Đà Nẵng cuối tuần
Nghĩ về Nguyễn Du
1. Hồi nhỏ học phổ thông, thế hệ chúng tôi chủ yếu biết Nguyễn Du qua Truyện Kiều. Chúng tôi từng thuộc làu làu những đoạn Kiều đã học và những câu Kiều kinh điển cỡ như “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”, như “Mành tương phất phất giò đàn/ Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình”, như “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”, như “Rằng trăm năm kể từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”, như “Tưởng bây giờ là bao giờ / Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”, hoặc như “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không”, và nữa và nữa…
Tranh của Họa sĩ Tôn Thất Đào (1910-1979) lấy từ Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị - Huế xuất bản năm 1942. (Ảnh Internet) |
Chúng tôi còn thuộc nằm lòng nhận định đầy thuyết phục về cuốn tiểu thuyết bằng thơ này của Phạm Quỳnh trong Lễ kỷ niệm ngày giỗ Nguyễn Du vào mồng 8 tháng 12 năm 1924 - tức mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý - do Hội Khai trí tiến đức tổ chức: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Cùng với câu thơ của Chế Lan Viên: “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (bài Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?), có lẽ đây là lời đánh giá cao nhất xưa nay dành cho Truyện Kiều của Nguyễn Du và sau hơn 90 năm kể từ ngày Phạm Quỳnh đưa ra nhận định này, hẳn mọi người đều thừa nhận Chủ bút Tạp chí Nam Phong nói đúng!
2. Lớn lên vào Sài Gòn học đại học, tôi được học Truyện Kiều ở Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa với Giáo sư Phạm Văn Diêu - người Mộ Đức, Quảng Ngãi. Có thể nói chúng tôi được nghe thầy giảng từng chữ từng câu trong Truyện Kiều, từ câu đầu “Trăm năm trong cõi người ta” cho đến câu cuối “Mua vui cũng được một vài trống canh”, và càng nghe giảng càng thấy rõ tài năng ngôn ngữ tinh tế của Nguyễn Du. Có điều học từng chữ từng câu theo tư duy phân tích kiểu “chẻ chanh” như vậy nhưng khi thi lại đòi hỏi một tư duy hoàn toàn khác. Tôi còn nhớ lúc thi lấy Chứng chỉ Văn chương Việt Nam ở Đại học Văn khoa, có đề thi cũng của Giáo sư Phạm Văn Diêu về Truyện Kiều vỏn vẹn chỉ năm chữ “Vầng trăng trong Truyện Kiều”.
Đề thi đòi hỏi năng lực tư duy tổng hợp rất cao của sinh viên, nhưng nhờ được thầy dẫn dọc theo chữ nghĩa của Nguyễn Du suốt hơn ba nghìn câu thơ, không ít lần dừng chân trước những câu thơ tài hoa và kinh điển về vầng trăng như “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”, như “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song”, như “Mảnh trăng đã gác non đoài/ Một mình luống những đứng ngồi chưa xong”, hay như “Tuần trăng khuyết đĩa dầu vơi/ Mặt tơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng”..., tôi đã viết một mạch mười tám trang giấy và được điểm cao nhất của kỳ thi: 18/20 điểm.
3. Trong thế giới nghệ thuật của mình, Nguyễn Du thường nghĩ về những ngôi mộ, từ ngôi mộ Đạm Tiên: “Sè sè nấm đất bên đàng/ Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” (Truyện Kiều) cho đến ngôi mộ Đỗ Phủ: “Cộng tiễn thi danh sư bách thế/ Độc bi dị vực ký cô phần” - Thơ ông thiên hạ tôn thầy/ Chỉ buồn nấm mộ lắt lay quê người (bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ). Và không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du viết Văn tế Thập loại chúng sinh “thấm giọt mưa rơi” (chữ của Chế Lan Viên) theo thể thơ song thất lục bát. Chính vì thế ra công tác ở Hà Tĩnh, tôi không thể không đến viếng mộ Nguyễn Du. So với Đỗ Phủ, Nguyễn Du không phải chịu cảnh nấm mộ lắt lay quê người, nhưng trong cảm nhận đầy ấn tượng của nhà thơ Vương Trọng, ngôi mộ Nguyễn Du dễ gợi nhớ đến mộ Đạm Tiên: “Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên/ Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây” (bài Bên mộ cụ Nguyễn Du).
