.
Giới thiệu sách

Người vẽ màu ký ức

.

Với Màu ký ức, tôi là độc giả muộn. Trước đó, nhiều người đã đọc và thể hiện tri âm. Không ít người đã đi tìm và gọi tên màu của ký ức. Là màu xanh trong cắt nghĩa của Vi Thùy Linh.

Còn Đặng Huy Giang, Lê Mạnh Tuấn không định vị một gam màu cụ thể, mà gọi đó là màu của cảm xúc, màu của tâm trạng, màu của đời sống. Và dù cho ký ức đó có sắc gì, thì người đọc cũng đã hồn nhiên yêu thương những vần thơ da diết nảy sinh từ cuộc sống “du mục” (từ của Nguyễn Quang Thiều) và ý thức gìn giữ những vẻ đẹp cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Tác giả và tập thơ “Màu ký ức”.
Tác giả và tập thơ “Màu ký ức”.

Pháo hoa giao thừa lung linh mắt em/Mưa rắc nhẹ thoảng lan hương bưởi/Dưới tán cây, nhựa lặng thầm xanh lá/Những mùa hoa Đất Nước nở yên bình (Hoa giao thừa). Sự dẫn dắt bất ngờ từ Em sang Đất Nước, sự tỉnh táo đáng ngạc nhiên ngay trong thời khắc giao cảm tinh tế, lãng mạn làm lay động tư duy người đọc. Tôi đi ngược lối.

Tiếp tục đọc thơ, nhưng tâm ý không nặng về những mảng ký ức đã đổ màu, đổ hương, đổ vị trong thơ Nguyễn Hồng Vinh nữa, mà nghiêng về chủ nhân của những thương nhớ đó. Thì ra, thơ không phải là chính nghiệp của con người này. Đây là “sản phẩm tinh thần” của một nhà báo, nhà chính trị có vốn liếng nghệ thuật khá sung túc được hàm chứa trong tập thơ thứ năm của đời thơ Nguyễn Hồng Vinh. Và con người ấy như tôi thấy, đã hiện diện trong thơ mình thật đặc biệt.

54 bài thơ trong Màu ký ức chủ yếu được viết trong hai năm lại đây (năm 2014, 2015). Ngạc nhiên vì sao con người ấy đã bước sang tuổi thất thập lại nhớ chi tiết, tường tận từng vệt, từng vệt ký ức của ngày xưa xa. Sức cảm của những câu thơ sau là nhờ trí nhớ không phụ một tấm lòng sâu nặng nghĩa tình với quá khứ tuy xót xa, nhưng mãi là động lực tinh thần của nhà thơ: Khuya khoắt còng lưng kéo nước/Gầu sòng nan vá chồng nhau/Nón lá, áo tơi, gió thốc/Cùi cũi mẹ cấy đêm thâu (Mẹ mãi còn đây).

Mạch cảm xúc chân thành đã làm nên con người Nguyễn Hồng Vinh trong thơ. “Trai Cầu Vòi cho đáng nên trai”, tính đến thời điểm này, bằng cuộc đời thực của mình, tác giả đã thực hiện vẹn tròn lời người thân căn dặn. Điều đáng trọng là, không vì thế mà nhà thơ chối bỏ gốc gác, quá khứ nghèo khó của mình. Mỗi ngày sống hiện tại, tác giả vẫn đau đáu ngóng về: Anh khóc chào đời trước bình minh/Đêm bão giật, đồng chiêm trắng nước/Mẹ đói lả, húp nước rau muống luộc/Thuyền cha lách sóng chao nghiêng… (Trước bình minh).

Đứa con út trong gia đình thuần nông đông con cùng tháng cùng năm mà lớn, mà khôn với một tâm hồn nhạy cảm, nhanh rung động, dễ yêu thương. Những chuyến đi qua nhiều vùng miền, gặp gỡ nhiều con người, dệt cảm xúc lắng đọng thành thơ. Tuy nhiên, những gì mà tác giả nâng niu nhất và luôn dọn lòng cho nó trú ngụ, lại là những điều rất đỗi bình dị, đáng yêu.

