Đà Nẵng cuối tuần
Có một đối thủ như Thái Lan
Vòng loại World Cup 2018, ngay trên sân nhà, đội tuyển Việt Nam thua đối thủ Thái Lan ba bàn không gỡ (ảnh). Bán kết giải Futsal Đông Nam Á, tuyển Việt Nam bị tuyển Thái Lan đánh bại những 6-0. Chỉ trong ba ngày, cả bóng đá ngoài trời lẫn bóng đá trong nhà đều té ngã lấm lưng trước người láng giềng phía Tây. Hai cú vấp thổi luồng gió bi quan vào thân phận nền bóng đá nửa dơi nửa chuột trên con đường chuyên nghiệp hóa được hô hào ầm ĩ gần hai chục năm qua.
Thất bại mới nhất khiến đường vào vòng đấu bảng kế tiếp của đội tuyển nhà ở sân chơi World Cup gần như bị bịt kín. Nhưng nỗi cay đắng dường không nằm ở việc bóng đá Việt Nam mất dịp thi thố tài nghệ trên đấu trường danh giá toàn cầu mà rơi vào chỗ mất mặt trước một người láng giềng mà lâu nay có người vẫn nghĩ họ không giỏi hơn mình. Nhiều ý kiến chê trách huấn luyện viên người Nhật không biết người biết ta, chậm chạp và sơ hở trong cách dụng binh hoặc thiếu tinh tế trong đối sách chống lại người Thái. Và khi vị thuyền trưởng lỡ lời phê phán tuyển thủ nhà thiếu nghị lực, sớm buông tay thì nhiều người liền trút giận lên đầu ông Miura, bảo chính ông phải chịu trách nhiệm về trận thua tan tác. Vài lãnh đạo của VFF cũng hướng địa chỉ thất bại về phía ông thầy người Nhật.
Nhưng liệu có công bằng không khi dồn hết trách nhiệm chiến bại lên vai một người nước ngoài làm thuê đến với nền bóng đá này chưa được bao lâu?
Thực tế là bóng đá Việt Nam, dù từng thắng bóng đá Thái Lan ở một vài vận hội trong quá khứ như Tiger Cup, AFF Cup song trong thâm tâm, ít người nghĩ rằng mình đã đủ lực vượt được ông bạn láng giềng. Một cách thực lòng, nhiều người nhận ra sự vượt trội của bóng đá Thái mang tính bền vững, căn cơ trong khi các vấp ngã của họ trước các đối thủ cùng khu vực chỉ ở dạng tạm thời, như một tai nạn. Bóng đá Thái Lan từng trải qua các cơn khủng hoảng khiến thành tích chững lại hoặc đi xuống. Nhưng cũng ngay tức thì, họ kịp lấy lại thăng bằng để nhanh chóng đứng dậy và tìm lại chỗ đứng của riêng mình.
Các đối thủ khó lòng chờ đợi một Thái Lan mất phương hướng hay sụp đổ dài lâu. Đó là ưu điểm của một nền bóng đá giàu nội lực, chí thú với tố chất chuyên nghiệp và hàm dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó luôn đề cao tinh thần đoàn kết, sự tự tin cùng ý thức khiêm tốn học hỏi để tiến bộ. Hãy xem cách chơi của tuyển thủ Thái trên sân Mỹ Đình mới đây: Từ dáng chạy, lối tranh bóng đến cách phối hợp nhóm trong các pha tấn công, tất cả đều toát lên thần thái tự tin, tận lực trong một thực thể thuần nhất, đồng lòng.
Chiến thắng của bóng đá Thái càng có ý nghĩa lớn khi đội tuyển của họ bây giờ được dẫn dắt bởi một chuyên gia “cây nhà lá vườn”: cựu danh thủ Kiatisak. Đừng quên người Thái từng tốn tiền thuê nhiều chuyên gia cự phách về nắm đội tuyển - một trong số đó là cựu danh thủ Anh Brian Robson! Nhiều người ca ngợi sự sắc sảo của Kiatisak nhưng ít ai tự hỏi để có được một nhân tài cầm chịch như cựu tuyển thủ từng khoác áo Hoàng Anh Gia Lai này, bóng đá Thái đã nhìn xa như thế nào và đã chăm chút chuẩn bị trong bao lâu!
Vậy thì, với những ai biết học hỏi từ những kẻ từng đánh bại mình, có được một đối thủ như người Thái lại là điều may mắn. Bóng đá Việt Nam, ở một góc độ nào đó, phải biết cảm ơn người bạn “khó ưa” này. Người bạn ấy dạy cho ta biết buồn đau vì thua thiệt, biết cay đắng tủi hổ vì chiến bại. Và, quan trọng bức thiết hơn, người bạn ấy cũng thúc giục ta tìm cách vươn lên tìm đến cái ngày đánh bại được chính họ!
ĐÌNH XÊ