Chuyên đề
Bạn chài, ngày mỗi khó
Chỉ có nghề biển mới có từ “bạn” - bạn chài. Khi cùng bước chân lên tàu cá, cùng làm việc trong điều kiện sóng to hay biển lặng, bạn chài nào cũng như nhau. Hạnh phúc khi cùng được hưởng thành quả là những mẻ cá đầy hay ngậm ngùi trước chuyến biển thất bát, phúc-họa cùng chịu. Tuy nhiên, nghề đi bạn đang có nhiều thay đổi căn bản, người là bạn thâm niên đang ngày một thưa dần.
Ông Tô Văn Pháp có thâm niên đi bạn gần 50 năm trên tàu cá. |
Sóng nước thay đổi đời trai
Nhìn nước da đen nhẻm, mái tóc nhuộm vàng, gương mặt và cách ăn nói chững chạc, ít ai biết Bùi Duy Thanh, tên thường gọi là Cu Pa mới 18 tuổi. Thanh đi bạn được gần 7 năm, sóng gió gì đều nếm trải. Quê Thanh ở huyện đảo Lý Sơn, ba má vào Đồng Nai lập nghiệp, nuôi tôm cá, nhưng rồi thất bại.
Cậu của Thanh là tài công trên tàu cá QNg 94029 TS chấp nhận cho thằng cháu đi biển để nó học việc, kiếm tiền. Thanh bảo hồi mới xuống tàu, còn nhỏ nên được giao nấu cơm. Lớn lên một chút, thấy cậu bé lanh lợi, các chú mới giao làm các việc như bủa lưới, kéo lưới, muối cá (ướp đá), phân loại từng loại cá, tôm rồi bỏ vô bao. Những cậu bé ăn chưa no lo chưa tới như Thanh khi trở thành bạn chài cũng làm việc như những người lâu năm kinh nghiệm.
4 giờ sáng dậy bủa lưới thì 11 giờ kéo cá lên, xong lại tiếp tục bủa lưới, đến 7 giờ tối thu cá xong thì được nghỉ. Ngày có trăng thì chuyển sang đánh mực. Có khi làm 2 ngày 2 đêm liên tục, chỉ được nghỉ tranh thủ lúc ăn cơm. Bủa mực xong thì chuyển sang vá lưới. Phút lãng mạn dưới bầu trời trăng sao, bốn bề lộng gió, chẳng mấy khi Thanh nghĩ đến, phải tranh thủ chợp mắt lấy lại sức để hôm sau còn làm việc.
Cùng đi bạn trên tàu này còn có Trần Quang Hùng, bạn cùng lớp với Thanh. Hùng quê Đồng Nai, trước ba má cũng nuôi cá lồng bè như nhà Thanh, nhưng cũng không thành. Xong lớp 8 Hùng nghỉ học, ở nhà đi lông bông, rồi làm phụ hồ, làm công nhân lò gạch, lơ xe ben. Nghe Thanh rủ đi biển, Hùng cũng thử sức cho biết, vậy mà được hơn 2 năm. Hùng bảo, hồi mới đi biển mất vài chuyến đầu say sóng, rồi nhớ nhà, nhớ đất, giờ thì quen rồi.
Những vất vả của nghề đi biển giúp Hùng xác định dù đây là nghề chọn mình chứ mình không chọn, nhưng phải biết tiết kiệm, phải học hỏi nhiều mới trưởng thành được. Thu nhập từ mỗi chuyến biển, Hùng giữ lại cho mình 1 triệu đồng để mua áo quần, mua thêm thuốc men phòng bệnh, còn bao nhiêu gửi hết về cho má. Hùng hay Thanh đều chưa xác định sau này mình có bỏ biển hay không, vì với thu nhập chừng 4-5 triệu đồng mỗi tháng, còn dành dụm được, chứ ở bờ, chừng đó nhiều khi không đủ sống.
Đội ngũ thuyền viên trên tàu cá hiện nay trẻ tuổi đời, ít tuổi nghề là một bất lợi cho nghề khai thác thủy sản. Ảnh: H.N |
“Lên núi tuyển ngư dân”
Ngày càng khó kiếm bạn chài. Đi đâu, hỏi chủ tàu nào cũng được họ kêu khó kiếm bạn đi biển lắm. Ông thuyền trưởng tàu QNg 98517 TS bảo “Trên tàu chú, bạn ở khắp nơi. Chú đi biển gần 30 năm. Trước ông già (ba) cho cái tàu, làm lụng rồi gầy thêm chiếc nữa. Trước trên tàu toàn người Quảng Ngãi, giờ thì đủ cả: Nha Trang, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, Sài Gòn…”.
Đoàn Văn Hòa, 21 tuổi, quê ở Chư Sê, Gia Lai mới đi đến chuyến biển thứ 3. Hòa kể: “2 chuyến đầu là 2 tháng say sóng, ói ra mật xanh mật vàng, uống nước cũng không được. Hôm nào đỡ đỡ, ra đầu mũi tàu quấn được cái dây là hạnh phúc lắm rồi”. Ba má Hòa làm nông. Hòa nghỉ học từ năm lớp 8, đi làm thuê, cạo mủ cao su, hái tiêu. Chưa nhìn thấy biển bao giờ mà ra đến Đà Nẵng, một bước xuống tàu, Hòa chấp nhận liều để kiếm tiền.
