Đà Nẵng cuối tuần

Người coi hầm thông gió và chiếc đồng hồ âm dương

07:00, 26/09/2015 (GMT+7)

10 năm ròng rã coi hầm, ngắm biển, chọc trăng sao trên đỉnh Hải Vân đệ nhất hùng quan, ông Nguyễn Đình Thông, tổ bảo vệ trạm thông gió đường hầm Hải Vân thường đối mặt với nỗi cô đơn vời vợi trong đêm dài.

Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, con rubic tiếng Việt được ông Thông hoàn thành.
Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, con rubic tiếng Việt được ông Thông hoàn thành.

Những đêm trắng ngắm trăng sao, câu hỏi về vũ trụ tồn tại những gì, và quy luật nào vận hành sự sống lại trỗi dậy, thôi thúc ông sáng chế ra chiếc đồng hồ âm dương với nhiều chức năng.

Cuộc đời ông Nguyễn Đình Thông lắm gập ghềnh, ngăn trở. Quê ở Ninh Bình nhưng thời trai trẻ lại bôn ba sinh sống tận vùng đất Gia Lai - Kon Tum, làm ở Ban Kinh tế được 4 năm rồi tham gia bộ đội ở Đoàn 556. Năm 1983 về lại Gia Lai-Kon Tum làm Ban tuyển sinh giáo dục chuyên nghiệp. Năm 1986, ông quyết định đi học Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và bôn ba rẽ sang con đường kinh doanh. Chốn thương trường, làm đến chức giám đốc của một công ty, có lúc ăn nên làm ra nhưng rồi, công việc làm ăn thua lỗ, ông trở thành tay trắng sau 20 năm lăn lộn với đời. Mãi đến năm 2000, ông mới đưa gia đình về Đà Nẵng, dựng căn nhà nhỏ che nắng mưa, gây dựng lại cơ đồ.

Ở ngoài tuổi 40, với ông, tất cả lại mới bắt đầu. Bữa cơm hai vợ chồng có quả trứng chia đôi, bát cơm sẻ nửa. Suốt 5 năm làm việc ở Xí nghiệp sản xuất kinh doanh nhũ tương nhựa đường Việt Pháp, đến năm 2005, khi hầm Hải Vân nối giữa hai tỉnh thành Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế thông xe, ông nhận nhiệm vụ canh giữ hầm thông gió trên đỉnh núi cao 1.700 mét so với mực nước biển. Một tuần thường lên núi 4 ngày, về nhà 2 ngày. “Ở trên đỉnh núi chơi vơi với trăng sao, trời nước ấy buồn lắm, tuổi trẻ khó lòng trụ lại. Nhất là những đêm đông rét buốt da, cắt thịt. Cả trạm canh chỉ có 2 người, thức xuyên đêm nghe tiếng chim vọng ra từ vách núi rờn rợn”, ông kể.

Ở chốn sơn cùng thủy tận, đối mặt với nỗi cô đơn vời vợi trong đêm dài, những đêm trắng ngắm trăng sao, câu hỏi về vũ trụ tồn tại những gì, và quy luật nào vận hành sự sống lại trỗi dậy trong ông. Những lúc ấy, một cây đèn pin, ông ngồi giữa trời chọc lên không gian để phân biệt từng chòm sao, từng dải thiên hà. Rồi tự đặt ra rất nhiều câu hỏi, phải làm ra một cái gì đó có thể xâu chuỗi lại được quy luật của ngày tháng, thời gian… Thế là nảy ra ý tưởng làm chiếc đồng hồ âm dương.

Suốt 3 năm với hơn một ngàn đêm, ông vắt tay lên trán nghĩ và lấy que vạch xuống đất về mường tượng một chiếc đồng hồ bằng đồ họa hình học, rồi tìm cách phân chia, xoay vặn làm sao cho chiếc đồng hồ không chỉ để xem giờ mà nhìn vào đó người ta định hướng được nếu không may lạc đường. Rồi nhìn vào đó thì biết mình đang ở canh giờ nào, con giáp gì và tuổi nào thì hợp với tuổi nào. Chưa hết, cái sản phẩm mà ông nghĩ tới phải tính toán làm sao để có thể xác định được quy luật, nguyên lý của các chữ cái tiếng Việt, quy luật của 6 con thuyền và 18 con chim Lạc Việt in trên tang trống đồng… Tất cả cứ xoay trong đầu ông đêm này qua đêm khác.

