Đà Nẵng cuối tuần

Lớn lên từ xóm chợ

14:18, 04/09/2015 (GMT+7)

Hồi tiểu học, mỗi lần các bạn trong lớp tôi ồn ào là cô giáo lại “mắng yêu”: “Nói chuyện như mấy bà hàng tôm, hàng cá!”. Không riêng cô giáo, tôi từng nghe rất nhiều người hễ có ý chê bai ai đó ăn nói bỗ bã, hàm hồ là lập tức đem ví von như… mấy bà ngồi chợ.

Lúc ấy, một đứa học trò bé bằng que kẹo như tôi không biết làm cách nào “phản biện” lại lời những lời so sánh ấy. Để ý, tôi thấy hầu hết những người thốt lên câu này đều không may mắn được lớn lên từ chợ. Họ không có bà, mẹ hay chị em ruột “lết” chợ để nuôi sống mình.

 Một góc chợ Cồn ngày cao điểm.Ảnh: MINH TRÍ
Một góc chợ Cồn ngày cao điểm. Ảnh: MINH TRÍ

Nơi tôi sống là khu lao động với cái chợ tạm nằm lọt thỏm giữa xóm. Chợ không có tên, không có bảo vệ, ban quản lý càng không, nhưng khi tôi biết hít hà cái không khí chợ búa, thì chợ đã có từ trước đó rất lâu và tồn tại qua nhiều năm tháng. Tất cả mọi người trong xóm đều làm chung một nghề buôn bán ở chợ. Chợ là sự sống, bầu không khí, là chốn đi về và cả nơi chứng kiến mọi vui buồn, thành bại của người lớn lẫn trẻ con xóm tôi.

Phía bên kia “ranh giới” xóm chợ là xóm sư phạm, nơi tập trung sinh sống của giáo viên các cấp. Cuộc sống xóm chợ so với xóm sư phạm thật đầy những khác biệt. Đám trẻ con ở xóm sư phạm ăn, ngủ, học, chơi đều theo giờ giấc khoa học. Thích nhất là mấy mươi năm trước, các bạn ấy đã được chơi gấu bông, được ba mẹ tổ chức sinh nhật bài bản, được học múa,  học đàn…

Ngược với cuộc sống “xóm trí thức”, trẻ con xóm chợ tha hồ trốn ngủ trưa đi hái trộm, tắm biển đến nỗi đen nhẻm. Chỉ ngày đầu tiên đi học là chúng tôi còn bám ba mẹ đến lớp. Sau đó, suốt bao năm tiểu học, tụi nhỏ cả xóm tự dắt nhau đi-về, chuẩn bị đồ đạc, hướng dẫn nhau nấu cơm, chiên cá ăn chắc bụng kịp giờ đi học. Trước ngày khai giảng, cả xóm xúm lại bao vở, dán bảng tên. Và cứ đến cuối năm học, cả xóm lại túm tụm rọc giấy vở cũ bán chai bao kiếm thêm tiền mua vở mới.

So với các bạn “xóm trí thức”, đám trẻ con chúng tôi có phần nhọc nhằn hơn. Nhưng thiệt tình lúc đó đứa nào cũng thấy mình “sướng rơn,” vì nhìn quanh người lớn, người già trong xóm ai ai cũng cực.
4 giờ sáng cả xóm đã lục đục đẩy rau, gánh gạo ra chợ. Chợ ngày đó không có chỗ để giữ đồ qua đêm, nên có bao nhiêu hàng hóa, mọi người cứ bày ra bán, đến tối lại còng lưng quẩy tất cả về nhà. Bữa tối của mỗi gia đình thường bắt đầu khi ai nấy đã muốn lăn ra ngủ.

Mỗi tối, khi phụ huynh xóm sư phạm kèm cặp, nắn nót từng con chữ cho con, thì đôi tay thô ráp, chai sạn của ba mẹ chúng tôi đang gói gém từng đồng tiền, vuốt vuốt cho thẳng tắp. Tôi vẫn nhớ, má gom tiền lẻ ngồi đếm đếm, rồi ngưng lại lẩm nhẩm mai trả nợ, mốt nhập hàng. Tôi cũng luôn ám ảnh cảnh ba cong người đẩy những chuyến xe đầy nhóc trên con đường đất ướt sũng, rồi ngồi… ngắm mưa vì chợ ế khách. Vì vậy mà mãi sau này, mỗi chiều nghe mưa giông, lòng tôi luôn chộn rộn một nỗi lo mơ hồ…

Có lẽ vì quanh mình là những người lao động tay chân, đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm sống hằng ngày, nên mấy đứa con nít xóm chợ cũng dễ thích nghi với cuộc sống hơn thì phải. Những đứa trẻ  ngày ấy giờ đã là cô giáo, giảng viên, kế toán, dược sĩ, bà bán bún, chị bán thịt heo, cô thợ uốn tóc, v.v… Ở ngành nghề nào, mọi người cũng thấy việc lăn lộn kiếm tiền, đương đầu với cuộc sống là điều hết sức bình thường, khi mỗi người còn có một kí ức để soi vào, để thấy “dù sao mình vẫn đỡ khổ hơn cha mẹ ngày xưa”.

Tôi nghĩ lớn lên ở chợ là một sự may mắn, bởi những khắc nghiệt của cuộc mưu sinh tự lúc nào bồi đắp trong mỗi đứa trẻ khả năng thích nghi với hoàn cảnh. Cái mà sau này người ta gọi tên là “kỹ năng sống”. Và cũng nhờ được nhìn những giọt mồ hôi cay xè mắt ba, những chén cơm nguội ngắt giữa chợ của má, và những ngày giông bão ầm ầm, cả xóm vẫn dậy sớm đương đầu ra chợ, nên đám trẻ con ngày xưa ấy, dù nhiều đứa giờ đây không còn ngồi chợ, nhưng chốn buôn bán xô bồ đó vẫn luôn là khoảng lặng ngọt ngào tận sâu. Nhất là, chắc chắn rằng, các bà, các chị, các anh ngồi chợ trong mắt chúng thực sự là những con người chân chất, đẹp đẽ nhất.

Những người ngồi chợ còn bị xếp vào tầng lớp “học không nhiều”. Họ giỏi tính rợ chứ không đủ thông thái để tư vấn cho con chọn ngành, học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng đã có biết bao “ông này, bà nọ” được nuôi lớn từ gánh hàng ngồi chợ của mẹ. Một bà bán rau tự hào nói với tôi rằng, đứa con gái lớn của bà đã hoàn thành chương trình thạc sĩ. Đứa út thì được học bổng bán phần, giờ bà đang tằn tiện kiếm đủ tiền cho con đi du học Anh quốc vào cuối năm nay. Chữ nghĩa của bà chỉ đủ viết tên mấy loại rau củ. Sáng nào, kể cả ngày bão cấp 12, bà vẫn đi chở hàng từ 1 giờ sáng để kiếm tiền. Bị cho là “dân ngồi chợ ít học”, cũng chẳng sao với bà cả!

THU HOA

.