Đà Nẵng cuối tuần
Những ngày tháng không quên
Tôi dạy ở Trường trung học Trần Cao Vân - Tam Kỳ không lâu. Thời gian chỉ hơn hai năm. Song, hai năm đó, tôi có nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm mãi đến hôm nay vẫn nguyên vẹn như xưa. Nguyên vẹn tình đồng nghiệp. Nguyên vẹn tình thầy trò. Nguyên vẹn một khung trời thương nhớ. Không hiểu sao, cứ mỗi lần nhớ đến ngôi trường, nhớ đến những gương mặt thân quen, nhớ đến những ngày tháng lên lớp trong tình cảnh thiếu thốn, khó khăn, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của Tế Hanh:
Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui
Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi...
Năm tháng đó, chúng tôi lên lớp mà cái ăn, cái mặc đều thiếu. Có những ngày, bếp ăn tập thể không mua được lương thực. Anh Hồ Xuyên, giáo viên Toán, trưởng khu tập thể, ghi lên bảng một chữ thật to: HẾT GỘ. Một thông báo vừa ngộ nghĩnh, viết theo âm Quảng Nam, “gạo” thành “gộ”, vừa phản ảnh một thực tại cay xè của đời sống người thầy giáo sau chiến tranh mới chấm dứt vài năm.
Vậy mà, đạn lửa vẫn chưa yên. Biên giới phía bắc. Biên giới Tây Nam. Những em học sinh, tuổi vừa mười tám, xa trường lớp, lên đường. Có em không về, nằm lại nơi nào đó của chiến trường nước bạn. Có em trở về dang dở việc học, việc đời.
Ngày đó, chúng tôi cũng cưa cây, xẻ gỗ, chẻ củi cho nhà bếp, cũng đi trồng sắn, trồng dứa ở nông trường. Và, cũng không vì thế mà chúng tôi sao nhãng hay cầm chừng trong dạy học, chủ nhiệm. Ôi, cái thời sao khổ mà vui thế ! Sống trong sáng với tình bạn bè, đồng nghiệp, thầy trò. Không ai kèn cựa, không ai phải lo mất chức mất quyền. Chúng tôi chia sẻ ngọt bùi, gánh cái khó cho nhau, chẳng nề hà, không tính toán hơn thiệt.
Tôi không thể nào không nhớ đến được những em học sinh của thời đi dạy ngày ấy. Những cái tên dễ thương, một đời chẳng thể nào quên được. Những ngày nghỉ, tôi đã theo các em về Tam Dân, Tam Thăng, Tam Thanh, Tam Thành, Tam Thái. Tên đất tên người vẫn nhớ mãi. Mùa đông năm 1979, tôi về vùng biển Tam Tiến. Chao ôi, cái làng biển sau chiến tranh sao nghèo nàn, khó khăn đến thế! Mùa đông, gió cứ thổi, cái lạnh như chạy quanh khắp làng. Nhà nào cũng hạ cửa, vừa che lạnh vừa tránh cát. Bữa cơm có cá biển, xin thưa, chỉ kho với muối, không gia vị, còn nồng mùi của biển. Tỏa ấm vẫn là tình người.
Tôi nhớ nhiều những ngày lao động tại Nông trường Chiên Đàn. Thầy và trò gắn bó, thân thiết. Những bữa cơm sốt dẻo, đậm đà tình thương của các em nữ thức khuya dậy sớm lo cho lớp, nhất là vai trò lớp trưởng của Nguyễn Ngọc Châu. Những tô mì Quảng cải thiện cuối tuần sao mùi nhưn và hương vị các ngọn rau còn thơm mãi đến tận bây giờ! Những tàu lá chuối rọc xuôi, trải trên chiếc nong, dành cho các bữa cơm chiều sau một ngày lao động như vẫn còn xanh mướt của thuở nào. Châu ơi, mấy mươi năm, em vẫn ở Tam Kỳ, vẫn biết cuộc sống riêng không như mong muốn! Thầy đã đi tìm em, qua các lần họp trường, họp lớp, đến tận bây giờ, vẫn chưa gặp được. Tóc đã đổi màu. Nước đã xuôi về biển cả. Tất cả không còn trẻ nữa, cả thầy, Châu và các bạn.
Tôi lại rời trường, ra Hà Nội, học Cao học, những giờ phút chia xa, trong sổ tay, tôi còn ghi mấy câu thơ, như gửi chút tâm tình:
Thôi xin giã từ những ngày đến lớp
Giáo án cầm tay, bỡ ngỡ, thân tình
Học trò vây quanh hỏi thầy xem điểm
Bài giảng hôm nao, trống nhịp thập thình
Thôi xin giã từ những ngày đến lớp
Những buổi tôi về, phố chợ người đông
Chân bước vội, lòng chùng theo gió nội
Vạt nắng trở chiều, sợ trễ hoàng hôn
Thôi xin giã từ những hàng phượng vĩ
Mùa hạ đã về, những cuộc chia tay
Xin gửi lại chút tâm tình ngày cũ
Phương tôi về, mây trắng với heo may...
Những ngày ở Hà Nội, tôi xa mái trường Trần Cao Vân chưa được bao lâu. Đêm trở lạnh, những cơn gió từ bên kia sông Hồng, thổi qua đê Yên Phụ, thổi vào nơi tôi ở với bao nhớ thương, bao kỷ niệm, buồn và se sắt. Trong cái lành lạnh của phương Bắc, tôi lại nhớ về ngọn lửa ấm của những bữa cơm chiều mùa đông do chị Hồng đun lên tại bếp ăn tập thể của trường. Chị Hồng thương mến, bao năm rồi chưa gặp chị, vẫn nhớ bữa cơm nóng, tô canh cải, ít thịt nhưng đậm đà nghĩa tình mà chị đã chắt chiu dành cho những anh chị em giáo viên độc thân, xa nhà. Xin gửi chị tấm lòng này!
Năm nay, tròn 60 năm thành lập Trường trung học Trần Cao Vân - Tam Kỳ, Quảng Nam (1955-2015), biết bao tâm tình, biết bao thương nhớ, ngôi trường “đi cùng năm tháng” đã để lại trong tôi những ký ức khó quên. Ở đâu và bao giờ, tôi vẫn nhớ về ngôi trường của thuở ban đầu ấy. Nơi đó, tôi đã đến, giảng dạy và công tác, rồi ra đi và trưởng thành. Nơi đó, khắc ghi những cuộc đời, khắc ghi những bóng hình không thể nhòa đi theo năm tháng.
HUỲNH VĂN HOA