Đà Nẵng qua đêm để tự trải nghiệm một cách tiếp nhận thẩm mỹ khác với thông thường…
Giả định vào năm 2020, Đà Nẵng vừa có BT Điêu khắc Chăm làng Nại Hiên Tây mới được trùng tu năm nay, vừa có BT Điêu khắc Chăm làng Phong Lệ sẽ khánh thành sau 5 năm nữa, cùng với thành tựu khảo cổ học ở thời điểm ấy liên quan đến quần thể di tích Chăm Phong Lệ hơn một ngàn năm tuổi, thì một vấn đề không thể không nghĩ tới là nên đầu tư và quản lý hai BT này theo phương thức nào cho thật tối ưu? Trước hết cần thấy lịch sử đã dành cho Đà Nẵng một bảo vật độc nhất vô nhị - tài sản quốc gia mà người Đà Nẵng có trách nhiệm giữ gìn - là BT Điêu khắc Chăm.
Vì lẽ đó mà BT Điêu khắc Chăm làng Nại Hiên Tây hiện nay và BT Điêu khắc Chăm làng Phong Lệ trong tương lai vẫn nên là bảo tàng công, được ngân sách Nhà nước đầu tư nhằm bảo tồn không để thất thoát đi đôi với việc tiếp tục sưu tầm cổ vật; đồng thời tổ chức trưng bày phục vụ người dân và du khách tham quan. Ngân sách Nhà nước đầu tư còn bao gồm khoản tiền trùng tu/xây mới các tòa nhà chứa cổ vật và tác nghiệp bảo tồn, cũng như trả lương cho nguồn nhân lực quản lý BT…
Nhưng nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước thì khó phát huy hết giá trị của/của các BT Điêu khắc Chăm. Muốn thế cần phải xã hội hóa phương thức đầu tư, trước hết là qua nguồn thu từ vé tham quan. Giàu như nước Anh mà đến những năm 90 của thế kỷ XX, truyền thống mở cửa BT cho công chúng tham quan miễn phí còn bị lung lay bởi kinh tế thị trường và do sức ép của kinh phí dành cho hoạt động bảo tàng, dẫn đến hầu hết BT quốc gia buộc phải thay đổi phương thức, tiếp tục thu phí tham quan với giá vé trung bình là 5 pounds/người. Mãi đến cuối năm 2011, Chính phủ Anh mới quyết định cho các BT thuộc Nhà nước - cả Trung ương, địa phương và những BT được nhận tài trợ của Nhà nước - không thu phí tham quan nữa(1)...
Cho nên trong điều kiện nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng, trước mắt chắc vẫn phải duy trì nguồn thu từ vé tham quan. Có điều cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước vẫn đang thu phí tham quan nhằm miễn hoặc giảm tiền vé tham quan cho một số đối tượng/vào một số thời điểm trong ngày/trong tuần (2)…
Cũng có thể xã hội hóa phương thức đầu tư thông qua việc tổ chức đấu thầu sản xuất và kinh doanh hàng lưu niệm - bao gồm các phiên bản cổ vật và các bưu thiếp hay sách ảnh… - về điêu khắc Chămpa, với yêu cầu là làm sao có được một công ty chuyên cung ứng hàng lưu niệm liên quan đến nền văn hóa Chămpa đủ sức tạo cho du khách cảm nhận rằng họ chỉ có thể mua ở đây những mặt hàng lưu niệm, nhất là những mặt hàng lưu niệm cao cấp, chứ khó có thể mua được ở đâu khác - BT Điêu khắc Chăm có thể tư vấn cho công ty này mẫu mã của các mặt hàng sao cho đa dạng, đẹp và giống như… nguyên bản; mặt khác cần thường xuyên giám định chất lượng để bảo đảm tiền nào của ấy nhưng những mặt hàng rẻ nhất vẫn phải bảo đảm ngưỡng tối thiểu về mỹ thuật và kỹ thuật chế tác.
Cũng có thể xã hội hóa phương thức đầu tư thông qua việc tổ chức đấu thầu biểu diễn các vũ điệu Chămpa với yêu cầu làm sao có được một vũ đoàn chuyên nghiệp với những vũ công được đào tạo bài bản và yêu nghề. Thu nhập từ hai dịch vụ này chủ yếu dùng để chi cho các hoạt động nghiên cứu và giới thiệu Chămpa học…
Việc điều hành toàn bộ hoạt động của BT Điêu khắc Chăm trong bối cảnh mở rộng xã hội hóa đầu tư rất cần các nhà quản lý BT - nhất là người đứng đầu - vừa giàu kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Chămpa nói riêng, vừa có năng lực quản trị kinh doanh hiện đại. Xu hướng hiện nay của nhiều nước trên thế giới là thành lập hội đồng quản trị BT, chẳng hạn ở Bristish Museum/BT Anh, hội đồng quản trị gồm 25 người, trong đó 15 người do Thủ tướng Anh bổ nhiệm - Hội đồng quản trị Bristish Museum phải căn cứ vào mục tiêu và yêu cầu của Chính phủ mà hướng chính sách của BT phục vụ mục tiêu và yêu cầu đó, ngược lại được ngân sách Nhà nước cấp một khoản tiền bảo đảm từ 75% đến 85% hoạt động của bảo tàng - và mối quan hệ này được ràng buộc bởi các biên bản ghi nhớ và các quyết định tài chính hằng năm giữa Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh với Bristish Museum (3).
Đối với BT Điêu khắc Chăm, có thể tham khảo vận dụng mô hình này trong khi chờ thành lập Quỹ Bảo tồn Điêu khắc Chăm với Hội đồng quản lý Quỹ.
BÙI VĂN TIẾNG
(1), (3) Chính sách bảo tàng ở Anh của tác giả Lê Thị Minh Lý, Tạp chí Di sản văn hóa số 9 - 2004.
(2) Chẳng hạn BT San Francisco về nghệ thuật hiện đại (Hoa Kỳ) đón khách tham quan miễn phí vào ngày thứ 3 của tuần đầu tiên mỗi tháng và giá vé tham quan của ngày thứ 5 từ 18g đến 8g45 chỉ bằng một nửa giá ngày thường.