Đà Nẵng cuối tuần
Những kiến nghị từ cuộc tọa đàm
Năm 1975, trong ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết một đoạn ca từ có sức lay động lòng người: “Ba mươi năm Dân chủ Cộng hòa kháng chiến đã thành công/ Việt Nam! Hồ Chí Minh! Việt Nam! Hồ Chí Minh! Việt Nam! Hồ Chí Minh! Việt Nam! Hồ Chí Minh!”. Đoạn ca từ hào hùng này nhắc đến một thời điểm lịch sử đầy ấn tượng ba mươi năm trước đó: sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đầu tháng 9 năm 1945.
Sở dĩ nói vậy là vì sau cả trăm năm kể từ khi vua Minh Mạng đổi quốc hiệu là Đại Nam, hai chữ Việt Nam mới chính thức trở thành tên gọi của đất nước vừa giành lại độc lập và quan trọng hơn là vừa chấm dứt chế độ quân chủ hàng ngàn năm - thực chất đương thời là chế độ thực dân nửa phong kiến - để thiết lập một thể chế chính trị mới: Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 16 tháng 8 vừa qua, nhân 70 năm thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong khuôn khổ Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2015, Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Ban Văn hóa-xã hội Hội đồng nhân dân thành phố tổ chức Tọa đàm Đóng góp của người Quảng vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong hai năm 1945-1946(*). Qua sinh hoạt học thuật này, Hội Khoa học Lịch sử thành phố và các đại biểu dự tọa đàm có đưa ra một số kiến nghị với Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, cụ thể như sau:
Một là về việc đặt tên đường. Có thể nói trong 18 đại biểu Quốc hội khóa I vừa là người ứng cử ở Quảng Nam-Đà Nẵng vừa là người Quảng ứng cử ở các tỉnh khác, đã có 10 người được đặt tên đường tại Đà Nẵng như Phan Bôi, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Trần Tống, Lâm Quang Thự, Trần Đình Tri, Lê Thị Xuyến, Hà Văn Tính và Trần Lê. Như vậy vẫn còn 8 đại biểu chưa được đặt tên đường: Phạm Bằng, Phan Diêu, Nguyễn Thế Kỷ, Võ Sạ, Đinh Tựu, Phan Thao, Trần Viện và Lê Dung. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rất mong Hội đồng Nhân dân thành phố nghiên cứu đặt tên các đại biểu này tại kỳ họp cuối năm 2015. Điều cần làm hiện nay là phải khẩn trương sưu tầm tiểu sử chính trị của họ - hiện đương còn quá sơ lược.
Đại biểu Phan Thao sinh năm 1915, là trưởng nam của nhà văn hóa Phan Khôi - người vừa được Hội đồng nhân dân thành phố đặt tên đường tại kỳ họp giữa năm 2013. Phan Thao đi học, làm báo và hoạt động cách mạng từ hồi còn bí mật. Sau khi trở thành đại biểu Quốc hội, ông được phân công làm Trưởng ty Thông tin Tuyên truyền, ủy viên Thư ký Mặt trận Liên Việt, vừa là lãnh đạo vừa là cây bút chủ chốt tờ báo Chiến Thắng của tỉnh Quảng Nam (ngày 22 tháng 1 năm 1947, Báo Chiến thắng, cơ quan tuyên truyền của tỉnh Quảng Nam ra số đầu tiên vào dịp tết Đinh Hợi. Tòa soạn và nhà in lúc bấy giờ đặt tại làng Bình Huề ở tả ngạn thượng nguồn sông Thu Bồn. Tòa soạn do Phan Thao và Nguyễn Văn Bổng phụ trách nội dung, Đoàn Bá Từ làm quản lý).
Cuối năm 1947, Phan Thao được điều động về Khu, được giao làm nhiều việc: phụ trách báo Cứu Quốc Nam Trung Bộ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa Kháng chiến Nam Trung Bộ, Chủ nhiệm Tạp chí Miền Nam, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Liên khu 5, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên Việt, Thư ký Hội Hữu nghị Việt Trung. Hòa bình lập lại trên miền Bắc năm 1954, Phan Thao tập kết ra Bắc, làm Thư ký tòa soạn báo Nhân dân, sau đó làm Chủ bút báo Thống nhất, năm 1960 được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội khóa II.
