Chuyên đề

Lối về cho lồng đèn Việt

15:00, 25/09/2015 (GMT+7)

Nếu chỉ có bánh dẻo, bánh nướng, chỉ có tiếng trống múa lân thùng thình khắp làng trên ngõ dưới mà thiếu những chiếc lồng đèn nhấp nha nhấp nháy thì Trung thu chỉ còn cái xác ngẩn ngơ bị vặt mất hồn vía.

Phụ huynh thích chọn mua lồng đèn Việt cho con. Ảnh: N.H
Phụ huynh thích chọn mua lồng đèn Việt cho con. Ảnh: N.H

Từ lâu, ngày hội trăng rằm bao giờ cũng gắn liền với lễ rước đèn rộn rã. Dưới ánh trăng vàng tan chảy khắp bờ tre, ruộng lúa, từng đoàn trẻ nhỏ, tay cầm lồng đèn xanh đỏ, rồng rắn nối đuôi nhau đi qua khắp nẻo đường, vừa đi vừa hát những bài đồng dao. Hình ảnh ấy đã quá quen thuộc trong đời sống của người Việt và là một nét văn hóa độc đáo không thể thiếu trong Tết Trung thu.

Hồn vía Trung thu

Để làm nên một chiếc đèn truyền thống mang tâm hồn Việt từ loại đơn giản như đèn ông sao, bươm bướm, cá chép đến cầu kỳ hơn như đèn kéo quân… thì phải trải qua ít nhất là mười công đoạn. Từ việc chọn tre, pha cật, uốn nan tạo mẫu đến dán giấy, vẽ màu… Tất cả đều cần đến bàn tay tài hoa và sự sáng tạo của người thợ thủ công lành nghề.

Với Quảng Nam-Đà Nẵng, trước đây nhiều gia đình có thói quen tự tay làm lồng đèn cho con em vui hội trăng rằm. Cả nhà cùng xúm xít bên nhau chẻ tre, cắt giấy, dán, tô vẽ… suốt mấy ngày trời. Làm xong, chiếc đèn được trịnh trọng treo lên trước hiên nhà, nơi cả nhà sẽ bày cỗ đón trăng. Ông Trà Văn Khiêm, 62 tuổi, Trưởng ban Thường trực Hội đồng chư phái tộc làng Hòa Phú, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, nhớ lại: “Hồi còn nhỏ, mỗi lần đến dịp Trung thu là tôi và mấy anh em trong nhà đốn tre làm lồng đèn, xoay tới xoay lui cũng chỉ hai loại là đèn bánh ú và đèn ngôi sao… để treo trong nhà và ngoài vườn cho đẹp”.

Mấy năm trước, cũng vì muốn sống lại những giây phút thơ trẻ hồn nhiên mà ông Phan Phú Cường ở thôn Phú Hòa 1, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang đã cất công làm chiếc đèn kéo quân (anh gọi là đèn quay) cho con anh tham gia Hội thi “Múa lân - Rước đèn” do huyện Hòa Vang tổ chức. Thường thì người ta dán hình người, thú, cảnh vật theo các tích xưa, còn anh “cập nhật” bằng hình các hoạt động về “5 không, 3 có” của thành phố.

Cái đèn quay rất lạ ấy, trẻ con vây quanh thưởng thức là hẳn nhiên rồi, nhưng không ít những người tuổi “tra tra” (vốn đã quen với loại đèn quay cũ) cũng đến xem, trầm trồ khen ngợi. Mỗi năm anh bám vào một chủ đề, như vừa rồi làm lồng đèn cho huyện Hòa Vang tham gia triển lãm kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, anh ghi chủ đề “Vì biển đảo quê hương”.

Trong khi  người lớn loay hoay với những mẫu đèn khổng lồ thì trẻ con tha hồ sáng tạo những chiếc lồng đèn tự chế thật vui mắt. Chính những giờ thủ công ở trường đã giúp các em có thể làm riêng cho mình một chiếc đèn đáng yêu từ lon sữa bò, chai nhựa, chai thủy tinh… Đã có một thời, hồi bao cấp, trẻ con từ nông thôn đến thành thị đã say mê mốt lồng đèn đẩy làm bằng lon sữa bò. Thay vì xách lồng đèn, bọn trẻ lại đẩy chiếc xe chở đầy ánh sáng chạy loằng ngoằng khắp xóm như một “lễ hội ánh sáng” đi đón chị Hằng.

