Cuốn “Tập tục, lễ hội đất Quảng”, một trong số 5 cuốn thuộc tổng tập “Văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng” được trao giải Đồng Sách hay Việt Nam 2009 khiến ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng, chủ biên bộ sách rất vui.
Nghe ông kể chuyện từ đặt bài đến tổ chức bản thảo - một khâu quan trọng trong quá trình hình thành nên nội dung của các xuất bản phẩm, mới thấy sự tâm huyết, dày công của các biên tập viên để cho ra đời những cuốn sách có giá trị.
Ông Võ Văn Hòe và bộ sách 5 cuốn tổng tập “Văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng”. Ảnh: H.N |
Tổng tập “Văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng” từ khi hình thành ý tưởng đến khi hoàn thành tập sách thứ 5 là mất chẵn 10 năm. Bộ sách này được ông Hòe ví là sách “tự sản xuất”, do tất cả hội viên của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng chung tay đóng góp.
Tập 1 là cuốn “Ca dao, dân ca đất Quảng”, tập 2 là “Chuyện kể dân gian đất Quảng”, tập 3 là “Tập tục, lễ hội đất Quảng”, tập 4 là “Nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng” và tập 5 là “Ẩm thực đất Quảng”.
Các tác giả đăng ký từng đề tài khác nhau và gửi đến cho ông chủ tịch Hội. Từ đây, nhiệm vụ của ông Hòe mới thấy rõ sự “nặng nề” trong tổ chức bản thảo. “Các tác giả gửi bài dưới dạng một bài báo hoặc bài nghiên cứu để đăng trên tạp chí, mình phải viết lại dưới dạng một bài nghiên cứu, nối đuôi nhau trong cuốn sách cho liền mạch. Phải xử lý văn phong vì có người viết dưới dạng tự sự, thì phải chắt lọc ra vấn đề mình cần.
Nên nhiều bài gần như viết lại quá nửa”. Nhìn những tập sách ông Võ Văn Hòe dày công biên soạn mới thấy sự cần mẫn, chỉnh chu của người tổ chức tập sách. Những bài viết của các tác giả được ông trình bày liền mạch, có lớp lang, có vấn đề; chứ không phải là những cuốn sách tập hợp các bài viết của các tác giả. Do đó, mỗi cuốn sách mất thời gian khoảng 2 năm mới ra đời, ông bảo mình phải “đánh máy, mo-rát, nói chung là mọi thứ trên đời.
Cái được lớn nhất khi tự mình biên tập là sự thể hiện chính xác về phương ngữ, tên các ngành nghề chỉ ở địa phương đó mới có. Ở đoạn nào không hiểu thì mình trao đổi ngay với hội viên để soạn lại cho chính xác”. Bản thảo khi chuyển đến nhà xuất bản (NXB) đã được chỉnh sửa công phu, biên tập viên của NXB vì thế cũng đỡ nhọc công rất nhiều trong khâu biên tập.
Với người “tự sản xuất” là thế, còn với các NXB thì quá trình khai thác bản thảo được thực hiện bằng nhiều cách, như tìm hiểu, theo dõi thị trường sách, nhu cầu của bạn đọc, từ đó tìm kiếm các tác giả có khả năng viết và mời cộng tác; khai thác đề tài từ các chuyên mục thông tin, báo chí - nếu thấy phù hợp với đối tượng bạn đọc của NXB, là chủ đề “nóng”, nhiều người quan tâm… thì cùng mời tham gia biên soạn, tổ chức bài vở để có bản thảo xuất bản sách. Và thứ nữa, các NXB cố gắng duy trì mối quan hệ với các tác giả để khi có tác phẩm mới và hay, tác giả tin cậy gửi đến.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng đại diện Chi nhánh NXB Kim Đồng tại miền Trung cho biết, khi đã có bản thảo trong tay, Ban biên tập sẽ đọc thẩm định và góp ý để bản thảo có nội dung đáp ứng được mục tiêu đề tài cũng như khi triển khai thành sách.
Có một số bản thảo, lần đầu tiên gửi đến có thể chưa thực sự hay và tốt, nhưng được sự góp ý của Ban biên tập, tác giả đã chỉnh lý, sửa chữa và khi xuất bản thành sách đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận. Trong quá trình biên tập, Ban biên tập làm việc kỹ lưỡng cùng tác giả, cẩn thận từng từ ngữ, chi tiết, xác lập hình ảnh minh họa, thiết kế sách... để ấn phẩm được in ra có chất lượng tốt nhất về nội dung, đẹp nhất về mỹ thuật.