Phan Thao cũng là dịch giả tiểu thuyết Người mẹ của Maxim Gorki (Nhà xuất bản Văn học in lần đầu năm 1973). Ngày 5 tháng 8 năm 1960, sau một cơn bạo bệnh, Phan Thao qua đời ở tuổi 45. Những đóng góp của Phan Thao cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà và quê nhà rất xứng đáng để sớm có một con đường mang tên ông ở thành phố bên sông Hàn.
Tuy nhiên có lẽ ông Phan Thao là người may mắn được hậu thế lưu giữ thông tin về tiểu sử chính trị nhiều nhất so với bảy người còn lại. Hiện nay chỉ biết được ông Phạm Bằng sau khi trở thành đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng huyện Tiên Phước, nhưng do sức khỏe suy yếu nên đã từ trần trong năm 1946 (cũng có tài liệu ghi từ trần vào tháng 9 năm 1948), không rõ năm sinh và quê quán.
Hoặc cũng chỉ biết ông Lê Dung quê huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, sinh năm 1907; khi ông Lê Văn Hiến làm Chủ tịch thì ông Lê Dung là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố Đà Nẵng; khi ông Lê Văn Hiến chuyển công tác ra Hà Nội, ông Lê Dung thay ông Lê Văn Hiến làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, năm 1960 được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội khóa II và năm 1964 được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội khóa III.
Hay cũng chỉ biết ông Nguyễn Thế Kỷ quê Tam Kỳ, sinh năm 1910, từ trần tháng 2 năm 1954 tại Bắc Giang; ông Phan Diêu sinh năm 1912, quê xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, năm 1960 được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội khóa II và năm 1964 được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội khóa III; ông Võ Sạ sinh năm 1910, quê Tam Kỳ; ông Trần Viện sinh năm 1915, quê Quế Sơn, năm 1960 được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội khóa II và năm 1964 được lưu nhiệm đại biểu Quốc hội khóa III; ông Đinh Tựu, người dân tộc Cor ở Trà My, được bầu vào Quốc hội với số phiếu 84,6%, tháng 3 năm 1947 là ủy viên phụ trách văn hóa-xã hội của Ủy ban hành chính châu Trà My, từ trần tháng 10 năm 1954.
Hai là, về những di sản vật thể lưu dấu thời kỳ này ở Đà Nẵng. Trước hết có thể kể đến trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố, số nhà 42 đường Bạch Đằng. Đây là nơi làm việc của các ông Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Lê Dung, Trần Đình Tri… vào thời gian đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nếu được, trong dài hạn, lãnh đạo thành phố nên chuyển địa điểm này thành Bảo tàng hành chính công vụ của thành phố. Thứ hai là di tích Hiệu sách Việt Quảng số nhà 114 đường Bạch Đằng gắn với tên tuổi của Phan Bôi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Sơn Trà, Nguyễn Xuân Nhĩ…, hiện do tư nhân làm chủ sở hữu. Nên chăng lãnh đạo thành phố có phương án hợp lý về chuyển đổi sở hữu ngôi nhà này để có điều kiện bảo tồn tốt hơn một di tích lịch sử-văn hóa cách mạng.
Ba là, về các hoạt động kỷ niệm bảy mươi năm thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong khuôn khổ Ngày hội Sử học Đà Nẵng 2015, Hội Khoa học Lịch sử thành phố đã đề ra hai hoạt động chính: một là tổ chức cuộc Tọa đàm Đóng góp của người Quảng vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong hai năm 1945-1946 và hai là tổ chức trong tháng 9 năm 2015 đợt tuyên truyền về Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, với đối tượng tham gia là học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Việc tuyên truyền về Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường được xem là nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành giáo dục-đào tạo thành phố. Hình thức tổ chức tùy theo sáng tạo của từng trường, nhưng tối thiểu và đơn giản nhất là tất cả trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đều tổ chức đọc lại thư Bác trong lễ khai giảng năm học 2015-2016.
BÙI VĂN TIẾNG
(*) Xem Bùi Văn Tiếng: Đóng góp của người Quảng vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong hai năm 1945-1946, Báo Đà Nẵng Cuối tuần ngày 23-8-2015.