Để thể hiện nguyên lý âm dương gắn với các mặt quay của chiếc đồng hồ hay các nguyên lý tiếng Việt trên con rubic quả không phải chuyện dễ, nhất là khi tất cả phải thể hiện bằng đồ họa hình học. Trăn trở mãi, ông quyết định mua cái máy tính với cái ipad trả góp bằng lương, giờ vẫn chưa hoàn nợ! “Đến bây giờ, công trình của mình coi như đã hoàn tất. Mình cũng rất mong tìm được đối tác hỗ trợ để sản phẩm được ứng dụng vào thực tiễn”, cầm trên tay tấm giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục bản quyền tác giả cấp sau 10 năm miệt mài nghiên cứu, ông Thông thở phào.  

Nhìn qua, chiếc đồng hồ âm dương với đồ họa hình học không mấy bắt mắt đối với nhiều người, nhưng được nghe chính tác giả nói về nó mới thấm hết ý nghĩa và giá trị. Ông Thông giải thích, chỉ cần chiếc đồng hồ này, người dùng nó khi nhìn vào mặt trước đồng hồ là có thể xác định được thời gian âm lịch, dương lịch; biết được tuổi gì hợp với tuổi gì trong số 12 con giáp; đồng thời có thể dùng làm la bàn khi đi lạc.

Ở mặt sau đồng hồ, với đồ họa hình học biểu diễn mối liên hệ và quy luật giữa các âm tiết tiếng Việt giúp người dùng có thể dễ dàng xác định được nguyên âm, bán âm trong tiếng Việt. Từ đồ họa ở mặt sau đồng hồ này, ông Thông đã ứng dụng các nguyên lý vào các ô trên con rubic tạo thành rubic tiếng Việt. Ông nghĩ, trò xoay rubic rất phổ biến nhưng để con rubic thật sự có ích hơn, ông tìm cách lồng vào đó các chữ cái tiếng Việt và quy luật xoay để người dùng nó chơi mà học, nhất là lứa tuổi học sinh có thể dễ dàng phân biệt được đâu là nguyên âm, phụ âm và bán âm.

Để ý tưởng hóa vấn đề này, ông Thông mua từng con rubic chất nhựa dỏm cũ rích về thực hành. Hàng ngàn, thậm chí vài ngàn lần xoay rubic đến chai sần hai bàn tay, ông mới tìm ra nguyên lý sắp xếp 12 nguyên âm tiếng Việt sao cho trùng với chữ cái của 12 con giáp. Rồi từ các nguyên âm, có thể xác định được bao nhiêu phụ âm đi cùng, phụ âm đầu và phụ âm cuối chỉ bằng vài thao tác xoay rubic. Chỉ với con rubic 5 mặt (một mặt để trắng giúp dễ dàng phân biệt âm tiết), người chơi nó không chỉ dùng làm trò tiêu khiển mà còn như một “từ điển sống” xác định chính xác về các từ trong kho tàng tiếng Việt phong phú.

Ông Thông bảo: “Cuộc sống này luôn có sự gắn kết không tách rời giữa âm dương. Dựa vào thuyết âm dương ngũ hành, mình đã tìm ra nguyên lý bánh chưng bánh dầy và các họa tiết trên mặt trống đồng. Những thứ ấy, lâu nay mình chỉ biết qua các truyền thuyết, truyện cổ tích tưởng chừng nó chỉ mang ý nghĩa thần linh nhiều hơn thì nay mình đã giải mã được bằng đồ họa hình học một cách rất khoa học thông qua chiếc đồng hồ âm dương”.

Mười năm miệt mài với nghiên cứu để giải mã những trở trăn của mình, ngoài giờ canh gác, gần như ông không mấy khi rời bàn làm việc. Khi mặt trời khuất sau núi, lớp lớp mây giăng mắc trên ngọn cây, bên gác canh hầm thông gió trên đỉnh Hải Vân quan, ông Thông bắt đầu vào ca trực. Với cây đèn pin trên tay, chiếc đồng hồ cùng con rubic mang theo bên mình, lẫn vào gió núi là giọng người đàn ông ngoại ngũ tuần tự sự về một chặng đường đã qua của mình: Thông già xoãi bóng đuổi nắng trưa/ 20 năm lẻ sần thân gốc/ Tình vẫn đong đầy mặc gió mưa!...

THIÊN LAM

.