Chuyên đề
Để sông "không ngủ" mùa đông
“Mùa mưa không ra biển được thì đã có sông. Nếu biết cách khai thác thì mùa nào ở Đà Nẵng cũng là mùa du lịch”, thuyền trưởng, ngư dân Đặng Hòa, chủ tàu Hàn Giang nói đầy tự tin.
Những hoạt động trên sông Hàn về đêm luôn có sức hút với khách du lịch. Trong ảnh: Dịch vụ du thuyền trên sông Hàn. Ảnh: MINH TRÍ |
Vẫn hoạt động, nhưng chưa khai thác xứng tầm
Từ đầu tháng 9 đến hết tháng 12, những cơn mưa miền Trung triền miên khiến nhiều người có tâm lý “du lịch đường bộ đã khó huống gì đường thủy”. Thế nhưng, theo một số chủ tàu đang kinh doanh dịch vụ trên sông Hàn, đúng là lượng khách có bị hạn chế do chịu tình hình chung mùa thấp điểm, tuy nhiên điều kiện thời tiết không phải là lý do. Sông Hàn vào mùa mưa vẫn êm ru chứ không dậy sóng như biển. Hầu hết các chủ tàu đều chạy 1-2 tour/đêm. Chỉ những đêm mưa gió bão bùng, tàu mới phải nằm nhà.
Anh Đinh Viết Văn Hải, Phó Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên thành phố, cho biết, thực sự, khách đi du lịch mùa thấp điểm lại là đối tượng khách tự bỏ tiền túi ra và thực sự muốn hưởng cảm giác trải nghiệm du lịch Đà Nẵng. Anh khoanh vùng 2 đối tượng rất thích trải nghiệm du lịch đường sông mùa này đó là nhóm khách nói tiếng Anh và khách là những người con của đất Đà thành về thăm quê hương.
Dù hiện tại, trên sông Hàn chỉ mới khai thác 2 tour du lịch là “Thưởng ngoạn sông Hàn về đêm” và ban ngày có tour đi Bãi Cát Vàng, Bãi Đá Đen, Đảo Ngọc, nhưng hoạt động trên sông không vì thế mà giảm đi sức hút với khách du lịch. “Người dân ở đây lâu năm thì thấy bình thường nhưng khách du lịch đến đây, qua làn mưa phủ, tiết trời se lạnh, được lênh đênh sông nước ngắm thành phố lên đèn, ngắm nhìn những cây cầu nổi tiếng của Đà Nẵng, họ rất hứng thú”, anh Trương Thanh Vũ, quản lý tàu Du thuyền Đà Nẵng, cho biết.
Anh Đinh Viết Văn Hải thì lý giải, “Những khách du lịch đến từ Mỹ, Pháp, nếu đã có những hiểu biết về Việt Nam, về Đà Nẵng qua lịch sử thường có một cảm xúc khác thường hơn khi được lênh đênh sông nước ngắm sự đổi thay của Đà Nẵng sau những tháng năm chiến tranh khói lửa. Còn đối tượng là khách Đà thành hồi hương, họ có cảm nhận sâu sắc về sự đổi thay ở hai bên bờ Đà Nẵng, về những cây cầu nối liền đôi bờ thương nhớ”.
“Chúng tôi đã đi du lịch nhiều nơi trên đất Việt Nam nhưng cảm giác thong thả, tự tại khi đi du thuyền trên dòng Hàn giang này vẫn đọng lại những cảm xúc khó quên. Dòng Hàn này đem lại cảm giác thật êm đềm, nhẹ nhàng, và bình thản”, chị Hà Thanh Thảo, du khách đến từ Phú Thọ, chia sẻ.
Du lịch đường sông Đà Nẵng còn nhiều điều thú vị, đáng tiếc lại chưa được khai thác xứng tầm. Thượng nguồn sông Hàn có 3 con sông, sông Cẩm Lệ đi về làng Túy Loan-Thái Lai, nơi duy nhất trên địa phận Đà Nẵng còn lưu giữ nét hồn quê xưa. Sông Cái về Vĩnh Điện gặp sông Thu Bồn đi Hội An và sông Cổ Cò đi Cửa Đại (Hội An).
