Chuyên đề

Thay đổi cách dạy và học ngoại ngữ

06:56, 10/10/2015 (GMT+7)

Yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình, hình thức kiểm tra đánh giá; tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên và chất lượng phục vụ đào tạo.

Một chuyên gia nước ngoài trao đổi ý tưởng mới trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh tại Hội thảo chuyên đề quốc tế 2015 “Giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ” ở Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Một chuyên gia nước ngoài trao đổi ý tưởng mới trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh tại Hội thảo chuyên đề quốc tế 2015 “Giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ” ở Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Hiệu quả hội thảo và nỗ lực tự thân

Cuối tháng 7 vừa qua, hơn 400 đại biểu là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, giảng viên, giáo viên tiếng Anh trong nước và thế giới đã đến Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng tham dự Hội thảo chuyên đề quốc tế “Giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ” do Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Quốc tế TESOL tổ chức.

Lần đầu tiên đến với Việt Nam, Hiệp hội Quốc tế TESOL (Teaching English to Speakers of Other Languages - Giảng dạy tiếng Anh cho người nói các ngôn ngữ khác) đã cùng 7 chuyên gia quốc tế đến từ các trường ĐH danh tiếng của các nước và vùng lãnh thổ Anh, Hoa Kỳ, Úc, Hồng Kông, với gần 20 diễn giả đến từ các trường ĐH uy tín trên cả nước chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trao đổi ý tưởng mới trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh.

TS. Nguyễn Văn Long, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng cho biết, hội thảo không chỉ là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ, thảo luận những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, các vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc giảng dạy tiếng Anh mà còn là cơ hội quý báu cho các đại biểu là giáo viên, giảng viên tiếng Anh có thể bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và chia sẻ, giao lưu với đồng nghiệp từ các nơi trên thế giới.

Trước đó, nhà trường đã đăng cai tổ chức các hội thảo quốc tế về giảng dạy ngoại ngữ như hội thảo với Trường ĐH Curtin (Vương quốc Anh) năm 2012, hội thảo quốc tế ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ GLoCALL năm 2013… Đây là các diễn đàn quan trọng cho giảng viên nhà trường trao đổi học thuật, chuyên môn và cập nhật phương pháp giảng dạy.

Ngoài hiệu quả thực tiễn mang lại từ các hội thảo tầm cỡ quốc tế, quốc gia, đội ngũ giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ đã chủ trì các đề tài nghiên cứu thuộc Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, hội thảo các cấp về nâng cao phương pháp giảng dạy cho giáo viên ngoại ngữ. Từ đó, giảng viên có cơ hội rà soát hiệu quả của hoạt động đổi mới, nâng tầm năng lực chuyên sâu trong đổi mới phương pháp giảng dạy.

Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, TS Trần Hữu Phúc cho hay, việc rà soát chương trình đào tạo và đổi mới giáo trình được nhà trường thường xuyên quan tâm, xem đây là những khâu then chốt trong hoạt động đảm bảo chất lượng của trường. Trong những năm qua, nhà trường đã liên tục đánh giá giáo trình, điều chỉnh và thay đổi giáo trình theo định hướng phù hợp nhất, đáp ứng nhu cầu xã hội thông qua việc lấy ý kiến cựu sinh viên và nhà tuyển dụng, và những quy định mới về chuẩn năng lực ngoại ngữ.

Đối với nguồn nhân lực, hầu hết giảng viên nhà trường đều được đào tạo sau ĐH tại các trường ĐH có uy tín ở nước ngoài, hằng năm nhà trường đưa nhiều cán bộ đi nghiên cứu và học tập trao đổi học thuật, chuyên môn và năng lực sư phạm nhằm đáp ứng tốt nguồn nhân lực chất lượng cao của một cơ sở giáo dục ĐH. Hiện nay trường có tổng số 229 giảng viên, trong đó có 3 phó giáo sư, 23 tiến sĩ, 157 thạc sĩ. Hầu hết giảng viên của nhà trường đều được đào tạo sau ĐH tại các nước bản ngữ.

Những định hướng chiến lược

Chương trình dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam trước đây được viết theo cách tiếp cận ngôn ngữ nhiều hơn là tiếp cận giao tiếp. TS Trần Hữu Phúc giải thích thêm: “Mỗi đường hướng tiếp cận dù là ngôn ngữ hay giao tiếp đều có ý nghĩa khoa học và chuyên môn trong xây dựng chương trình. Sự kết hợp hài hòa cả hai mặt nâng cao kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp trong chương trình đào tạo là điều cần thiết. Hàm lượng của các yếu tố trong chương trình đào tạo được tuân thủ bởi các nguyên tắc chuyên môn và quy định chung của Bộ GD&ĐT. Việc rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo là nhằm khắc phục các điểm chưa tốt, hoặc không còn phù hợp, phát huy điểm mạnh và thay thế bằng các yếu tố thời đại mang tính xu hướng”.

Về việc rà soát năng lực tiếng Anh đầu vào của sinh viên, theo lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, đơn vị đã thực hiện từ năm 2012 để tổ chức lớp đúng năng lực nhằm giúp sinh viên có điều kiện học đúng lớp, giáo viên có điều kiện lựa chọn đúng phương pháp cho đối tượng thuần nhất trong lớp học. Ngoài ra, đây còn là cơ sở cho trường đào tạo nắm bắt dữ liệu về năng lực ban đầu của sinh viên, để có lộ trình hỗ trợ các em còn yếu, bổ trợ thêm cho các em giỏi hơn phát triển năng lực ngoại ngữ của mình.

Là một thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Ngoại ngữ được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị thành viên tổ chức kỳ thi xếp lớp đầu vào ngoại ngữ cho sinh viên, tham mưu công tác chuyên môn cho đơn vị tổ chức. Trên thực tế, nhà trường đã xây dựng đề án tiếng Anh tăng cường nhằm hỗ trợ sinh viên ĐH Đà Nẵng học và thi đạt chuẩn đầu ra từ năm học 2012 - 2013.

Nhà trường hiện chuyển dần từ thi trực tiếp sang thi trực tuyến, một chủ trương của nhà trường trong việc khai thác tối đa khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học và kiểm tra đánh giá​​. Một phần giảm tốn kém chi phí, tiết kiệm nguồn lực và thời gian, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khảo thí, đón đầu xu hướng mới trong công tác đánh giá năng lực người học; phần khác giúp sinh viên làm quen với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và nghiên cứu, tiếp cận dần với công nghệ chuẩn bị hành trang cho những đòi hỏi kỹ năng cao từ thị trường lao động.

Theo TS Phúc, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong dạy và học ngoại ngữ là một định hướng chiến lược của nhà trường nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo chất lượng trong toàn trường. Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này​​, trường đã được Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 giao trọng trách nghiên cứu và triển khai​​ ứng dụng các tính năng sư phạm của công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.

Việc đổi mới dạy và học ngoại ngữ đang đặt ra những định hướng chiến lược mà một trong số đó, theo TS Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, là: “Chuyển dần từ dạy học ngoại ngữ như một môn khoa học sang dạy như một môn kỹ năng, từ sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống sang đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp với mục tiêu: Học ngoại ngữ không phải chỉ để hiểu, để biết ngoại ngữ mà học là để dùng ngoại ngữ”.

VĂN THÀNH LÊ

.