Đà Nẵng cuối tuần

Ai tin vào sân cỏ?

07:15, 29/08/2015 (GMT+7)

Mohd Nafeez Bin Abdul Wahab (ảnh) hẳn là cái tên sẽ được sân cỏ Việt Nam nhắc nhiều trong vài ngày tới dù thật khó đọc, khó nhớ. Đơn giản vì ông trọng tài người Malaysia này được tin cậy mời điều khiển trận cầu dự báo nảy lửa ở vòng đấu thứ 23 V-League giữa Đồng Nai và Hoàng Anh Gia Lai.

Khi cả Đồng Nai và Hoàng Anh Gia Lai đều nằm ở vị trí chót bảng với điểm số ngang nhau vào lúc giải đấu sắp hạ màn, cuộc thư hùng này được chờ đợi như trận chung kết ngược. Đội thắng gần như chắc suất trụ hạng trong khi đội thua chẳng còn hy vọng tiếp tục ngồi lại chiếc chiếu hoa danh giá nhất của bóng đá Việt Nam. Sứ mạng của người cầm cân nẩy mực mới thiêng liêng trọng đại làm sao!

Nhưng vì sao phải nhờ đến trọng tài ngoại trong khi bóng đá Việt Nam từng cử các đại biểu của mình điều hành nhiều giải đấu quan trọng của khu vực và cả châu lục? Vì sao đã vào con đường chuyên nghiệp bao nhiêu năm đằng đẵng, các hội đồng trọng tài và cơ quan tương đương của tổ chức này hằng năm vẫn đều đặn mở các đợt tập huấn khắt khe mà bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn khan hiếm trọng tài đến nỗi phải trông cậy vào... ngoại lực? Câu trả lời đã quá rõ: nền bóng đá này không tin vào chính mình - không tin vào năng lực của từng thành viên điều hành, không tin vào sự trung thực của đội ngũ trọng tài.

Trung thực vốn được xem như một phẩm chất cần có của thao trường nói chung, bóng đá nói riêng. Các nhà quản lý, điều hành ở VFF hay VPF vẫn nhắc đi nhắc lại thuộc tính này như một yếu tố bảo đảm thành công của giải đấu, như một điều kiện mang tính giao ước với khán giả để mời họ đến sân. Vậy mà giờ đây, bằng việc mời gọi trọng tài ngoại, chính họ thừa nhận sự thiếu trung thực của đội ngũ điều hành.

Có người sẽ lập luận rằng chính vì hướng đến sự trung thực, bảo đảm tính công bằng, những người tổ chức mới dùng trọng tài ngoại. Như thế khán giả sẽ thêm trầm tư: Vậy những trận cầu ở các vòng đấu trước đó do đội ngũ trọng tài trong nước cầm còi, liệu đã xảy ra chuyện không trung thực, không công bằng, đã có những trận đấu có kết quả đảo ngược không vì tài nghệ của người cầm cân nảy mực mà vì sự tha hóa của chính họ?

Sự lúng túng- và thậm chí thiển cận - của các nhà tổ chức trong quyết định này có thể làm tăng thêm nỗi ngờ vực về một giải đấu càng về cuối càng có dấu hiệu không minh bạch. Đó đây đã xuất hiện tiếng kêu gào phẫn uất của khán giả, của cổ động viên trước các biểu hiện mua bán móc ngoặt, buông chân. Cổ động viên Hải Phòng nghi ngờ cầu thủ đội nhà bán độ khi thi đấu trên sân một đối thủ đứng trước nguy cơ rớt hạng. Ở Nghệ An, khán giả hô hào tẩy chay trận đấu kế tiếp của đội nhà vì cả quyết rằng trước đó cầu thủ xứ mình đã muối mặt... đi làm kinh tế cho một đối thủ giàu có.

Đừng nghĩ các cổ động viên này kiêu ngạo, nâng giá đội nhà và hạ thấp đối phương mà hãy tôn trọng sự nhạy bén tinh ý của người xem giàu nhiệt huyết. Đó là sự nhạy bén và tinh ý vốn được thử thách trui rèn qua biết bao cay đắng, nhẫn nhục của lòng hâm mộ, như một người tình chung thủy bị bội phản không biết bao nhiêu lần.

V-League liệu có nâng chất lên tầm chuyên nghiệp đúng nghĩa và bóng đá Việt Nam sẽ đi về đâu nếu vẫn còn hoài sự lúng túng nghiệp dư?

ĐÌNH XÊ

.