Đà Nẵng cuối tuần

TPP có cứu nổi nền kinh tế thế giới?

06:52, 18/10/2015 (GMT+7)

Thỏa thuận TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) đạt được đúng thời điểm nền kinh tế thế giới đang khủng hoảng. Liệu TPP có vực dậy nền kinh tế thế giới hay không?

Ô-tô Nhật Bản rộng đường vào thị trường Mỹ hơn nhờ TPP.
Ô-tô Nhật Bản rộng đường vào thị trường Mỹ hơn nhờ TPP.

12 nước vừa đạt được thỏa thuận TPP là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. 12 quốc gia thuộc TPP chiếm tới 40% GDP toàn cầu, ước tính khoảng 30.000 tỷ USD, trong đó có nhiều hiệp định thương mại đa phương lớn nhất thế giới trong 2 thập niên qua.

Đại diện Thương mại Mỹ, Michael Froman nói “Sau 5 năm đàm phán căng thẳng, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận hứa hẹn tạo ra nhiều việc làm, phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy phát triển và đổi mới toàn diện xuyên suốt khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde nhận xét về TPP rằng “Đó là sự phát triển rất tích cực. TPP quan trọng không chỉ về độ lớn của nó khi chiếm tới 40% GDP toàn cầu mà nó đẩy biên giới thương mại và đầu tư vào hàng hóa, dịch vụ tới những khu vực mới mà ở đó lợi ích rất đáng kể”.

Tờ Bloomberg News chỉ ra rằng ngành công nghiệp ô-tô Nhật Bản sẽ hưởng lợi vì tăng thêm cơ hội tiến vào thị trường Mỹ. Ngược lại, ngành nông nghiệp lại gặp khó do những rào cản thương mại về thịt bò, thịt heo hay gạo nhập khẩu được dỡ bỏ. Nói tóm lại, TPP ảnh hưởng tới 28% thương mại Nhật Bản nhưng quan trọng là nó phù hợp với chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe. Úc và New Zealand được coi là những nước thắng lớn về xuất khẩu nông nghiệp.

Các nước khác ở châu Đại Dương thuyết phục Mỹ giảm thời gian bảo vệ sở hữu trí tuệ cho những loại thuốc mới từ 12 năm xuống còn 5 năm. Chính quyền Úc cho biết, TPP sẽ giúp cho Úc khỏi mất đi 6,6 triệu USD tiền thuế nhập khẩu mỗi năm, còn New Zealand ước tính tiết kiệm được khoảng 173 triệu tiền thuế nhập khẩu.

Việt Nam chúng ta cũng là một trong những nước thắng lớn ở TPP khi dự báo mức tăng trưởng GDP 11% vào năm 2025 nhờ xuất khẩu tăng khoảng 28%. Malaysia cũng hưởng lợi nhờ giảm được rào cản thương mại về xuất khẩu điện tử, hóa chất, dầu cọ và cao su. Singapore miêu tả TPP tạo ra sự thịnh vượng hơn và nhiều việc làm hơn. Nhà phân tích kinh tế của Bloomberg là Fielding Chen nhận định rằng nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới là Trung Quốc không có mặt ở TPP sẽ là thất bại bởi vì Trung Quốc có thể mất nhiều thị trường vào tay Mỹ và Nhật Bản.

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực đó thì TPP cũng đối diện với nhiều rào cản chính trị trong mỗi quốc gia thành viên trước khi nó có hiệu lực. Chẳng hạn như Tổng thống Mỹ Barack Obama được dự báo sẽ đối diện với cuộc chiến cam go ở Quốc hội – nơi mà những nhà lập pháp của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đều chỉ trích; ngay cả ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton cũng không thích TPP.

TPP có thể thúc đẩy doanh thu toàn thế giới lên mức 295 tỷ USD/năm trong vòng 1 thập niên tới, nghĩa là TPP cần quãng đường dài để phát huy tác dụng. IMF dùng nhiều lời lẽ khen ngợi TPP nhưng vẫn không đánh giá TPP thành công nhanh chóng. Tổ chức này vừa hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2015 từ mức dự báo 3,3% hồi tháng 7 xuống còn 3,1%, và năm 2016 cũng giảm từ 3,8% xuống còn 3,6%. Như vậy, TPP khó lòng nhanh chóng giúp nền kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái như hiện nay.

ANH THƯ (Theo Thediplomat)

.