Thơ Nguyễn Hồng Vinh hay có sự đồng hiện về không gian và thời gian để người đọc nhận chân sự lựa chọn của con tim nhà thơ. Hương tóc là một ví dụ: Hà Nội đầu thu/Nắng vàng như mật/Bất thần sầm sập mưa/Trời muốn em gội đầu lần nữa/Mặc hương bồ kết theo mưa… Nhiều lần, tác giả để câu thơ mình vướng vít, để tiếng lòng mình khắc khoải vị hương bồ kết. Màu ký ức lúc ấy, lại là mùi ký ức đậm chất “hương đồng cỏ nội”, dù rằng nhà thơ đã từ giã vùng đồng quê chiêm trũng Nam Định lên với Hà thành từ lâu...

Trái tim của Nguyễn Hồng Vinh mang hồn điệu của chàng thanh niên trẻ tuổi rạo rực, đắm say. Nhiều câu thơ cho thấy chất phong tình: Mai vội về xuôi em hỡi/Mang theo Phong Thổ trời mây/Có một Vàng Pheo thương nhớ/Thổi hồn nâng cánh thơ bay! (Nhớ mãi Vàng Pheo). Những bài thơ hay nhất của tập thơ theo tôi là thơ tình, tiếng lòng của một trái tim “nhịp vẫn rộn một thời trai trẻ”. Những câu thơ sau, tình đến không ngờ: Lục bình dập dềnh sóng gợn/Triền sông tím mát, chiều nghiêng/Mắt ai lung linh Vàm Cỏ/Để anh chấp chới lòng thuyền?! (Chiều nghiêng); Đêm Phú Quốc/Bãi Sau tấp nập/Hương cà-phê gọi mời/Khi nào em tới?/Vũng Tàu năm nao/Chúng mình hẹn gặp Bãi Sau/Em lại vòng Bãi Trước?/Hờn giận cứ nối nhau… (Từ Bãi Sau, Bãi Trước). Đó là những câu thơ vượt thoát thời gian. Đúng như tinh thần của bài thơ Không mùa: “Tháng năm dài vời vợi/Tình yêu không có mùa/Cả khi xa dằng dặc/Chẳng phút nào phôi phai!...”. Con người ấy đã “trốn tìm thời gian” thành công và duy dưỡng tuổi thanh xuân bằng trái tim đa cảm. Màu ký ức tươi tắn lên là nhờ điều ấy.

Sự trẻ lòng mang đến một quy luật riêng của thơ Nguyễn Hồng Vinh. Trong một số bài thơ, tác giả đã có một sự “đánh tráo” dễ thương giữa Em và một khái niệm không gian rộng lớn khác. Em và nước Nga trong Thăm lại Xanh Pê-téc-bua. Em và sông Sen với Trên sông Sen. Thú vị khi đọc được những câu thơ gợi mở nhiều liên tưởng kiểu như: Mai về Hà thành tha thiết/Giấc mơ chập chờn canh thâu/Ngày này năm sau em nhé/Tới đây, đi dạo đôi bờ!...” (Trên sông Sen). Một sự che giấu điều khó tái diễn đối với người làm thơ bởi lời hò hẹn tâm tình. Thơ đã không thể giữ được “bí mật” cho sự đắm say quên tuổi của nhà thơ này với những xúc cảm nồng nàn như lửa tình yêu cho cả những không gian xa lạ, mênh mang…

Tuy nhiên, vẫn có những phút giây trong cuộc đời, nhà thơ rơi vào khoảng lặng trước quy luật của tự nhiên và con người: Muốn níu kéo thời gian/Ước tuổi thơ quay lại/Nhưng con tim bất kham/Cứ nhịp phi nước đại (Ngã ba). Ám ảnh thời gian xuất hiện như điều tất yếu, “tuổi hoa niên qua rồi”, quỹ thời gian cạn dần rồi! Là bởi quy luật tâm lý của đời người, khi đi xa quá ngày xưa thì tim ta hay nhớ. Là do quán tính tình cảm của những ai lớn lên trong những ngày đất nước không bình yên và đã từng gắn bó với chiến trường.

