.
Phương hay Thuốc quý

Dạ cẩm chữa đau dạ dày

.

“Dạ cẩm chữa đau dạ dày,
Loét mồm sắc ngậm cũng hay vô cùng”

Năm 2010, một lần đi tìm cây thuốc với “nhị vị  sư huynh” là dược sĩ Đặng Ngọc Phái và lương y Nguyễn Đức Dũng, tôi mới “tận mục sở thị” dây Dạ cẩm mọc hoang ở rừng núi Bà Nà. Từ đó, trên nhiều nẻo đường tôi đi tìm thuốc, từ bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng đến huyện miền núi Đông Giang của Quảng Nam, không chỉ trên rừng núi, mà ở cả những gò đồi trung du, thậm chí nhiều nơi như dọc bên đường làng, ven quốc lộ 14B, bờ đập hồ Đồng Nghệ ở Hòa Khương quê tôi, đều thấy dây này mọc rải rác, đủ để khai thác dùng cho một phòng khám Tuệ Tĩnh Đường trong mấy năm qua.

Một dây Dạ cẩm “kỳ dị” ở sườn đồi Hòa Cầm mãn khai hoa tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: P.C.T
Một dây Dạ cẩm “kỳ dị” ở sườn đồi Hòa Cầm mãn khai hoa tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: P.C.T

Tài liệu của GS.Đỗ Tất Lợi mô tả “Dạ cẩm vốn có tên là loét mồm vì nhân dân vùng Lạng Sơn, Cao Bằng dùng nó chữa loét mồm loét lưỡi, là một loại cây bụi-trườn, thường cuốn vào các cây khác, dài tới 1-2m”. Trên thực tế có lần tôi gặp một ngọn dây này tự quấn trông như một con sâu hay con rồng trông rất lạ mắt (xem ảnh). Đúng là kỳ hoa dị thảo! Một lần khác, lại gặp ở ven đường thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang có một dây “cổ thụ” mọc trong bụi tre nhưng cành lá leo trùm cả mái mấy dãy hàng quán, tính ra dài hơn 10m.

Sau khi tôi phát hiện mấy hôm thì cây này bị người đốn tre dứt gốc, may tôi phát hiện khi cây vừa héo nên kịp hái đem về bằm phơi cả một sân chùa, tính ra chỉ một cây mà thu hơn chục cân thuốc khô. Thân cây này to hơn ngón tay cái và vặn xoắn ngoằn ngoèo nên dân địa phương ở đây gọi là dây Ruột gà (xin đừng nhầm lẫn với dây Ruột gà – ba kích).  

Cũng theo tác giả Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Bệnh viện Lạng Sơn là bệnh viện đầu tiên đưa Dạ cẩm vào điều trị bệnh đau dạ dày từ năm 1962. Kết quả chống loét rất tốt. Trên lâm sàng, Dạ cẩm có tác dụng giảm đau, trung hòa a-xít trong dạ dày, bớt ợ chua, vết loét se lại, bệnh nhân có cảm giác khoan khoái nhẹ nhàng. Có thể dùng Dạ cẩm dưới hình thức thuốc sắc, thuốc cao, bột hay cốm.

Dạng thuốc sắc: Ngày uống 10-25g lá và ngọn khô, thêm nước vào sắc, thêm đường cho đủ ngọt, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày. Uống trước khi ăn, vào lúc đau.

Cao dạ cẩm chế theo kinh nghiệm Ty (Sở) Y tế Lạng Sơn: Lá dạ cẩm khô 7kg, đường kính 2kg, mật ong 1kg. Nấu lá dạ cẩm với nước thành cao, cho vào 2kg đường đánh tan, cô lại, cuối cùng thêm 1kg mật ong tốt. Ngày uống 2-3 lần trước khi ăn hoặc khi đau, mỗi lần uống 1 thìa to (tương đương 10-15g).

Cốm dạ cẩm: Bột dạ cẩm 7kg, Cam thảo 1kg, đường kính 2kg, tá dược vừa đủ dính (hồ, nếp), thêm đường và sacarin vừa đủ ngọt. Lúc đầu Ty Y tế Lạng Sơn còn pha 4 phần bột dạ cẩm, 1 phần bột bồ kết nhưng sau bỏ bồ kết. Ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc đang đau; mỗi lần dùng 10-15g, trẻ em dưới 18 tuổi dùng 5-10g.

Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi gần đây, phối hợp 3 vị thuốc nam sẵn có tại địa phương là Dạ cẩm, Chè dung và Cà hai lá, mỗi vị 15-20g, sắc uống ngày 1 thang, liệu trình 30-45 ngày, chữa khá hiệu nghiệm các bệnh viêm loét dạ dày có đau, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Dạ cẩm có vị ngọt hơi đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm dịu cơn đau, tiêu viêm, lợi tiểu. Ngoài công dụng trị viêm loét dạ dày như nói ở trên, còn dùng chữa lở loét miệng lưỡi (dùng cao lỏng Dạ cẩm trộn với mật ong, bôi hằng ngày); chữa vết thương, làm chóng lên da non (dùng lá Dạ cẩm tươi giã đắp).

Xin được nói thêm, theo TS.Võ Văn Chi, Dạ cẩm có tên khoa học Hedyotis capitellata Wall. ex G. Don var. mollis Pierre ex Pit. thuộc họ Cà-phê - Rubiaceae.  Trong khi tài liệu của GS.Đỗ Tất Lợi ghi tên khoa học đồng nghĩa: Oldenlandia capitellata Kuntze.

Chúng tôi đã tra cứu trên mạng tiếng Hoa, có cây Sa đường căn (沙糖根), tên khoa học Hedyotis capitellata Wall. ex G. Don [Oldenlandia capitellata Wall. ex G. DonO. Kuntze], được Trung dược đại từ điển ghi nhận tính ấm vị nhạt; công năng tán hàn, thông lạc, dưỡng huyết, triệt ngược (chữa sốt rét); với vài phương thuốc cụ thể như trị sốt rét, cảm mạo dùng 12-20g sắc uống; bị gãy xương dùng cây tươi phối hợp thuốc khác giã nhuyễn bó, trị huyết hư suy nhược dùng rễ khô ngâm rượu uống. Trong khi Trung hoa bản thảo ghi cây này quy kinh can tỳ thận; có thêm các tác dụng trị ngoại cảm phong hàn, phụ nữ kinh nguyệt không đều, sản hậu tuyến sữa không thông, ho khan, mụt nhọt lở loét.

Vì không có chuyên môn thực vật học, chúng tôi chưa dám khẳng định các loại cây nói trên có phải cùng một loài cây Dạ cẩm của ta hay không, nhưng xin nêu ra đây để các nhà khoa học minh định lại cho chính xác và mong các nhà y học lâm sàng có thể tham khảo nghiên cứu mở rộng phạm vi ứng dụng điều trị của cây thuốc Dạ cẩm.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.