Chuyến này vô bờ, bán cá xong Hòa được chủ tàu chia 2 triệu đồng. Chừng đó vừa đủ về thăm nhà, cho má chút đỉnh. Hòa còn rủ Đào Duy Anh, 16 tuổi, ở cách nhà mình 5 cây số, cùng ra Đà Nẵng đi biển. Nhìn hai chàng thanh niên mặt non choẹt, từ núi xuống, chưa kịp trầm mình tắm biển để xem nước mặn đến đâu đã phải lăn lộn vá lưới mà thấy thương.
Cùng tuổi như Hòa, nhà của bạn chài Nguyễn Minh Thuận ở quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Thuận chạy xe máy từ nhà ra tận Đà Nẵng kiếm việc. Nhà người chị họ có ghe đi biển, nhưng ghe nhỏ, tối ra khơi, sáng vô nên chị bảo Thuận ra cảng tìm việc. Xong chuyến biển thứ 2, Thuận bảo mới đầu đi biển thấy cực, giờ đã quen. Thuận tính đi biển vài năm, kiếm ít vốn rồi về lại Sài Gòn kiếm nghề gì đó học, đi làm trên bờ cho an toàn.
Ông Trần Minh Quang, tài công tàu QNg 98028 TS có 35 năm đi biển. 14 tuổi ông xuống tàu đi bạn cho chính tàu của cha mình, rồi làm chủ tàu. Nhưng làm ăn thất bát, ông bán tàu, xin đi bạn trở lại. Tàu này và tàu QNg 98517 TS là một cặp, đi lưới giã cào. Ông bảo bữa nay người ta sắm ghe nhiều, người đi biển thì ít. Con số thuyền viên toàn dao động từ 9-12 người, trong khi phải trên 12 người mới đủ người làm việc trên những chuyến tàu cách bờ từ 120-150 hải lý.
Anh Lên kể, bạn bè của anh, cũng đi bạn, có người kiếm được rồi vay mượn thêm sắm được tàu riêng. Cũng có người kiếm được đồng nào thì nướng hết vào mấy cuộc nhậu những khi tàu cặp bờ. Ông Tô Văn Pháp, 61 tuổi, dân Đà Nẵng bảo, hồi trước tui toàn đi tàu Đà Nẵng, giờ mấy tàu đó bị bán hết rồi, nên chuyển sang đi tàu Quảng Ngãi, làm lưới quét, cực, nhưng có ăn. Ông gắn với con tàu QNg 98028 TS lâu nhất, là được hơn 3 năm, còn không thì chừng 1 năm là bỏ sang tàu khác. Mỗi chuyến ông được chia khi 5, khi 3 triệu, mà chẳng để dành được đồng nào. “Làm bi nhiêu hết bấy nhiêu”, ông Pháp nhẹ tênh!
Ông Phạm Tịnh, ở xã Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi, chủ tàu QNg 94734 TS bảo, giờ kiếm bạn khó lắm, đi vài chuyến biển mà không có là bạn chài bỏ tàu mình, sang tàu khác. Bạn giờ không còn gắn bó cùng ăn, cùng chịu như xưa. Hơn 40 năm đi biển, giờ chỉ còn duy nhất ông Phúc (59 tuổi), nhà ở xã Phổ An là còn theo ông được 15 năm, còn lại toàn là bạn chài trẻ tuổi. Khi ông Tịnh đóng con tàu này vào năm 2004, 12 bạn chài góp cổ phần mỗi người một tay lưới trị giá 50 triệu đồng, nhưng giờ chỉ còn 4 người cho con cháu theo tàu, còn 8 người bỏ tàu, coi như bỏ cổ phần. Mỗi chuyến về bến, bán cá xong, những tàu lưới vây như của ông Tịnh chia lãi 30% cho tàu, còn lại 70% cho 13 thuyền viên.
Trong suốt những ngày ra vào cảng cá lấy tư liệu cho bài viết này, hầu như chúng tôi chỉ gặp tàu cá mang số hiệu Quảng Ngãi. Tàu cá Đà Nẵng rất ít, bán cá xong thì họ đậu về phía cầu Mân Quang. Chỉ cho tôi thấy những con tàu lưới quét, tàu câu mực nằm ở một góc âu thuyền Thọ Quang, ông Tịnh bảo, phía đó là những chiếc tàu của chủ Đà Nẵng, nhiều tàu nằm bờ, hoặc đang rao bán, phần đi biển bị lỗ, phần họ không kiếm ra thuyền viên. Lao động đi biển ngày càng ít dần, được chăng hay chớ, thiếu đào tạo bài bản, ít tay nghề đang ảnh hưởng không nhỏ đến các tàu cá.
Tình trạng thiếu hụt lao động nghề biển là một trong những biểu hiện của sự bấp bênh nguồn nhân lực nghề biển hiện nay. Chỉ những tàu lớn, ra khơi xa, nguồn cá tôm dồi dào mới cải thiện được thu nhập cho lao động nghề biển, thu hút được bạn thuyền thì mới giải tỏa được tình trạng thiếu hụt lao động như hiện tại.
Theo số liệu từ Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố Đà Nẵng có 5.683 ngư dân tham gia đánh bắt trên 795 tàu cá có công suất 20CV trở lên; trong đó có 4.888 ngư dân làm thuê. |
HOÀNG NHUNG