Đà Nẵng cuối tuần
Những sứ giả du lịch tình nguyện
Không ngại mưa, nắng, vất vả, những sứ giả du lịch (SGDL) tình nguyện của Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng (TTXTDL) luôn nhiệt tình, có trách nhiệm trong từng công việc được giao. Với các bạn là sinh viên năm cuối của các trường đại học, công việc này là những bước “đệm”, là kinh nghiệm cho một môi trường làm việc mới.
Các sứ giả du lịch tình nguyện hỗ trợ thông tin cho du khách ở Sân bay quốc tế Đà Nẵng. |
Công việc chính của các SGDL tình nguyện là tiếp cận, chăm sóc và hỗ trợ khách du lịch đến Đà Nẵng. Các bạn đón và hướng dẫn cho du khách khi có tàu biển đến Đà Nẵng; trực quầy thông tin tại sân bay hoặc tại Trung tâm hỗ trợ du khách. Khi khách cần, các SGDL sẽ hỗ trợ khách du lịch tất cả các thông tin về du lịch tại Đà Nẵng từ các điểm đến, các danh lam thắng cảnh, hoạt động vui chơi giải trí, ăn uống, khách sạn, các dịch vụ đi lại hợp lý, phù hợp với từng điều kiện của du khách. Ngoài ra, các sứ giả còn có nhiệm vụ hướng dẫn và hỗ trợ cho khách những dịch vụ, lợi ích tốt nhất hiện có khi đến Đà Nẵng. Thông qua SGDL, du khách cảm thấy mình được chào đón và thoải mái nhất.
Dù chỉ tham gia làm SGDL tình nguyện gần 3 tháng nhưng Nguyễn Thị Phước Sang (sinh năm 1993), sinh viên khoa Quốc tế học, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng đã có những trải nghiệm vô cùng quý giá. Phước Sang chia sẻ, được làm việc trong môi trường làm việc năng động, được tiếp xúc với nhiều du khách đến từ khắp nơi trong và ngoài nước mỗi ngày là cơ hội để em trau dồi kỹ năng giao tiếp, cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh, đặc biệt học được cách chăm sóc du khách chu đáo, niềm nở để khách luôn cảm thấy mình được trân trọng khi đến với Đà Nẵng.
Tốt nghiệp khoa Cử nhân tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trần Huy Bảo Nhi (sinh năm 1991) cũng có hơn một năm làm SGDL tình nguyện. Theo Bảo Nhi, công việc nào cũng cần phải có sự cố gắng và nỗ lực hết mình. “Việc trở thành một SGDL là một trong những bước đệm tốt cho những bước đi sau này trong công việc của em, giúp em có được đức tính kiên trì, nhẫn nại trong công việc. Có thể sau này em làm một việc gì đó không liên quan đến ngành du lịch nhưng em vẫn có thể vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm mà em có được khi làm SGDL tình nguyện”.
Phước Sang, Bảo Nhi và nhiều SGDL khác nữa đều nhận thấy, công việc này giúp các em từng bước hoàn thiện bản thân trên nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và giải quyết các tình huống khẩn cấp khi không có mặt cấp trên. Việc gặp gỡ nhiều du khách với nhiều ngôn ngữ, nền văn hóa và yêu cầu khác nhau hằng ngày khiến bản thân mỗi SGDL luôn khéo léo để xử lý kịp thời bởi tính chất của công việc đòi hỏi sự nhạy bén và nhanh nhẹn của mỗi người.
Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, những năm gần đây, đội ngũ SGDL tình nguyện của trung tâm làm việc khá tốt. Đó là các em sinh viên năm 2, 3, 4 đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố có khả năng giao tiếp, thành thạo ngoại ngữ, được trung tâm tập huấn, hướng dẫn một số các kỹ năng trong việc đón và hỗ trợ du khách khi họ đến Đà Nẵng. Vào mùa đón khách tàu biển, trung tâm có khoảng 15-18 SGDL thay phiên nhau trực ở sân bay và ở Trung tâm hỗ trợ du khách, đội ngũ này đã làm rất tốt công việc là một sứ giả, nhiệt tình và đầy thiện chí.
Và nói như Phước Sang, “Trải nghiệm qua những tình huống thực tế giúp cho mỗi SGDL tích lũy được những kinh nghiệm mà không phải dễ dàng có được khi ngồi trên giảng đường đại học. Thông qua công việc thú vị này, mỗi sứ giả tình nguyện có thể đem hình ảnh Đà Nẵng đến gần hơn với bạn bè khắp nơi. Các sứ giả cũng chính là những nhịp cầu đầu tiên giúp rút ngắn khoảng cách của du khách với thành phố Đà Nẵng. Sau khi kết thúc công việc của một đại sứ tình nguyện, điều quý giá nhất với em đó là có được một kiến thức nền về du lịch Đà Nẵng, có thể tự tin nói về thành phố của mình với bạn bè và du khách khắp nơi một cách đầy tự hào”.
NHẬT HẠ