Theo đánh giá của bà Thanh Thủy, trong nhiều năm làm đại diện của NXB tại miền Trung, Ban biên tập của NXB Kim Đồng rất trân trọng người viết sách cho trẻ em; họ yêu nghề, có kinh nghiệm, có khả năng nên các tác giả, cộng tác viên luôn yên tâm khi cộng tác với NXB. Nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa công việc tổ chức - khai thác bản thảo - những người viết sách - ban biên tập - thiết kế - in ấn - phát hành... nên nhiều năm qua Chi nhánh nói riêng và NXB Kim Đồng đã có nhiều sách hay, sách đẹp cho bạn đọc.
Đơn cử như những cuốn Nội tôi, Trên nẻo đường giao liên, Cái ống phốc và trái banh chuối của nhà văn Bùi Tự Lực; tập thơ Đem mưa về cho cây của cố nhà thơ Trần Khắc Tám…
Bà Huỳnh Yên Trầm My, Trưởng ban biên tập NXB Đà Nẵng, cho biết, NXB thành lập vào tháng 8-1984, thì kết thúc năm đó, đã khai thác và xuất bản được 3 đầu sách. Và đến nay, sau hơn 30 năm, NXB Đà Nẵng đã thực hiện được trên 12.000 đầu sách, điều đó cũng đồng nghĩa, các biên tập viên đã tham gia khai thác chừng ấy bản thảo.
Ngoài ra, các biên tập viên còn có kế hoạch dài hạn, theo đuổi những công trình lớn. “Những bộ sách “Phan Châu Trinh toàn tập”, “Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập”, “Phạm Phú Thứ toàn tập”… chúng tôi tập trung đầu tư thời gian (từ 10 đến 20 năm), công sức (cả Ban biên tập NXB) và kinh phí (từ 200 triệu đến 500 - 600 triệu đồng).
Và kết quả là bạn đọc và xã hội có được những bộ sách tầm cỡ, giá trị và có thể nói là vô giá. Nếu NXB không tổ chức sưu tầm, dịch thuật, hiệu đính… thì làm sao có được 849 bài thơ, hàng trăm bài tấu, khải, phú, biểu, luận, hàng ngàn câu đối được xuất bản trong 2 tập sách dày 2.700 trang của vị quan đại thần Phạm Phú Thứ”, bà Trầm My nhấn mạnh.
Không đồng nhất sách hay với sách bán chạy
Để có thể đứng chủ biên trước tổng tập Văn hóa, văn nghệ dân gian đất Quảng, ông Võ Văn Hòe đã phải tự học thêm nhiều về văn hóa, lịch sử vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng; ông phải tự điều chỉnh mình về cách thức tổ chức, biên tập, đề cao năng lực của anh em hội viên tham gia viết bài.
Nhờ đó, “tôi được nâng lên một bước về văn hóa đất Quảng”. Và ông tự biên soạn được 3 cuốn sách là “Chuyện kể địa danh xứ Quảng”, “Vè xứ Quảng và chú giải” và đang biên soạn cuốn “Địa danh tỉnh Quảng Nam”.
Bà Trầm My cũng cho rằng, chính năng lực của đội ngũ biên tập viên, những người tổ chức bản thảo đã cho ra đời những cuốn sách hay mà NXB Đà Nẵng đang có. “Ngoài nghiệp vụ biên tập, kiến thức văn hóa, văn học, xã hội, khoa học kỹ thuật…, lòng yêu nghề, say mê với với sách vở đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng bó tay.
Nguồn tài chính của NXB không dồi dào, kiến thức của mỗi biên tập viên có hạn, hiện nay trên thực tế có quá nhiều sự cạnh tranh gay gắt nên không đơn giản để tổ chức được một bản thảo hay. Và, thị trường sách hiện nay nảy sinh một nghịch lý, là không đồng nhất sách hay, sách giá trị với sách bán chạy. Đây chính là cái khó nhất của những người đi tổ chức, khai thác bản thảo để kinh doanh trong cơ chế thị trường hiện nay”, bà Trầm My nhìn nhận.
Với thị trường xuất bản rộng mở như hiện nay, nhiều đơn vị tư nhân được tham gia làm sách, để có những cuốn sách hay, có chất lượng, thiết nghĩ ý tưởng của ông Võ Văn Hòe rất đáng để suy nghĩ, đó là biên tập viên cần có trình độ cao hơn hẳn người dịch sách, người viết sách để đánh giá, thẩm định. Nếu những nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn họ không lên tiếng với những cuốn sách tổ chức bản thảo kém thì không ai biết, và những cuốn sách sai, nội dung dễ dãi dễ làm cho nền học thuật bị thấp đi.
Cho nên có thể xem đội ngũ biên tập như những chuyên viên, trước món ăn tinh thần được dọn cho người đọc.
HOÀNG NHUNG