Hồi sinh lồng đèn Việt

Tết Trung thu truyền thống của người Việt nên không thể vắng bóng những chiếc lồng đèn giấy xanh, giấy đỏ đậm hồn quê hương, xứ sở. Thế mà có một dạo, người ta dường như quên bẵng chiếc lồng đèn truyền thống mà đổ xô đi mua những chiếc đèn điện tử Trung Quốc giá rẻ nhưng vô hồn. Nhưng rồi những chiếc lồng đèn ông sao, cá chép, chuồn chuồn, bươm bướm… cùng thứ ánh sáng mang sắc màu cổ tích diệu kỳ đã quay trở lại với sức hút không nhỏ đối với nhiều người Việt Nam.

Nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi, trong đó lễ hội rước đèn như một điểm nhấn đầy hấp dẫn. Ngay như Trường THPT Phan Châu Trinh, một ngôi trường mà các em học sinh không ở độ tuổi “rước đèn, lĩnh bánh” nhưng Cuộc thi làm lồng đèn Trung thu vẫn được Đoàn trường phát động ở tất cả các chi đoàn vào dịp Trung thu năm ngoái. Lễ hội lồng đèn được tổ chức trong sân trường, dưới ánh trăng huyền ảo được đông đảo học sinh tham gia. Cuộc thi đã giúp học sinh vừa có thể vận dụng các kiến thức đã học về điện tử, về hình học, hội họa... vào trong các mô hình lồng đèn, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Lồng đèn truyền thống Việt giờ dễ dàng tìm thấy tại các quầy hàng bán lẻ trên tuyến đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ, với hơn 100 mẫu lồng đèn Việt Nam các loại làm từ chất liệu nhựa, giấy và mút xốp. Khi được hỏi sẽ chọn mua loại lồng đèn nào cho con em mình trong ngày Tết Trung thu, các bậc phụ huynh đưa con mua sắm ở đây đều có chung câu trả lời là sẽ mua lồng đèn Việt. Họ cho rằng, lồng đèn Trung Quốc màu mè dễ nhiễm độc, pin dễ gây cháy nổ rất nguy hiểm cho trẻ con. Nhưng quan trọng hơn hết là lồng đèn Việt đậm hồn quê hương đất nước…

Một nhân viên ở cửa hàng đồ chơi trẻ con Mỹ Ngọc (ngã tư Hùng Vương – Phan Châu Trinh) cho hay những năm gần đây, lồng đèn Việt bắt đầu chiếm lại thị phần là do nhận thức của người tiêu dùng được nâng cao, chất lượng lồng đèn Việt tốt hơn, mẫu mã phù hợp với thị hiếu…

Một anh đang lựa đèn cho con, nói thêm: Sự kiện tàu Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế nước ta hồi năm ngoái cũng là nguyên nhân khiến người Việt tẩy chay hàng Trung Quốc.
Giá lồng đèn Việt cũng rất “mềm”, chỉ 7.500 - 9.500 đồng là có thể mua một chiếc đèn giấy với các hình ảnh cô Tiên, chú Cuội, chị Hằng, ông Lân, ông Địa, hình các con thú...

Cao giá hơn có đèn nhựa 41.000 - 55.000 đồng một sản phẩm với các nhân vật Bạch Tuyết, Doremon, Pokemon... Riêng loại lồng đèn lắp ráp thông minh có giá 85.000 đồng một chiếc hóa thân nhân vật công chúa Minion, Nữ hoàng Băng giá (các nhân vật hoạt hình như thật, rất nổi tiếng) là sản phẩm mới năm nay.

Có thể nói rằng, chính tình yêu đất nước đã làm hồi sinh chiếc lồng đèn Việt. Không chỉ vậy mà nhiều địa phương trên đất nước ta như Phan Thiết, Tuyên Quang đã tổ chức thành công Lễ hội rước đèn hằng năm. Đặc biệt là lễ hội rước đèn Trung thu tại Phan Thiết đã bước sang tuổi 20 và được Tạp chí Vietbooks xác nhận đây là “Lễ hội rước đèn Trung thu lớn nhất Việt Nam” và nhận giải thưởng The Guide Awards cho “Lễ hội văn hóa đặc sắc và thành công nhất phục vụ ngành du lịch Việt Nam”.

Trông người mà ngẫm đến ta, ước gì Đà Nẵng cũng có một lễ hội trăng rằm với quy mô toàn thành phố. Điều này không chỉ mở ra lối về cho nghề làm lồng đèn Việt, phục hồi một nét đẹp truyền thống của dân tộc mà còn kích thích khách du lịch bốn phương đến đón Tết Trung thu ở thành phố bên sông Hàn thơ mộng…

NHƯ HẠNH

.