Đà Nẵng cuối tuần

Từ "Bến xuân" đến "Rồng vẫy sóng"

07:46, 30/08/2015 (GMT+7)

Trong 6 phương án tham gia cuộc thi “Ý tưởng trang trí hoa và điện chiếu sáng đón Tết 2016”  do Sở Xây dựng thành phố vừa tổ chức, nổi bật nhất là 2 đồ án thiết kế chi tiết đoạt giải nhất và nhì của các nhóm sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng.

Nhóm tác giả có phương án trang trí đường hoa xuân đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng trang trí hoa và điện chiếu sáng đón Tết 2016”.
Nhóm tác giả có phương án trang trí đường hoa xuân đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng trang trí hoa và điện chiếu sáng đón Tết 2016”.

3 sinh viên cùng lớp 11KT5 (ngành Kiến trúc công trình) là Đoàn Kim Hải, Ngô Thanh Hải, Phạm Ngọc Nam lấy ý tưởng thiết kế từ bài hát “Bến xuân” của nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy: “Nhà tôi bên bến cầu soi nước / Em đến tôi một lần / Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân...”. Những hình ảnh đẹp trong bài hát như: sóng xuân, chim nhạn, cánh buồm... được các bạn đưa vào thiết kế khung cảnh mùa xuân, có cánh buồm là hình ảnh tiêu biểu của văn hóa truyền thống vùng biển.

Đoàn Kim Hải cho biết: “Chúng tôi cố gắng thiết kế, sắp đặt nổi bật các điểm nhấn của sông Hàn trong khung cảnh xuân an bình, tươi vui giữa lòng thành phố, tạo điểm du xuân ngày Tết và đặc biệt hơn là tạo ra một không gian xuân giúp người đến tham quan, vãn cảnh gợi nhớ, chìm đắm trong khung cảnh của những cái Tết xưa mộc mạc, giản dị, gần gũi, quen thuộc với mỗi người. “Bến xuân” đoạt giải nhất và thật sự chúng tôi rất hồi hộp, mong ngóng được chứng kiến “Bến xuân” khoe sắc trên đường hoa Bạch Đằng vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016”.

Nếu “Bến xuân” làm khán giả đong đầy cảm xúc thì ở phương án trang trí đường hoa Tết đoạt giải nhì là “Rồng vẫy sóng”, là hình tượng vô cùng độc đáo: rồng vẫy đuôi tạo ra các sóng hoa và sóng không gian liên tục nhau của nhóm SV Nguyễn Thị Hồng Nhung, lớp 11QH1, ngành Quy hoạch vùng và đô thị cùng 2 thành viên ngành Kiến trúc công trình là Đoàn Văn Quyết, lớp 11KT8 và Trần Nhật Minh, lớp 11KT6, làm người xem bất ngờ vì quy mô đồ sộ.

Bạn Đoàn Văn Quyết, đại diện nhóm cho biết: “Qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy rằng ở phần “đuôi” cầu Rồng, ngoài Bảo tàng Điêu khắc Chăm thì vẫn còn gì đó thiếu sót so với quy mô và sức hút của cầu Rồng. Với việc trang trí đường hoa Tết, chúng tôi muốn tạo ra các điểm nhấn mang lại cảm giác bừng sáng, lan tỏa để du khách đến đây có những giờ phút chiêm ngưỡng thi vị.

Lấy hình tượng đuôi rồng quẫy lên những cơn sóng tạo thành những làn sóng hoa, sóng xuân xuyên suốt, để lại những góc nhìn sống động, sức sống mạnh mẽ, không ngừng và quẫy sóng vươn lên của thành phố trẻ Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, từ việc Bảo tàng Điêu khắc Chăm tọa lạc ở đối diện “đuôi” cầu Rồng, chúng tôi có ý tưởng sắp đặt để những con sóng đó mở ra con đường hoa đến với những di sản thế giới và quốc gia ở miền Trung thông qua sắp đặt nghệ thuật các mô hình di tích lịch sử - văn hóa, di sản thiên nhiên như: Thành Nhà Hồ, chùa Cầu - Hội An, động Phong Nha, Ngọ Môn và vườn Thượng uyển của Kinh thành Huế, 5 hòn núi Ngũ Hành Sơn, di tích Chăm-pa cổ... trên vỉa hè đường Bạch Đằng, kéo dài từ cảng Sông Hàn đến cầu Rồng.

Qua việc giới thiệu những di sản đặc sắc, sẽ góp phần đẩy mạnh việc phát triển ngành du lịch ở miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, đồng thời góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”.

Ở cả 2 phương án trang trí đường hoa này, các tác giả đã chọn lựa chất liệu kết cấu chủ yếu là tre, nứa và các vật liệu gần gũi với thiên nhiên, dễ kiếm. Hai tông màu chủ yếu là màu vàng và màu hồng, những màu mang lại thịnh vượng, hạnh phúc, vui tươi của ngày xuân.

ThS, KTS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó trưởng Bộ môn Kiến trúc công trình, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cho biết: bài thi của SV chú trọng đầu tư vào vệt ven sông Hàn thơ mộng, khai thác các giá trị kiến trúc, văn hóa địa phương để du khách và những người con Đà Nẵng xa quê về thấy được một thành phố Đà Nẵng thu nhỏ ngay tại đường hoa xuân. “Đây hoàn toàn là những ý tưởng của sinh viên và tự các em thiết kế. Những em SV tham gia có kiến thức chuyên môn và xã hội rất tốt, đặc biệt biết chuyển lý thuyết sang kiến thức thực tế. Nhờ những hoạt động như cuộc thi này, SV ra trường tiếp cận thực tế rất nhanh, đây là thế mạnh của nghề kiến trúc sư!”.

HOÀNG HIỆP

.