Đà Nẵng cuối tuần

Nỗi ám ảnh tột cùng về giá trị của cái đẹp

16:05, 06/11/2015 (GMT+7)

Ba trăm năm trước, khi Nguyễn Du nghĩ về Tiểu Thanh, ba trăm năm sau khi Nguyễn Du chạnh nghĩ đến mình nó chứa đựng cả quá khứ, hiện tại và tương lai, nó cứ kéo dài với nỗi buồn tưởng chừng  như vô hạn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lần theo những dòng thơ ở Độc Tiểu Thanh ký, bài thơ lấy đề tài từ cái chết của một người con gái tài sắc, ta bắt gặp ở đó một tấm lòng, tấm lòng ấy biết suy nghĩ về quá khứ, về hiện tại và tương lai. Nỗi niềm thương cảm thổn thức đã tràn ngập từ những câu thơ đầu:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”

Cái quá khứ xưa đẹp giờ đã tan biến, đã đổ nát theo dòng thời gian. Cái vườn hoa cạnh Tây Hồ ngày trước nếu gợi cảm bao nhiêu, lấp lánh bao nhiêu thì nay lại bi đát, lạnh lùng bấy nhiêu. “Tẫn thành khư” đã đưa cái đẹp về với dĩ vãng, về với quá khứ xa xăm. Cái “gò hoang” tạo ấn tượng mạnh, bắt chúng ta phải suy ngẫm. Giọng thơ chùng xuống cuối câu như mang theo nỗi buồn - nỗi buồn về sự tang thương. Bút pháp đối lập đã làm cho sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại càng thêm bi đát. Gò hoang vốn đã lạnh lùng hoang vắng, giờ lại là nơi chôn cất nàng Tiểu Thanh. Sao mà trớ trêu đến vậy?! Hai vị trí không gian được nhắc đến trong câu cũng là nơi ghi nhận cuộc đời nàng. Vườn hoa Tây Hồ đẹp vậy nhưng nàng phải sống trong cô đơn, sống mà đang đi về với cõi âm, đang ngấp nghé ở cửa tử. Cho đến lúc mỏi mòn với kiếp sống khổ đau, nàng giã từ dương thế, vườn hoa cũng theo đó mà lụi tàn. Chúng ta cũng đã bắt gặp hình ảnh và tư tưởng này trong Truyện Kiều. Đó là nấm mồ Đạm Tiên, một người tài sắc mà giờ đây:

“…Sè sè nấm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”

                  (Truyện Kiều, câu 57-58)

Cảm thông cho cái đẹp của một đời, của tạo hóa dẫu nó có sự vùi dập, nổi trôi là điều mà không phải ai cũng có. Ở Độc Tiểu Thanh ký, Nguyễn Du đã cảm thông một cách thực sự đáy lòng mình:

“Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”

Lặng người trong sự thương tiếc, bên song cửa, Nguyễn Du đã đọc những vần thơ còn sót lại để tỏ lòng cùng với vong linh người phận bạc. Tiểu Thanh cô đơn, Nguyễn Du cũng cô đơn. Hai tâm hồn hướng tìm nhau lần theo những giọt nước mắt cảm thông, chia sẻ. Trong nỗi ngậm ngùi đó, quá khứ nàng Tiểu Thanh càng lúc càng hiện về gần gũi, rõ ràng hơn:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư”

Hai câu thơ giàu sức gợi. Lấy cái cụ thể: Son phấn, văn chương để nói lên những vấn đề mang tính quy luật, khái quát của cuộc đời.