Dọc sông Hàn còn có di tích K20 (ở địa phận phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) lưu giữ những sự kiện lịch sử được lưu truyền sinh động trong nhân dân và đi vào sử sách. Đáng tiếc, các điểm đến này đều chưa được quảng bá rộng rãi nên không nhiều người biết đến. Ông Đặng Hòa tiếc rẻ, nếu dự án sông Cổ Cò được khai thông, những điểm đến sinh thái ở các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn… được đầu tư và quảng bá, du lịch đường sông ở Đà Nẵng sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn không kém gì các bãi biển Đà Nẵng.
Nỗ lực kéo khách mùa thấp điểm
Các chủ tàu cho biết, vào mùa thấp điểm, hầu như không có khách lẻ mà chủ yếu khách đặt tour là những cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức hội thảo, hội nghị kết hợp du lịch và thêm một số ít khách đi hưởng tuần trăng mật, vì thế giá tour giảm nhiều. Đây được cho là “chiêu” phổ biến mà các tàu đang áp dụng ở thời điểm này.
Anh Võ Văn An, quản lý Tàu Rồng sông Hàn, cho biết: “Mùa này dù giảm giá nhưng chất lượng phục vụ không thay đổi thậm chí được nâng cao hơn. Để đạt được chất lượng như mùa cao điểm, tàu của tôi không giảm nhân viên mà duy trì đội ngũ này nhằm mang đến sự phục vụ chu đáo cho các đoàn khách. Chúng tôi luôn cố gắng làm tốt hơn để mùa cao điểm họ quay trở lại”.
Không chỉ Tàu Rồng sông Hàn, các tàu có công suất nhỏ hơn cũng cố gắng đón đầu các đoàn khách quốc tế, đối tượng đi du lịch không ngại thời tiết, cố gắng làm thế nào để tàu không “đắp mền” nằm nhà là tiêu chí của các tàu du lịch trong mùa thấp điểm này.
Ông Đặng Hòa nhìn nhận, thu đông là mùa khách quốc tế, mà khách quốc tế đến với Đà Nẵng không phải vì những tòa nhà cao tầng, vì đô thị hiện đại mà họ đến để trải nghiệm một thứ văn hóa đặc trưng có chiều sâu hơn. Nắm được tâm lý này, ông không ngừng trau dồi kiến thức lịch sử về Đà Nẵng, về những cây cầu để khi khách có thắc mắc là sẵn sàng giải đáp. “Mình là dân Đà Nẵng, là con rái cá lớn lên từ vùng sông nước mà không am hiểu về vùng đất này là dở”, ông nói.
Mỗi tàu du lịch lại có giải pháp kinh doanh riêng vào mùa này. Một mặt, các chủ tàu cố gắng liên hệ các công ty lữ hành để đón khách, mặt khác, một số tàu như Tàu Rồng sông Hàn tận dụng tầng 2 và 3 để làm nhà hàng, quán cà-phê cho thêm mới mẻ loại hình du lịch, còn tàu Du thuyền Đà Nẵng lại đang xây dựng tàu thành một quán Pub trên sông. Giữa bốn bề sóng nước, được uống rượu, thưởng trăng, nghe nhạc thì còn gì bằng.
Thực hiện chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển du lịch đường sông của UBND thành phố Đà Nẵng, thời gian qua hoạt động du lịch đường sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có bước phát triển mới với sự tham gia đầu tư của nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đường thủy nội địa. Tính đến đầu tháng 10-2015, tổng số phương tiện thủy nội địa phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 43 chiếc (số tàu hoạt động trên sông Hàn là 28 tàu, khu vực bán đảo Sơn Trà có 14 tàu, ca-nô), các phương tiện này có sức chứa từ 12 chỗ đến 250 chỗ ngồi. |
QUỲNH TRANG