Đà Nẵng cuối tuần

Về thói ỷ lại, dựa dẫm

06:55, 06/09/2015 (GMT+7)

Trong đợt 1 của đợt đăng ký xét tuyển (ĐKXT) ĐH, CĐ năm 2015, Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng gặp phải một trường hợp khá hy hữu và cũng không biết phải nên bình luận thế nào: Thí sinh H.T.T.T dù chưa nộp hồ sơ ĐKXT nhưng lại có nguyện vọng xin được rút hồ sơ.

Ngày cuối cùng nộp-rút hồ sơ ở ĐH Đà Nẵng.
Ngày cuối cùng nộp-rút hồ sơ ở ĐH Đà Nẵng.

Theo như T. cho biết, kết quả 3 môn thi xét tuyển ĐH, CĐ em được 14 điểm và có nguyện vọng xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhưng thấy điểm thấp hơn điểm sàn nên thôi và đến để rút hồ sơ (!).

Theo dõi, phản ảnh tuyển sinh ĐH, CĐ trong nhiều năm, chúng tôi nhận thấy rằng có nhiều trường hợp chỉnh sửa giấy báo dự thi xuất phát từ lỗi của thí sinh. Lỗi do không có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin thì còn thông cảm được, nhưng có những lỗi mà nguyên nhân chỉ có thể là do sự thờ ơ, cẩu thả của thí sinh: nhầm năm sinh, nhầm trường đăng ký dự thi, thậm chí nhầm cả nguyện vọng.

Như thống kê của ĐH Huế, có đến gần 400 trường hợp thí sinh viết sai môn thi của tổ hợp, khai nhầm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên… Thậm chí, có nhiều thí sinh sử dụng phiếu báo điểm dành cho xét tuyển bổ sung.

Theo nguyên tắc, những hồ sơ này đều không hợp lệ và không được tham gia xét tuyển, nhưng ĐH Huế cũng linh động giải quyết theo hướng cập nhật tên của thí sinh trên hệ thống để tạo điều kiện cho thí sinh điều chỉnh; còn ĐH Đà Nẵng thành lập một tổ sinh viên tình nguyện liên lạc trực tiếp với những thí sinh có sai sót để các em kịp thời chỉnh sửa.

Những ngày cuối của đợt xét tuyển đợt 1 tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, dù thông tin được các trường ĐH gần như cập nhật hằng ngày, nhưng không phải thí sinh nào cũng nắm kỹ, nhất là những ngành xét tuyển có kèm theo điều kiện bổ sung. Như trường hợp một thí sinh nữ vừa tốt nghiệp Trường THPT Ba Gia (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) sáng 20-8, ngày cuối cùng của đợt nộp hồ sơ đợt 1, bạn này như ngồi trên đống lửa vì không đọc kỹ điều kiện bổ sung xét tuyển vào ngành Y đa khoa của Khoa Y Dược (ĐH Đà Nẵng).

Theo đó, thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào ngành này thì điểm thi môn Toán phải từ 9 điểm trở lên, trong khi em chỉ được 8,25 điểm. “Em được 26 điểm, nộp vào ĐH Y Dược Huế nhưng không đủ điểm nên đã nhờ thầy giáo xin điều chỉnh hồ sơ tại Sở GD&ĐT Quảng Ngãi rồi ra ĐH Đà Nẵng xem cho yên tâm. Giờ hệ thống đang chờ xử lý, giờ có muốn điều chỉnh lại cũng không được, phải chờ, mà ngày này đã là ngày chót”.

Dù kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm nay có nhiều thay đổi trong quy chế thi và xét tuyển, nhưng thí sinh được cập nhật thông qua rất nhiều kênh chuyển tải. Công tác tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp ngày càng được tổ chức theo chiều sâu với sự tham gia của rất nhiều lực lượng, từ ban tư vấn của các trường THPT, các trường TCCN, CĐ, ĐH với rất nhiều kênh thông tin: qua báo chí, ngày hội tư vấn tuyển sinh, cán bộ làm công tác thu nhận hồ sơ hướng dẫn trực tiếp… Nhưng có vẻ như càng nhiều thông tin, nhiều hướng dẫn, được tạo điều kiện… thì thí sinh càng ỷ lại, càng có những sai sót rất ngớ ngẩn.

Người viết bài này cứ băn khoăn mãi, có phải nguyên nhân của những sai sót trên là do thí sinh cứ được tạo điều kiện để sửa chữa, điều chỉnh nên thành ra có những em thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình. Các em hầu như không phải chịu hậu quả về những sai sót của bản thân; có chăng, là chỉ phát sinh thêm khối lượng công việc cho những người làm công tác tuyển sinh. Một giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) kể, có những thí sinh cho đến tận lúc thi cũng không cần nhớ mình thi ở phòng nào, số báo danh bao nhiêu.

Thế nhưng, sâu xa hơn, có lẽ lỗi này có một phần là các em đã quen được làm thay, quen được cầm tay chỉ việc. Gặp những tình huống, những vấn đề cần phải xử lý, cho dù là đơn giản, người lớn thường hay đứng ra làm thay cho các em. Thế nên dần dà, các em có thói quen ỷ lại, dựa dẫm, thờ ơ và thiếu trách nhiệm trước ngưỡng cửa cuộc đời của
chính mình.

HÀ TRẦN

.