“Rằng: Hồng nhan tự nghìn xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”

              (Truyện Kiều, câu 107-108)

“Đã cho lấy chữ hồng nhan
Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân”

          (Truyện Kiều, câu 1271-1272)

Nàng Tiểu Thanh đã chết, thân xác nàng đã để lại dưới nấm mồ hoang lạnh, ấy vậy mà chút văn chương nàng để lại, nó là tâm can, là máu huyết, là đứa con tinh thần của nàng, cũng bị đốt dở. Ngẫm sâu hơn, ta thấy sức sống của cái Đẹp trên cõi đời không phải dễ dàng, luôn gặp chông gai, thử thách, bão tố… Và như thế, “văn chương vốn không hồn, không mệnh nhưng Nguyễn Du đã tạo hồn, đã gắn mệnh cho nó để nó tự thương, tự vương vấn…” (Theo Nguyễn Đình Chú - Sách giáo viên văn học 10, Tập 1, NXB Giáo dục H.1994). Niềm thương cảm ấy trải dài ở hai câu sau:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư”

Dường như bao uất nghẹn, bao đớn đau chất chứa từ vạn kiếp bỗng tràn về. Cái hận cho số phận của nàng Tiểu Thanh mới là một trong muôn vàn cái hận đã có từ kim cổ, Nguyễn Du xót xa muốn đem cái hận hỏi cùng trời đất nhưng trời kia cao quá làm sao hỏi được, vì thế cái hận cứ chất chồng. Những từ ngữ với sắc thái nặng: cổ kim, hận sự, kỳ oan… nối tiếp nhau làm cho câu thơ như chất chứa bao niềm đau đọng lại. Nguyễn Du như đã nhập thân vào Tiểu Thanh mới viết lên những vần thơ đau đáu đến thế!

Từ nỗi đau khôn nguôi về nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã thể hiện thái độ thương mình:

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

Sáu câu đầu viết về Tiểu Thanh, nhưng hai câu sau lại nói đến riêng mình. Điều ấy, có phá vỡ kết cấu của bài thơ hay không? Theo chúng tôi, hai câu cuối của bài thơ là điều mà Nguyễn Du muốn hướng tới, là bức thông điệp mà Nguyễn Du muốn gởi lại cho đời, nó chính là phần tinh anh nhất của bài thơ vậy. Nó gợi nhiều vấn đề cần suy ngẫm. Hai câu cuối của bài thơ vẫn nằm trong mạch nguồn cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du trong yếu tố liên mạch của bài thơ khi nói về nỗi đau trước cuộc đời. Hai chữ Tố Như hiện lên lồ lộ ở cuối bài như muốn phơi bày những đớn đau, đồng thời chứa đựng ở đó không ít nỗi niềm kiêu bạc:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

Ba trăm năm lẻ nữa, thiên hạ có ai khóc Tố Như không? Một câu hỏi không phải để chờ tiếng trả lời mà tìm sự tri âm. Những nhân vật lịch sử vốn làm nền cho những xúc cảm của ông, những nhân vật với tư cách là đối tượng thẩm mỹ trong sáng tác của Nguyễn Du vốn là điều thường gặp. Mượn tiếng nói nhân vật để tỏ nỗi lòng mình cũng là điều thường thấy, đó là nỗi lòng của người mẹ trong Sở kiến hành, là ông già mù hát rong Thái Bình mại ca giả

Đọc Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn học, H. 1988) chúng ta bắt gặp một Nguyễn Du cô đơn, có lắm nỗi u uất lặng thầm, một con người bơ vơ lạc lõng trước thời cuộc.

“Thiên cổ thùy nhân liên độc tỉnh
Tứ phương hà xứ thác cô trung?”

    (Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu)

(Nghìn xưa có ai thương người tỉnh một mình - Bốn phương biết gởi tấm lòng cô trung vào đâu được?).
Tại sao Nguyễn Du có nỗi niềm như vậy? Vốn trung nghĩa với nhà Lê nhưng nhà Lê trong giai đoạn Nguyễn Du sống đang đi vào thái cực của sự suy tàn, rệu rã. Lúc này là lúc “Vua không ra vua - bề tôi không ra bề tôi”, hơn ai hết Nguyễn Du đã thấy rõ bộ mặt thật của xã hội.