Trong dòng hồi ức của nhà thơ, không chỉ là vùng quê tuổi thơ, là mối quan hệ con người trong dòng đời thuận nghịch, mà còn gói ghém nghĩ suy về chiến tranh và Tổ quốc. Nhận ra sự dồn thúc của nhịp ngày nên dẫu không có ý đề cập sâu những gian lao, mất mát trong chiến tranh, song có những câu thơ cũng không thể giấu nỗi buồn với gánh nặng xúc cảm riêng tư: Giáp Ngọ xuân này/ 30 Tết vắng Cha/ 20 năm vắng Mẹ/ Còn mộ Anh vẫn thăm thẳm Trường Sơn/ Xin được khói nhang ấm chỗ Anh nằm/ Vong linh Mẹ, Cha thanh thoát! (Nén nhang xuân). Sắp đi hết đường đời rồi mà sự day dứt tâm linh vẫn đau đáu tháng năm.

Đọc thơ Nguyễn Hồng Vinh nhận thấy sự trải nghiệm của cuộc đời mang nhiều ý nghĩa cho thơ anh. Vị trí thực của người làm thơ, những chuyến đi gần, xa may mắn có, đã cho thơ Nguyễn Hồng Vinh chiều sâu tư tưởng. Không gian riêng tư của thơ ca không che khuất hoàn toàn bóng dáng của người làm báo, làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Trong đêm liên hoan thơ quốc tế ở nước Cộng hòa Sakha, có một nhà văn với biết bao kiêu hãnh, tự hào trả lời câu hỏi của hậu duệ Thành Cát Tư Hãn: Vì nước tôi xứ nóng/Núi đá là bức trường thành/Lòng dân là lũy thép/Buộc dây cung họ phải chùng/Gươm sắc kia phải gãy/ (Câu hỏi lớn). Thế nhưng, đằng sau đó là sự trở trăn trước một câu hỏi không dễ có lời giải ngày một ngày hai: “Sao thơ Việt Nam chưa ngang tầm dân tộc?”.

Đó là cái nhìn lớn mà chính nghiệp đã mang đến cho thơ Hồng Vinh không chỉ một lần. Nhiều bài thơ khác tiếp tục chứng tỏ tố chất nhanh nhạy, bản lĩnh của một nhà báo trước những vấn đề “nóng” của lịch sử. Hồng Vinh chia lửa, chia tình cho Trường Sa, Hoàng Sa bằng con đường riêng của thơ: Hoàng Sa, Trường Sa/ Qua giọng em/ Lúc ạt ào con sóng/ Khi sâu lắng lòng người/ Đất liền gần lại/ Dáng cột mốc chủ quyền/ Sừng sững trong tâm/ Những con dân đất Việt (Hòa tình ca lính đảo). Trong bài viết về thơ Nguyễn Hồng Vinh, Vi Thùy Linh nhận xét: “Đây không phải là nội tâm giản đơn, mà là bản lĩnh của một nhà báo tâm huyết, luôn duy dưỡng một niềm tin vào Đảng, vào Dân và tiền đồ tươi sáng của Tổ quốc”.

Xuyên suốt tác phẩm, có thể khẳng định: người họa hình, phối màu, nhuộm tình cho ký ức bằng tâm thế, tấm lòng, tuổi đời... mới là điều thú vị và có ý nghĩa của tập thơ này. Hơn 50 bài thơ nhờ đó sẽ đến được với góc ân tình trong trí nhớ những nhóm độc giả riêng biệt. Kết nối được với nhiều thị hiếu, nhiều thế hệ như thế, thiết nghĩ đã là một thành công rất đáng ghi nhận của thơ Nguyễn Hồng Vinh.

THANH TÂM

;
.
.
.
.
.