Thế nhưng nhiều năm sau bài thơ Vương Trọng, khi lần đầu trong đời đứng trước lăng mộ hoành tráng, nguy nga của một người từng viết Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh, tôi lại cảm nhận giống hệt như Vương Trọng năm nào: “Lặng yên bên nấm mộ rồi/ Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm”. Trong khói hương và vào một buổi chiều Hà Tĩnh, tôi nghĩ vẩn vơ rằng không chừng “Một vùng cồn bãi trống trênh/ Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề” ngày ấy mới thật… Nguyễn Du! Tôi cũng vẩn vơ nghĩ rằng biết đâu khi đến viếng mộ Nguyễn Du còn đương nằm lặng lẽ khiêm nhường giữa bãi tha ma làng quê chật chội mà mênh mông (chữ của Lại Nguyên Ân), bên cạnh bao nhiêu nấm mồ khuyết danh vô chủ của mười loại cô hồn kia, hậu thế mới có thể cảm nhận hết cái vĩ đại của một tài năng văn chương cực kỳ nhạy cảm với nỗi thống khổ của người đời… (*)
4. Nhân vật đàn ông Nguyễn Du thiện cảm nhất trong Truyện Kiều không phải là Kim Trọng, cũng chẳng phải Từ Hải, mà là Thúc Sinh. Hai câu Kiều vào loại đầu bảng: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”, Nguyễn Du đã ưu ái đặt vào đôi mắt ngắm cảnh của Thúc Sinh. Không những thế, Nguyễn Du còn dùng bốn câu thơ “có cánh” để miêu tả cuộc chia tay giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san/ Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh”, và hai nửa vầng trăng trong câu lục bát “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”, thì một nửa là dành cho Thúc Sinh - đúng hơn cả hai nửa đều dành cho Thúc-Sinh-trong-lòng-Thúy-Kiều.
Còn nhân vật phụ nữ ám ảnh Nguyễn Du nhiều nhất không phải là Thúy Kiều, cũng chẳng phải Đạm Tiên, mà là Tiểu Thanh. Ám ảnh đến mức mới “độc Tiểu Thanh ký” - đọc bài ký về nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã vội vận vào mình: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”. Có nhiều người dịch hai câu này ra tiếng Việt, nhưng tôi vẫn thích cách của ai đó chuyển thể thành lục bát: “Ba trăm năm lẻ về sau/ Tố Như ai khóc niềm đau con người”. Bốn chữ “niềm đau con người” không có trong nguyên tác chữ Hán - người dịch tự thêm vào - nhưng lại nói lên ngọn nguồn đích thực khiến Nguyễn Du tự xem mình là người cùng hội cùng thuyền với nhân vật Tiểu Thanh. Xin nói thêm rằng trong Hán tự có một chút phân biệt giữa chữ khấp (bộ Thủy) với chữ khốc (bộ Khẩu) cùng có nghĩa là khóc: Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích khốc nghĩa là khóc to, còn khấp là khóc không ra tiếng - có khả năng là khóc thầm, nước mắt nuốt vào trong.
5. Nguyễn Du là một trong số rất ít nhà thơ Việt Nam có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài. Bản thân Truyện Kiều cũng là bản dịch từ một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc - Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tuy nhiên với tài năng trác tuyệt của mình, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một thế giới nghệ thuật khác xa nguyên tác, hầu như được Việt hóa cả cảnh và người, và nhờ vậy nên Truyện Kiều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Cho đến nay đã có tới trên 30 bản dịch Truyện Kiều ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau như Pháp, Anh, Nhật, Trung, Hàn Quốc, Hungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Phần Lan, Ả Rập, Đức, Bungari, Rumani, Tây Ban Nha, Mông Cổ, Lào, Thái Lan... và mới đây nhất là tiếng Nga. Đương nhiên, đọc một bản dịch dẫu tín - đạt - nhã đến mấy thì độc giả nước ngoài cũng khó có thể tiếp nhận được trọn vẹn cái hay của những câu Kiều, bởi làm sao mà chuyển thể được cái dằn xóc trong câu: “Đoạn trường thay lúc phân kỳ/ Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh”, hay cái chua chát đến nao lòng trong câu: “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa”…
Nguyễn Du là người sớm được đặt tên đường ở Đà Nẵng với tư cách một nhà thơ/danh nhân văn hóa. Điều này bây giờ đã trở thành bình thường nhưng trước đây rất đáng ghi nhận, bởi Đà Nẵng trước năm 1975 thường người ta chỉ đặt tên đường đối với các vị đứng đầu đất nước như Hùng Vương, Trưng Nữ Vương, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Quang Trung, Tự Đức, Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân… hay các tướng lĩnh như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Võ Tánh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương, Ông Ích Khiêm…, hoặc các lãnh tụ phong trào đấu tranh yêu nước như Triệu Nữ Vương, Tiểu La, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Thái Học… Chỉ một số rất ít danh nhân văn hóa đơn thuần như Nguyễn Du (được đặt tên đường vào năm 1956) và Đoàn Thị Điểm (được đặt tên đường vào năm 1958) là vượt lên trên thông lệ này.
BÙI VĂN TIẾNG
(*) Xem thêm Bùi Văn Tiếng: Văn hóa cốt ở sự giản dị, Báo Đà Nẵng, ngày 9-3-2015.