Vua Lê cõng rắn cắn gà nhà, hàng thần thì lơ láo, xu nịnh. Hình ảnh vua Lê Chiêu Thống cởi áo ngự bào trao cho Nguyễn Cảnh Thước bên bờ sông chưa phôi pha thì được tin Lý Trần Quán tự chôn mình. Rồi triều đại Tây Sơn mà Nguyễn Du không mấy ưa thích nhưng cũng lấp lánh ánh hào quang cho lịch sử dân tộc vừa tạo dựng xong đã bị Nguyễn Ánh lật đổ và trả thù tàn bạo. Điều đó tác động mạnh mẽ vào trong ý thức hệ của Nguyễn Du, làm cho những giá trị mà Nguyễn Du tôn thờ bị chao đảo:

“Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong
Mang nhiên bất biện hoàn hương lộ
Xúc mục phù vân xứ xứ đồng”

               (Nhiếp Khẩu Đạo Trung)

(Mái đầu bạc vẫn lặn lội trong gió thu ngàn dặm. Mịt mù xa thẳm không nhận ra được con đường trở lại quê nhà. Mây nổi ngợp mắt trông chỗ nào cũng như nhau cả).

Còn bao bài thơ khác nữa nói lên nỗi cô độc của nhà thơ trước cuộc đời, nói lên khát vọng Tâm Tĩnh của Nguyễn Du. Vì thế không mấy ngạc nhiên khi cho rằng ẩn sau bức chân dung cuộc đời nàng Tiểu Thanh là một Nguyễn Du sừng sững nhưng đang cô độc, sầu bi.

Không gian nghệ thuật của bài thơ là không gian nhiều chiều, cuộn xoáy, nó chứa đựng sự bứt phá. Cái không gian được khởi điểm bởi “gò hoang”, bởi nấm mồ vô chủ của một người tài sắc vắng vẻ, điêu linh (cần chú ý hơn về không gian mộ địa trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du). Từ nấm mộ vô chủ của Tiểu Thanh, Nguyễn Du nhìn lại mình, nhìn ra trời đất bên ngoài để rồi cuối cùng trở về với cõi tâm thức bên trong và chính nơi ấy đã xảy ra những nghi vấn, những dằn vặt không thể nào giải quyết.

Cả cái không gian thảm sầu của cuộc sống, của những bi thương dường như giờ đây đang vo tròn lại, cuộn xoáy cùng tim gan, cùng máu huyết trí não của nhà thơ. Nỗi đau mãi ám ảnh để Nguyễn Du phải thốt lên ở hai câu cuối bài. Dòng uất nghẹn đó được trải dài trong một khoảng thời gian vô cùng tận. Ba trăm năm trước khi Nguyễn Du nghĩ về Tiểu Thanh, ba trăm năm sau khi Nguyễn Du chạnh nghĩ đến mình nó chứa đựng cả quá khứ, hiện tại và tương lai, nó cứ kéo dài với nỗi buồn tưởng chừng như vô hạn. Không biết giờ đây ở thế giới bên kia, Nguyễn Du có còn khóc thương cho lẽ bất bằng của tạo hóa?

Như vậy với hàng loạt những ngôn từ giàu ấn tượng, đầy sức gợi, chứa đựng nhiều yếu tố cọ xát để chuyển tải một quan niệm của Nguyễn Du về nghệ thuật, về cái Đẹp, một triết lý về cuộc sống được lồng trong một không gian gợi mở rồi cuộn xoáy, lắng đọng dần theo chiều sâu tâm thức và một yếu tố thời gian miên viễn đủ để chứng tỏ Độc Tiểu Thanh ký là một bài thơ đặc sắc.

Hướng tới kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du, đọc lại tác phẩm Độc Tiểu Thanh ký, những gì đọng lại đằng sau con chữ ấy vẫn là tấm lòng của Nguyễn Du, tấm lòng biết nâng niu trân trọng cái Đẹp, tấm lòng luôn đi tìm sự đồng điệu, những giọt nước mắt cảm thông nhưng tuyệt vọng. Vì thế, Độc Tiểu Thanh ký về sâu xa là nỗi ám ảnh tột cùng của Nguyễn Du về giá trị của cái Đẹp bị đánh mất. Tư tưởng ấy, tự bản thân nó đã hàm chứa một tính nhân đạo lớn.    

NGUYỄN ĐÌNH VĨNH

.